Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Có một dòng chảy văn hóa trong nghệ thuật múa dân tộc

Thanh Hoa - 19:44, 23/10/2021

Tiếp thu tinh hoa thế giới để làm các điệu múa dân gian dân tộc gần gũi với đời sống hiện đại rất cần sự khai phá và có chọn lọc của những nhà nghiên cứu, biên đạo và các nghệ sĩ biểu diễn.

tác phẩm múa “Sắc màu bản Dao” của biên đạo Thu Hà và Mai Thanh do Đoàn Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên biểu diễn
Tác phẩm múa “Sắc màu bản Dao” của biên đạo Thu Hà và Mai Thanh do Đoàn Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên biểu diễn

Múa dân tộc là thứ ngôn ngữ được dùng để biểu đạt những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của từng tộc người, được gắn liền với đời sống sinh hoạt và lao động. 

Nhiều điệu múa của đồng bào DTTS đã vượt ra khỏi không gian, môi trường sống của đồng bào để trở thành tác phẩm múa chuyên nghiệp, trở thành khuôn mẫu, chuẩn mực trong chương trình, giáo trình đào tạo nghệ thuật múa của các trường văn hóa nghệ thuật trên cả nước... trở thành di sản của quốc gia, dân tộc, như: Múa nón Thái, múa Cơ Tu, Chàm rông, roong chiêng, múa sạp, múa ô, múa khèn Mông...

Các biên đạo múa khai thác ngôn ngữ, chất liệu múa tồn tại trong đời sống của các DTTS hoặc dựa vào những nét riêng trong phong tục, tập quán và lối sống của đồng bào để xây dựng thành các tác phẩm múa biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp. Ví dụ ở tác phẩm múa “Khèn núi”, chỉ dựa vào một số động tác múa khèn của các chàng trai dân tộc Mông, biên đạo Nguyễn Trung Hưng đã biến chiếc khèn nhỏ bé thành đạo cụ hữu hiệu (là chiếc khèn với kích cỡ lớn), vừa tôn vinh được nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của dân tộc Mông, vừa mang hơi thở của cuộc sống đương đại.

Tác phẩm múa "Rơtăpme" - Biên đạo múa: Trần Quốc Bảo
Tác phẩm múa "Rơtăpme" - Biên đạo múa: Trần Quốc Bảo

Hoặc ở tác phẩm “Men tình” của biên đạo Quỳnh Dương- Kim Chung cũng đã dẫn dắt người xem đến với nét văn hóa độc đáo của người Mông với chiếc khèn, chiếc ô xúng xính xuống chợ ngày xuân để hòa mình vào điệu múa, tiếng khèn rộn rã, vui tươi của âm điệu núi rừng.

Chiếc khăn piêu dịu dàng, tình tứ của người con gái Thái cũng đã trở thành nét chấm phá làm nên tác phẩm “Cút Piêu-Cút tình” của biên đạo Hồ Thanh Thanh. Không ôm đồm, khoe kĩ xảo, kĩ thuật trong thể hiện ngôn ngữ mà chỉ lấy chất liệu là một số động tác, bước đi của các cô gái Thái và dải khăn piêu, biên đạo đã biến chuyển đội hình, tuyến chuyển động một cách linh hoạt…, tạo cho người xem thấy được nét dịu dàng, duyên dáng, đặc biệt là tôn vinh được hình ảnh chiếc khăn piêu - một biểu tượng văn hóa của người dân tộc Thái.

Với tác phẩm “Sắc màu bản Dao” của biên đạo Thu Hà và Mai Thanh do Đoàn Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên biểu diễn trong Cuộc thi Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2012 cũng đem lại cho khán giả một ấn tượng thật sinh động, đầy màu sắc của một tộc người trên vùng đất Đông Bắc. Với những bộ trang phục rực rỡ của đồng bào dân tộc Dao trong những ngày lễ, tết cổ truyền, bằng ngôn ngữ múa dung dị của dân tộc Dao, với tuyến chuyển động đội hình khi ngang, khi chéo, khi đan xen một cách khéo léo, nhuần nhị…khiến người xem vô cùng yêu thích.

Tác phẩm "Đêm trăng bên cối gạo mới", Biên đạo múa: Phan Duy Hưng
Tác phẩm "Đêm trăng bên cối gạo mới", Biên đạo múa: Phan Duy Hưng

Tập quán dệt sợi, thêu may trang phục của các cô gái Lô Lô cũng được biên đạo Hoàng Loan khai thác làm chất liệu chủ đạo xây dựng nên tác phẩm múa “Se sợi” hấp dẫn, cuốn hút người xem và tôn vinh được nét văn hóa độc đáo của người Lô Lô. Đức tính cần cù, chăm chỉ của người con gái Lô Lô được bộc lộ rõ nét qua bàn tay khéo léo và con mắt thẩm mĩ tinh tế trong từng đường may, nét thêu trên những bộ trang phục sặc sỡ, sinh động của đồng bào.

Dáng ngủ ngồi của người Rục cũng đã được biên đạo Ánh Tuyết khai thác, phát triển làm chất liệu, nền tảng xây dựng nên ngôn ngữ múa trong tác phẩm “Nguy nhấp”… Tuy nhiên, tác giả không dựa trên vốn ngôn ngữ, động tác múa có sẵn của tộc người để dàn dựng tác phẩm mà dựa vào tập tục văn hóa tộc người để làm cơ sở hình thành ngôn ngữ múa. Theo đó cũng đã tạo hiệu ứng nghệ thuật cho tác phẩm, đồng thời giới thiệu tới người xem một tập tục văn hóa độc đáo của người Rục…

Có thể nói, trong đời sống xã hội toàn cầu hóa và xu thế hội nhập như hiện nay thì bản sắc văn hóa dân tộc là một khái niệm “động” và “mở”. Đối với nghệ thuật múa cũng vậy, chúng ta không nên đồng nhất bản sắc dân tộc trong múa với “cái cũ”, cái “nguyên gốc” của tộc người. Bản sắc văn hóa dân tộc, ngôn ngữ múa dân tộc luôn chứa đựng trong nó sự kế thừa của quá khứ, sự vận động của hiện tại và sẵn sàng đón nhận sự đổi mới từ tương lai. 

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.