Tôi thích dùng từ “phụ nữ ngày nay”, thay vì “phụ nữ hiện đại” như một số người nói. Bởi lẽ, nếu đưa ra chuẩn mực mang tính hiện đại nghĩa là chúng ta lại tạo thêm một số khuôn mẫu gắn vào người phụ nữ mà các thế hệ tiếp theo phải nỗ lực xoá bỏ các chuẩn mực do thế hệ chúng ta tạo nên.
Ở một mẫu số chung, tôi cho rằng, phụ nữ ngày nay trước hết cần vượt qua định kiến của bản thân, định kiến trong gia đình và xã hội để tự khẳng định, sống theo cách mình mong muốn và bảo vệ nhân phẩm của mình. Nhưng đó là điều không hề dễ dàng, nhất là với phụ nữ vùng DTTS.
Những định kiến xã hội và luật tục xã hội vẫn còn rất nặng nề sau mỗi bản làng. Ở đó, người phụ nữ thiếu được tôn trọng, chỉ được ví như cái bóng của chồng. Ở đó, người phụ nữ sống phụ thuộc, chưa một lần vượt qua dốc núi trước nhà mà ngày ngày chỉ quẩn quanh với xó bếp, góc nương. Ở đó, người phụ nữ không được đối xử công bằng, không được tiếp cận kiến thức, không được tham gia công tác xã hội…
Nếu muốn tìm một ví dụ về người phụ nữ như vậy, không khó đâu. Sau những bản làng vùng sâu, vùng xa; cuộc sống thường ngày của những người phụ nữ không chỉ đối mặt với chuyện cơm áo mà hơn hết, họ chưa được đối xử công bằng, thiếu được tôn trọng. Thử hỏi, như vậy, làm sao phụ nữ làm chủ được cuộc sống. Và khi, không làm chủ được cuộc sống, đừng mong có được hạnh phúc, đừng mong có được sự bình đẳng, công bằng…
Nhưng, nếu phải tìm một bằng chứng về những phụ nữ vùng DTTS làm chủ cuộc sống thì cũng rất dễ dàng. Cách đây chưa lâu, tôi đã gặp và có ngay bài viết về nữ bí thư chi bộ người Mông đầu tiên ở xứ Nghệ. Cô là Vừ Y Dỡ ở bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương (Nghệ An). Cô đã vượt qua định kiến xã hội, tập tục bản làng để đứng vào hàng ngũ của Đảng, rồi làm cán bộ thôn bản. Ở nhà, Y Dỡ còn tích cực phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái học hành đầy đủ. Tự bao giờ, Vừ Y Dỡ đã trở thành tấm gương cho những người phụ nữ vùng cao học tập, noi theo. Chuyện trò cùng Y Dỡ và hơn hết là từ vị trí công việc mà cô đang làm, đó chẳng phải là một ví dụ sống động về một người phụ nữ làm chủ cuộc sống hay sao.
Biết bao phụ nữ vùng DTTS đang làm chủ cuộc sống nơi miền sơn cước. Họ là những doanh nhân, giám đốc, chủ nhiệm HTX hay đó là những cán bộ thôn, bản; thậm chí là một người dân bình thường… Từ các bài thuốc gia truyền và các cây thuốc quý của người Dao Đỏ, chị Tẩn Tả Mẩy (bản Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai) đã phát triển kinh doanh, làm giàu cho mình, tạo việc làm cho các chị em phụ nữ DTTS tại địa phương.
Rồi bà Hà Ngọc Quỳnh, dân tộc Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Thuấn Quỳnh, đã dành cả cuộc đời gắn bó với vùng chè của huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh. Bỏ “phố về vườn”, mô hình khởi nghiệp của cô gái trẻ Nguyễn Thị Thu Phương (sinh năm 1992, xã Phú Lộc, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) ngày càng thành công. Thu Phương đã truyền lửa cho phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp ở tỉnh Đắk Lắk, vừa góp phần đưa mắc ca Việt Nam vươn ra thế giới.
Tôi tin rằng, để có được vị thế hiện nay, những người phụ nữ kể trên đã trải qua bao vất vả, khó khăn của những ngày đầu khẳng định bản thân mình. Không chỉ thay đổi suy nghĩ, nhận thức, tự học hỏi… họ cũng đã phải nỗ lực rất nhiều lần, dám lên tiếng, đấu tranh với những bất công, định kiến xã hội, định kiến dân tộc.
Rõ ràng, làm chủ cuộc sống đã là đích đến, cũng là ước mơ, khát vọng của không riêng gì phụ nữ người DTTS. Chẳng thế mà có người từng nói, “phụ nữ chỉ thực sự có hạnh phúc khi làm chủ cuộc đời mình”. Với những người phụ nữ mà tôi kể trên, chắc chắn họ sẽ có được hạnh phúc, được tự do làm việc mình thích, tự tạo lập lối đi cho riêng mình… để có được thoải mái, vui vẻ, tự tin trong cuộc sống hàng ngày.
Nhưng, để làm chủ được cuộc sống thì, môi trường nơi người phụ nữ sinh sống đóng vai trò quan trọng. Môi trường ấy là cuộc sống của mỗi bản làng, là gia đình, dòng họ, láng giềng của chính người phụ nữ đó. Chính môi trường ấy là nơi nuôi dưỡng, hun đúc ý chí, quyết tâm, nhận thức của người phụ nữ để họ tự thay đổi, tự nâng cao kĩ năng cho bản thân. Ngoài yếu tố xã hội, phụ nữ muốn làm chủ cuộc sống còn phụ thuộc rất nhiều vào suy nghĩ, ý chí, quyết tâm, nhận thức của chính người phụ nữ ấy. Người phụ nữ trước hết phải có tư tưởng tiến bộ, suy nghĩ tích cực, không cam chịu, biết cách lên tiếng khi thấy bất công, không ngừng học tập, nâng cao kiến thức, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của gia đình, dòng họ, bản làng… để học tập, để tham gia công tác xã hội, mở rộng sự giao lưu và hiểu biết.
Một bé gái hay một phụ nữ không sống một mình mà sống trong sự tương tác với các thành viên gia đình và xã hội. Vì vậy, ngay từ khi lọt lòng, gia đình và xã hội phải trao cho bé gái một cơ hội được sống, nuôi dưỡng một cách bình đẳng. Môi trường sống an toàn, thân thiện và luật pháp tiến bộ, nghiêm minh là điều kiện tốt để trẻ em gái và sau này là phụ nữ có thể nắm bắt được các cơ hội một cách bình đẳng.
Ở khía cạnh khác, việc trao cho trẻ em trai và trẻ em gái cơ hội giáo dục bình đẳng sẽ giúp cho trẻ em gái và phụ nữ trưởng thành sau này có thể nắm bắt được các cơ hội khác trong cuộc sống, bao gồm cơ hội được sống trong một môi trường không định kiến và phân biệt đối xử.
Thời đại hội nhập và sự phát triển sẽ là cơ hội để phụ nữ vùng DTTS học hỏi, nghiên cứu, làm giàu thêm tri thức, kinh nghiệm sống và phát triển các mô hình kinh doanh. Nắm bắt cơ hội, tự tạo cơ hội sẽ là điều kiện để mỗi người DTTS vượt lên chính mình, vượt lên định kiến và tập tục xã hội để có cơ hội làm chủ cuộc sống. Chỉ khi nào làm chủ cuộc sống, người phụ nữ mới có hạnh phúc thực sự.