Nhìn lại một chặng đường
Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc cũng là dịp cả xã hội nhìn lại những đóng góp của phụ nữ Việt Nam trên tiến trình phát triển đất nước, nhất là trong nhiệm kỳ thứ XII (2017 - 2022).
Theo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XII đánh giá, nhiệm kỳ qua, nhiều phong trào thi đua đã được các cấp Hội triển khai sâu rộng, hòa quyện vào các phong trào thi đua của đất nước. Kết quả đó được thể hiện toàn diện trên các mặt kinh tế - xã hội.
Trước hết, công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc tiếp tục được đổi mới, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tiêu biểu như, 5 năm qua các cấp hội phụ nữ đã đăng ký gần 17 nghìn công trình/phần việc với cấp ủy chính quyền địa phương và gần 13 triệu hộ gia đình đạt tiêu chí “5 không, 3 sạch”. Trong nhiệm kỳ, Hội đã khởi xướng, thực hiện nhiều mô hình như “Ngôi nhà Bình yên”, “Làng quê an toàn”, “Tuyến phố an toàn”…
Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19 và thiên tai, các cấp Hội, đặc biệt là cấp Hội cơ sở đã nỗ lực vượt khó, bám sát địa bàn triển khai hoạt động Hội, chủ động quan tâm chăm lo sức khỏe và đời sống cho hội viên, phụ nữ. Chỉ tính riêng trong năm 2020 - 2021, Hội đã vận động được trên 480 tỷ đồng và 730 nghìn phần quà san sẻ yêu thương; đỡ đầu gần 500 trẻ mồ côi. Trong nhiệm kỳ đã vận động được 746 tỷ đồng xây dựng và sửa chữa mái ấm tình thương với trên 3.000 tỷ đồng cho các hoạt động xã hội, từ thiện.
Bên cạnh đó, công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường đã có những điểm khởi sắc, chuyển đổi mạnh mẽ. Thời gian qua, Hội đã vận động được 174,8 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và địa phương) và xã hội hóa (79,3 tỷ đồng), qua đó giúp đỡ gần 73 nghìn phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; gần 12 nghìn mô hình kinh tế tập thể và gần 800 hợp tác xã được thành lập.
Ngoài ra, Công tác xây dựng tổ chức Hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thực hiện giám sát, phản biện xã hội và công tác đối ngoại nhân dân ngày càng đổi mới, đi vào thực chất.
Bằng quyết tâm, sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đến cuối nhiệm kỳ XII, Hội LHPN Việt Nam đã có trên 19 triệu hội viên (tăng 2.182.324 hội viên, vượt gần 2,2 lần so với chỉ tiêu), tỷ lệ tập hợp hội viên đạt 75,42%; giảm giảm 99,2% số cơ sở Hội có tỷ lệ tập hợp hội viên dưới 50% (đầu nhiệm kỳ là 1.037 cơ sở, đến cuối nhiệm kỳ chỉ còn 8 cơ sở).
Quyết tâm trong nhiệm kỳ mới
Với bề dày thành tích, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng nỗ lực đặt ra nhiều mục tiêu cho nhiệm kỳ XIII (2022 - 2027). Theo đó, hằng năm, mỗi cơ sở Hội duy trì thường xuyên ít nhất 1 loại hình hoạt động để vận động phụ nữ nâng cao kiến thức, trau dồi đạo đức, rèn luyện sức khỏe.
Hằng năm, các cấp hội phụ nữ phấn đấu giúp 33.500 hộ có phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo; hỗ trợ nâng cao năng lực cho 17.000 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh; đến cuối nhiệm kỳ, vận động, hỗ trợ thành lập mới 350 hợp tác xã có phụ nữ tham gia quản lý.
Đến cuối nhiệm kỳ XIII, các cấp Hội nỗ lực hỗ trợ 80% phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân mua bán người trở về được phát hiện tiếp cận ít nhất một dịch vụ trợ giúp xã hội.
Hằng năm, mỗi cơ sở Hội sẽ vận động, hỗ trợ thêm 5 hộ gia đình đạt tiêu chí “gia đình 5 không, 3 sạch” hoặc “gia đình 5 có, 3 sạch” (đối với địa bàn xây dựng nông thôn mới nâng cao/kiểu mẫu), phấn đấu cả nước giúp được thêm 55.000 hộ gia đình đạt 8 tiêu chí; mỗi cơ sở Hội đăng ký và thực hiện 1 công trình/phần việc góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.
Đến cuối nhiệm kỳ 2022 - 2027, Hội sẽ phấn đấu tăng thêm 800.000 hội viên; phấn đấu 100% cơ sở Hội tập hợp được trên 60% phụ nữ có mặt tại địa bàn; 100% cán bộ Hội chuyên trách các cấp sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản trong công tác Hội; 100% chi hội trưởng được tập huấn nghiệp vụ công tác Hội.
Hằng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp trung ương và cấp tỉnh chủ trì giám sát ít nhất 1 chính sách và phản biện xã hội ít nhất 1 dự thảo văn bản liên quan đến phụ nữ, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới và tổ chức Hội; mỗi Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện, cấp xã giám sát ít nhất 1 chính sách và góp ý ít nhất 1 dự thảo văn bản của cấp ủy, chính quyền.
Đến cuối nhiệm kỳ, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp trung ương đề xuất thành công ít nhất 5 chính sách, đề án; Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh đề xuất thành công ít nhất 1 chính sách, đề án liên quan đến phụ nữ.
Có thể nói, thời gian qua, phụ nữ Việt Nam, dù thuộc dân tộc, tôn giáo, địa vị, nghề nghiệp, địa bàn cư trú, lứa tuổi nào cũng luôn giữ gìn, phát huy truyền thống, phẩm chất đạo đức, đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước. Chị em luôn chăm lo, vun đắp hạnh phúc gia đình, nỗ lực vươn lên khẳng định vai trò, vị thế to lớn trong đời sống xã hội. Những phẩm chất tốt đẹp ấy sẽ tiếp tục khẳng định trong thời gian tiếp theo, nhất là trong Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII sắp tới./.