Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Cô giáo H’Xinh với học sinh vùng sâu

PV - 14:50, 06/02/2018

Tìm đến thăm gia đình em học sinh cũ, vòng vèo qua vài ngã tư, tôi đã đứng giữa ngôi làng Pleiku Roh-một buôn làng của người Jrai hình thành từ đầu thế kỷ XX, ở TP. Pleiku (Gia Lai). Học sinh cũ của tôi-Rmah H’Xinh, hiện là giáo viên Trường THPT Võ Văn Kiệt, huyện Phú Thiện (Gia Lai). Chồng em là anh Glin cũng là giáo viên. Đã từ lâu, niềm đam mê dạy chữ ở những nơi gian khó luôn thôi thúc trong ý nghĩ của H’Xinh.

Từ học sinh xuất sắc đến cô giáo vùng sâu

Rmah H’Xinh vốn là cựu học sinh từng đạt danh hiệu Học sinh Xuất sắc của Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang (khóa 2007-2008). Trong một năm học tập và rèn luyện tại đây, Rmah H’Xinh đã kịp làm được nhiều việc, bổ sung thêm vào hành trang đầu đời của mình những thành tích đáng khích lệ mà nhiều người phải mơ ước như; Giải Nhất thi kể chuyện Bác Hồ tại Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang. Được cử tham dự thi Kể chuyện Bác Hồ sinh viên khối các Học viện, ĐH, CĐ, THCN tỉnh Khánh Hòa và đạt giải Ba với câu chuyện cảm động “Đôi dép cao su của Bác Hồ” có nội dung ca ngợi đức tính giản dị, cần kiệm của Bác. Đạt giải Khuyến khích môn Văn các Trường Dự bị đại học toàn quốc lần thứ Nhất tại tỉnh Phú Thọ (tháng 4/2008).

Cô giáo Rmah H’Xinh bên chồng và con. Cô giáo Rmah H’Xinh bên chồng và con.

 

Sau khi được tuyển thẳng và tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, ra trường với tấm bằng loại giỏi, Rmah H’Xinh quyết định trở về nơi gian khó ở Tây Nguyên để dạy học. Rmah H’Xinh được phân công về giảng dạy tại Trường THPT Võ Văn Kiệt thuộc xã Ia Piar, một xã vùng sâu tỉnh Gia Lai. Học sinh của trường còn ở những xã sâu hơn, hằng ngày phải đi xe đạp đến trường, vượt qua nhiều đèo dốc, núi cao, rừng sâu xa hàng chục cây số; có dạo mưa lũ ngập sông suối, học sinh đành phải nghỉ học.

Rmah H’Xinh tâm sự: Truyền thụ kiến thức cho học sinh người Jrai thì các thầy cô khác đều có thể làm được. Tuy nhiên việc dạy học không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức, mà còn hướng dẫn, uốn nắn cho các em học sinh Jrai vốn chưa quen với ứng xử, tập quán trong nền văn hóa chung của các dân tộc. Và chính nhờ bản thân em là người Jrai, có điều kiện thấu hiểu, gần gũi các em học sinh cùng dân tộc mình, nên em nghĩ mình sẽ làm việc này tốt hơn, được học sinh và phụ huynh tin tưởng, chia sẻ tâm tư, tình cảm.

Tạo niềm đam mê học tập cho học sinh

Để chiếm được lòng tin cậy, yêu mến của học sinh Jrai như cô Rmah H’Xinh, hiện nay không phải là chuyện dễ dàng ngày một ngày hai. Rmah H’Xinh cho biết, phần lớn học sinh Jrai ngại ngùng, e dè, thiếu tự tin khi giao tiếp với nhau bằng tiếng phổ thông. Vì vậy cô phải động viên, khuyến khích các em nên mạnh dạn phát âm, tạo điều kiện cho các em có nhiều cơ hội giao tiếp bằng tiếng phổ thông trong khi luyện đọc, luyện nói, luyện viết, dùng từ, đặt câu, làm bài…, phát hiện ra các sai sót, nhầm lẫn để kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn.

Đề tài khóa luận tốt nghiệp đại học của Rmah H’Xinh quan tâm đến phép liên kết từ, câu tiếng Việt với đối tượng học sinh DTTS. Đây là một vấn đề nan giải đối với các em trong sử dụng tiếng Việt; vì phần lớn học sinh các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung, học sinh Jrai nói riêng khi phát âm thường sai về thanh điệu, và khi tạo câu, lập văn bản thường ít biết vận dụng các phép liên kết khiến diễn đạt câu, tạo lập văn bản bị rời rạc, thiếu mạch lạc. Từ kết quả của đề tài nói trên, Rmah H’Xinh đã tích cực vận dụng trong việc giảng dạy tại lớp. Khi ở ngoài lớp, hoặc đến thăm nhà phụ huynh thì cô trao đổi bằng tiếng Jrai, còn trong lớp thì tuyệt đối không.

Từ tấm gương nỗ lực, phấn đấu của chính bản thân mình, Rmah H’Xinh đã dần dần chiếm được lòng yêu thương, tin cậy của nhiều thế hệ học sinh Jrai, giúp cho học sinh người Jrai hiểu ra sự cần thiết phải ra sức học tập và trau dồi rèn luyện, vượt khó vươn lên; rồi đến lượt mình, chính các em về nhà tác động lại cha mẹ, xóa dần nạn tảo hôn, phải đi học để đổi đời, để có tương lai…

Thầy Nguyễn Chí Trung, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Võ Văn Kiệt nhận xét: Chuyên môn của cô Rmah H’Xinh rất vững, cô có cách truyền đạt dễ hiểu, được học sinh yêu mến và rất thích cô dạy.

Từ tấm gương nỗ lực, phấn đấu của chính bản thân mình, Rmah H’Xinh đã dần dần chiếm được lòng yêu thương, tin cậy của nhiều thế hệ học sinh Jrai, giúp cho học sinh người Jrai hiểu được sự cần thiết phải ra sức học tập và trau dồi rèn luyện, vượt khó vươn lên; rồi đến lượt mình, chính các em về nhà tác động lại cha mẹ, xóa dần nạn tảo hôn, phải đi học để đổi đời, để có tương lai…

THÀNH DƯƠNG

 

Tin cùng chuyên mục
Tổ chức dạy học linh hoạt cho học sinh tại vùng ảnh hưởng bởi bão, lũ

Tổ chức dạy học linh hoạt cho học sinh tại vùng ảnh hưởng bởi bão, lũ

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các nhà trường tại những vùng bị ảnh hưởng bởi bão, lũ thực hiện giải pháp dạy học linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn để bảo đảm tiến độ thực hiện chương trình theo khung thời gian năm học, không gây áp lực, quá tải cho giáo viên và học sinh.