Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cô giáo ba giỏi và những lớp học vượt chỉ tiêu

Nghĩa Hiệp - 19:19, 14/10/2021

Cô giáo Lý Thị Hạnh, dân tộc Dao, sinh năm 1980 đã gắn bó với điểm trường Đồng Văn, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) được 15 năm. Cũng bằng ấy thời gian, dù có nhiều khó khăn, vất vả, cô Hạnh vẫn luôn bám lớp, bám trường, tận tình vận động các phụ huynh đưa con em người Dao đến lớp. Không chỉ nhiều năm liền cô đạt giáo viên dạy giỏi, lớp học vượt chỉ tiêu, mà cô còn được biết đến là giáo viên 3 giỏi: giỏi dạy văn hóa, giỏi dạy hát và giỏi dạy thêu.

15 năm công tác, lớp học của cô Lý Thị Hạnh luôn đông học sinh. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Cô giáo 3 giỏi Lý Thị Hạnh cùng các em học sinh. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Sinh ra và lớn lên tại xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên, ngay từ nhỏ cô Lý Thị Hạnh đã luôn ước mơ trở thành giáo viên. Ước mơ của cô Hạnh bắt nguồn từ một lý do đặc biệt là “Thời ấy có rất ít giáo viên người Dao giảng dạy, nên học sinh người Dao rất sợ đến trường, do học không hiểu. Nên lúc đó tôi muốn trở thành giáo viên, để giúp các em học sinh người Dao được đến trường như bao bạn bè khác”.

Ước mơ của cô Hạnh đã trở thành hiện thực. Sau khi tốt nghiệp Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Quảng Ninh, cô đăng ký dự thi và trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh. Tại đây, cô được theo học diện đào tạo cán bộ nguồn giáo viên mầm non vùng cao, do Quỹ Nhi đồng và Trường Cao đẳng Sư phạm phối hợp mở. Tốt nghiệp ra trường vào năm 2005, cô đã được phân công dạy tại xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên. Đến năm 2006, cô lập gia đình và về xã Đồng Văn công tác. Kể từ đây, cô bắt đầu hành trình 15 năm gắn bó với mảnh đất khó của xã biên giới vùng cao, huyện Bình Liêu.

Nhớ lại những năm đầu về với Đồng Văn, cô Hạnh chia sẻ: Do đặc thù là xã có nhiều đồng bào dân tộc Dao sinh sống, bản thân cô là người Dao, cũng còn rất khó để vận động các phụ huynh cho các con đến lớp. 

Do vậy "bất kể ngày mưa, nắng, tôi đều đến từng nhà để nói chuyện với các phụ huynh, phân tích cho họ hiểu tầm quan trọng của việc đưa trẻ đến trường. Nhờ đó, những điểm trường tôi đứng lớp, các cháu đến học đầy đủ, vượt cả kế hoạch nhà trường đề ra. Trong quá trình giảng dạy, có những lúc mình phải dùng cả tiếng Dao để hướng dẫn các em. Nhờ vậy, các em nhanh hiểu và thực hiện tốt hơn", cô Hạnh kể.

Ngoài những giờ lên lớp, cô giáo Hạnh còn là một trong những người giữ gìn điệu hát Sán Cô và truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Sự sáng tạo khi vận dụng những bài hát trong giảng dạy của cô Hạnh, đã thu hút được sự quan tâm của các em học sinh dân tộc Dao sau mỗi giờ học. Nhờ đó, lớp học hát của cô luôn đông kín học sinh.

Em Chíu Thị Hoa, học sinh lớp 7A Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Đồng Văn chia sẻ: “Em được cô Hạnh dạy hát từ khi còn học mầm non. Các bài hát cô dạy luôn gần gũi, dễ hiểu, giúp chúng em nhanh thuộc và yêu làn điệu truyền thống của dân tộc mình. Tất cả các bạn đã từng học cô Hạnh đều biết hát Sán Cô và tự tin hát trong những ngày hội lớn của dân tộc Dao”.

Cô giáo “3 giỏi” Lý Thị Hạnh (thứ hai từ phải qua) đã góp công lớn trong việc giữ gìn và bảo tồn văn hóa dân tộc Dao tại huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Cô giáo “3 giỏi” Lý Thị Hạnh (thứ hai từ phải qua) đã góp công lớn trong việc giữ gìn và bảo tồn văn hóa dân tộc Dao tại huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Giỏi dạy các em học văn hóa, giỏi dạy các em tiếng hát, cô giáo Hạnh còn dạy các em thêu thổ cẩm của người Dao. Trong những bộ trang phục của phụ nữ Dao, có đến mấy chục loại họa tiết khác nhau, mỗi họa tiết có cách thêu và mang những ý nghĩa riêng.

 “Để tự tay thêu được một bộ trang phục phụ nữ Dao, cần phải nắm vững hơn 30 cách thêu họa tiết khác nhau. Thêu chỉ có 2 sợi chỉ chéo góc, nhưng nếu thêm một đường, hoặc bớt đi một đường sẽ làm hỏng hết cả bộ chỉ, phải gỡ ra làm lại”, cô giáo Hạnh cho biết.

Khó là thế, nhưng chỉ cần có thông báo cô giáo Hạnh mở lớp dạy thêu, lập tức đông kín học sinh nữ đăng ký tham gia. Nghe cô Hạnh giải thích về ý nghĩa của từng loại hoa văn, vị trí gắn hóa văn, cũng như họa tiết thể hiện cội nguồn của dân tộc mình. Các em ai nấy đều chú tâm để ghi nhớ và tự tay may cho mình những bộ quần áo đẹp.

Chia sẻ về những đóng góp của cô giáo Hạnh đối với giáo dục vùng cao, cô Sái Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đồng Văn cho biết: Cô Hạnh xứng đáng là giáo viên ba giỏi. Những lớp học của cô luôn vượt chỉ tiêu do Nhà trường đề ra. Không chỉ góp công lớn trong giữ gìn bản sắc dân tộc, mà nhờ có cô Hạnh, việc vận động trẻ đến lớp những năm qua đã trở nên rất thuận lợi. 

"Trong 15 năm giảng dạy, 13 năm liền cô Hạnh đạt giáo viên dạy giỏi các cấp, được huyện Bình Liêu và tỉnh Quảng Ninh tặng nhiều giấy khen. Chính cô Hạnh đã truyền cảm hứng cho các giáo viên trẻ mới vào nghề, vững tin với giáo dục vùng khó”.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.