Khi thầy cô làm thợ
Thầy Liễu Tiến Sơn - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS (PTDTBT TH&THCS) Hầu Thào (xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa, Lào Cai) cho biết: Ban giám hiệu (BGH) nhà trường đang triển khai mô hình trường học gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mông gắn với du lịch.
Do đó, trước hè trường tận dụng thời gian học sinh (HS) nghỉ học vì Covid-19 để sửa chữa. “Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, khách trở lại tham quan nghỉ dưỡng trên địa bàn rất đông, trường sẽ kết hợp đón khách tới tham quan trường lớp. Xây dựng mô hình trường học kết hợp du lịch hoàn toàn khả thi và là hướng đi phù hợp cho nhà trường trong điều kiện sẵn có”, thầy Sơn bày tỏ.
Vì lý do đó nên mặc dù đã bước vào hè, song các thầy cô giáo của trường vẫn tình nguyện bắt tay vào xây dựng, trang trí tiểu cảnh trong trường. Ngoài thiết kế, chăm sóc khu vườn hồng, GV còn dựng tiểu cảnh chòi đọc sách cho HS.
Theo ý tưởng thiết kế, chòi đọc sách sẽ là chỗ khách tham quan ngồi nghỉ. Mặt khác, nhà trường bố trí thành thư viện ngoài trời cho HS bắt đầu từ năm học tới. Không gian thoáng mát, thân thiện sẽ thu hút HS tới vui chơi, thư giãn đọc sách truyện, từ đó nâng cao khả năng tiếng Việt.
Thầy Liễn Tiến Sơn chia sẻ: Chòi đọc sách được đội ngũ GV thiết kế, xây dựng và hoàn thiện. Sở dĩ công trình được triển khai khá nhanh, trôi chảy, đẹp bởi có tới gần 20 thầy cô tình nguyện tham gia, trong đó lực lương nòng cốt là giáo viên mỹ thuật, âm nhạc…
Không kể ngày thường hay ngày nghỉ, hễ có thời gian rảnh các thầy cô lại tới trường cùng nhau hoàn thành công việc. Mỗi người mỗi việc, tự giác và chia sẻ… bởi ai cũng coi trường là ngôi nhà thứ hai.
Ước tính, nếu phải thuê nhân công bên ngoài xây dựng, lắp đặt công trình chòi đọc sách, tiền công mất hơn 10 triệu đồng. Các thầy cô tình nguyện không chỉ giúp đỡ về công sức, mà còn tận dụng nguyên vật liệu sắt thép phế thải dư thừa của nhà trường, gia đình để giảm chi phí công trình.
Những GV hàng ngày quen với cầm phấn, bút dạy học trò đã trở thành người thợ lành nghề, làm đủ mọi việc từ thiết kế tới xây dựng, cắt sắt, hàn xì, vẽ, trang trí màu sắc… chuyên nghiệp và đầy trách nhiệm, để bước vào năm học mới, trường lớp đã sẵn sàng sạch đẹp để đón HS.
Cô Đỗ Diệu Hương, GV môn Mỹ thuật, người lên ý tưởng và trực tiếp trang trí chòi đọc sách HS tâm sự: Trong tháng 7 này em sẽ nhận quyết định chuyển vùng công tác về Bắc Hà (Lào Cai). Dù được nghỉ hè, em vẫn muốn đóng góp một phần công sức của mình cùng đồng nghiệp hoàn thiện công trình. Công trình hết sức ý nghĩa cho HS và nhà trường nên được để lại dấu ấn cá nhân (dù nhỏ) là niềm vui, hạnh phúc của mỗi GV.
Chuẩn bị sớm cho ngày khai giảng
Cô Hoàng Thị Thùy, GV Trường PTDTBT TH số 1 Sín Chéng (Si Ma Cai, Lào Cai), quê Phú Thọ nên mỗi năm chỉ về nhà vào dịp Tết và nghỉ hè. Thế nhưng, vì chưa vướng bận việc gia đình nên cô trả phép sớm để quay lại trường trang trí lớp học, thư viện, phòng truyền thống… Mặt khác, với chuyên môn của GV mỹ thuật, cô cùng đồng nghiệp chế tạo thêm, trang trí đồ dùng dạy học cho GV và HS…
Với đặc thù dạy học ở nơi 100% HS dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn, nên cô rất chú ý trong việc huy động sách vở, quần áo… để hỗ trợ HS, tiếp sức cho các em bước vào năm học mới. Do vậy, đồ đạc trở lại trường của cô Hoàng Thị Thùy không chỉ là đồ dùng cá nhân, mà luôn kèm theo sách giáo khoa cũ còn sử dụng được, sách truyện văn học, quần áo còn tốt được giặt phơi là cẩn thận để giúp HS…
Thầy Phạm Văn Mạnh, GV tại điểm trường Suối Hộc thuộc Trường TH xã Trung Lý 1 (Mường Lát, Thanh Hóa) lại bày tỏ: Với HS vùng khó, sau những tháng nghỉ hè thường theo mẹ đi nương rẫy, ngại trở lại học tập. Chính vì vậy, để ngày tập trung có đông đủ HS, thầy Mạnh và các đồng nghiệp ở điểm trường thường trả phép sớm hơn để có thời gian làm công tác vận động trẻ trở lại học tập.
Thầy Mạnh kể: Gần như năm nào cũng vậy, đầu tháng 8 các thầy cô đã có mặt tại trường dù gia đình cách xa trường cả 100 km, dù mỗi năm chỉ về nhà vài lần. Tất cả đều đúng lịch để tham gia vào bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn, lau dọn, tu sửa trường lớp, bàn ghế, đồ dùng dạy học đón HS.
“Các thầy cô phải xuống từng bản làng để trao đổi với chính quyền, trưởng bản… “lên dây cót” cho việc “kéo” HS trở lại trường lớp. Với nhiều HS hay nghỉ học, gia đình thiếu quan tâm, thầy cô phải lên nương, xuống rẫy, tới nhà HS để thuyết phục, vận động bằng được phụ huynh cho con trở lại trường lớp đúng lịch…”, thầy Mạnh chia sẻ.
Cô Nguyễn Giang Thúy, GV Trường PTDTBT TH Tả Ván (Quản Bạ - Hà Giang) bảy tỏ: Với GV vùng cao, có trường, lớp, kiến thức chuyên môn sẵn sàng vẫn chưa đủ. Nhiệm vụ huy động HS trở lại học tập sau dịp nghỉ hè luôn là công việc vất vả khó khăn, nhưng phải làm bằng được của người thầy. HS có trở lại trường lớp mới có thể dạy kiến thức, GV mới hoàn thành nhiệm vụ. Có HS mới có thầy cô...”.
Dù đầu tháng 6 mới nghỉ hè nhưng cuối tháng 7 đầu tháng 8 cô Thúy và đồng nghiệp sẽ có mặt tại trường. Bởi họ biết rất nhiều công việc đang chờ phía trước, từ khử khuẩn, dọn dẹp trường lớp học tới đi thôn bản “kéo” trẻ trở lại trường. Và họ đã quen với những mùa hè không trọn vẹn, những mùa hè “nghỉ mà không ngơi”.