Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cô gái thắp lửa trong gian bếp người Ê Đê

Hồng Phúc - 08:47, 14/10/2022

Cuối buôn Emấp, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk, gian bếp H’Ruen Niê lúc nào cũng toả hương thơm nức của lá yao, cà đắng, cá suối… Như được trời phú cho khả năng cảm nhận món ăn, cô gái trẻ này đã say mê sáng tạo trong chế biến, lan toả tình yêu ẩm thực truyền thống đến rất nhiều chị em phụ nữ tại địa phương, góp phần quảng bá văn hoá của người Ê Đê tới mọi người.

  Cô gái thắp lửa trong gian bếp người Ê đê
Cô gái trẻ H’Ruen luôn có niềm say mê sáng tạo trong chế biến, lan toả tình yêu ẩm thực truyền thống của đồng bào DTTS

Ẩm thực cũng là nghệ thuật để tạo ra hạnh phúc

Sinh ra trong một gia đình nông dân có 3 anh trai, cô gái sinh năm 1996 này đã sớm quen với công việc bếp núc. Từ nhỏ, H’Ruen đã thích thú với mùi vị đắng đót, cay nồng của cà đắng, lá môn, lá mì, sả, ớt xanh, ngò gai…, Khi bố mẹ lên nương rẫy, H’Ruen ở nhà “chơi” với gian bếp, chế biến, nấu ăn cho cả gia đình. H’Ruen cảm thấy nấu ăn như một hành trình trong đời sống, với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Và khi món ăn lên đĩa, bao giờ cô cũng cảm thấy niềm hạnh phúc, tự hào trào dâng trong lòng.

Ruen Nie chia sẻ, người Ê Đê quan niệm, bữa ăn là nơi giao tiếp thân mật của mọi người. Buổi chiều tối gió lạnh nơi vùng cao, còn gì bằng quây quần bên gia đình, ăn bát cơm nóng hổi với món cà đắng giã. Những lúc rảnh rỗi, gia đình tụ họp, mọi người lại xúm nhau làm món ăn vặt đu đủ giã chua cay. Cứ như thế, từ bao đời, món ăn trở thành sợi dây gắn kết trong mỗi gia đình và cộng đồng Ê Đê. Những món ăn này đã gây “thương nhớ” khôn xiết cho những người con Ê Đê xa quê hương… Chính vì vậy, H’Ruen luôn tâm niệm rằng đó là hương vị của tình thân, của hạnh phúc.

Khi chúng tôi đến thăm, H’Ruen đang tất bật trong gian bếp cuối nhà sàn chế biến những món ăn truyền thống cho một hộ dân trong buôn đặt để đãi khách. Mùi thơm của nồi canh “đoàn viên” tỏa khắp ngôi nhà.

H’Ruen vừa khuấy đều tay vừa giải thích: Canh bột lá yao thường ăn vào sáng mùng 1 Tết nên có ý nghĩa sum họp gia đình. Món này được ăn cùng với các món heo nướng băm với lõi chuối, heo nướng trộn ớt lá chanh, heo nướng trộn bột gạo rang. Canh bột lá yao có vị đắng của các loại rau rừng, mùi thơm của lá yao-loại lá chỉ có ở trên rẫy, trong rừng. 

Lá yao nấu canh bột phải là những lá vừa già tới, có màu xanh đậm để khi nấu với bột gạo tạo thành màu xanh bắt mắt. Quy trình chế biến món “canh đoàn viên” này cũng rất kỳ công, đầu tiên phải ngâm gạo, để ráo nước, rồi giã chung gạo với lá yao cho đến khi bột mịn đều mới thả vào nồi nước đang sôi khuấy đều tay cho đến khi bột chín tới. Sau đó, cho rau rừng vào nồi, nêm nếm gia vị.

  Cô gái thắp lửa trong gian bếp người Ê đê 1
Món tép suối đùm lá chuối H'ruen Nie làm gây thương nhớ cho khách du lịch

Cô chia sẻ, ẩm thực của người Ê Đê là sự hòa trộn tinh tế của thảo dược, gia vị và thực phẩm tươi sống, với những phong cách nấu nướng đặc biệt. Mùa nào thức ấy thể hiện sự thích nghi mang tính chủ động, cách ứng xử của con người đối với môi trường tự nhiên. Tới bây giờ, các món dân dã ấy đã trở thành đặc sản riêng mang đậm hương vị độc đáo của núi rừng.

Ngày nay, khi nhịp sống hiện đại len lỏi vào buôn làng, những món ăn truyền thống cũng xuất hiện thưa dần trong mâm cơm, giới trẻ dân tộc Ê Đê hiếm có người biết nấu. Vì vậy, gìn giữ ẩm thực truyền thống chính là thể hiện sự yêu quý, trân trọng và trách nhiệm đối với văn hoá của đồng bào mình.

Lan tỏa văn hóa ẩm thực dân tộc

H’Ruen Niê coi ẩm thực là “vàng mười” của buôn làng. Không chỉ đam mê, thích thú nấu ăn mà H’Ruen Niê còn miệt mài sưu tầm, tìm hiểu các món ăn từ ngày xưa, cùng ý nghĩa sâu sắc của nó. Mỗi lần có dịp thưởng thức món truyền thống của đồng bào mình ở các buôn làng, H’Ruen tìm đến những già làng để hỏi han rất kỹ càng quy trình chế biến. Cứ như vậy, như một khối tài sản tăng dần theo năm tháng, H’Ruen sưu tầm được hàng chục món ăn ngon của đồng bào Ê Đê.

  Cô gái thắp lửa trong gian bếp người Ê đê 2
Món canh cá rô nấu kiến vàng độc nhất vô nhị, là món truyền thống mà người Ê Đê dùng để đãi khách đến chơi nhà

Mong muốn nhiều người biết đến ẩm thực đặc trưng của dân tộc mình, lan tỏa và khơi dậy giá trị truyền thống, năm 2019, H’Ruen bắt đầu nhận đặt hàng online các món ăn truyền thống. Mỗi lần nấu, H’Ruen đều quay lại hình ảnh, đăng tải công khai trên mạng xã hội và được nhiều người yêu thích. Hiện tại kênh Tiktok của cô nhận được gần 10 nghìn người theo dõi với hàng chục video về cách chế biến các món ăn truyền thống, trang Facebook cá nhân gần 30.000 người theo dõi khi lan toả mạnh mẽ văn hoá Ê Đê.

Thị trấn Ea Pốk có khoảng 50% dân số là người dân tộc Ê Đê. Dù hội nhập văn hoá, nhưng người Ê Đê nơi đây luôn nỗ lực gìn giữ phong tục tập quán của mình. H’Ruen là một trong những hạt nhân tích cực ấy. Nhiều hộ kinh doanh homestay hoạt động, cũng tạo điều kiện thuận lợi để H’Ruen lan toả văn hoá ẩm thực truyền thống.

“Tiếng lành đồn xa”, nhiều nhà hàng đã mời cô gái trẻ đến chế biến để phục vụ khách du lịch. Ngày càng có nhiều người đặt cô làm món ăn truyền thống, trong đó, có rất nhiều đồng bào dân tộc khác.

Điều đáng quý là nhiều chị em phụ nữ trong buôn đến nhờ H’Ruen chỉ cách nấu những món ăn truyền thống để thực hành, có người học hỏi để mở nhà hàng. Đáng mừng là nhiều bạn trẻ nhắn tin, gọi điện hỏi cô công thức để chế biến.

H’Ruen đang dự định cải tạo lại ngôi nhà sàn của gia đình để phục vụ các đoàn khách du lịch trải nghiệm món ăn. Cô tự tin rằng, chỉ cần mỗi người con Ê Đê ý thức được trách nhiệm của mình, ẩm thực nói riêng và văn hoá nói chung sẽ luôn được truyền lửa từ thế hệ này sang thế hệ khác.   

  

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.