Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

“Có bệnh thì đến trạm y tế, không vái tứ phương”

PV - 09:51, 01/03/2018

Đối với người dân xã biên giới Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ (Hà Giang), Trạm Y tế xã thực sự đã trở thành địa chỉ tin cậy mỗi khi “trái gió trở trời”. Điều này cũng đã và đang góp phần làm thay đổi nhận thức của bà con trong thăm khám sức khỏe, có bệnh thì đến Trạm Y tế chứ không “vái tứ phương”.

Cán bộ y tế xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ) hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp tránh thai. Cán bộ y tế xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ) hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp tránh thai.

 

Nghĩa Thuận là xã vùng 3 của huyện Quản Bạ. Theo ông Phan Thông Quyết, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận, toàn xã hiện có hơn 3 nghìn nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Mông, sinh sống ở 9 thôn bản.

Trong 9 thôn bản của xã Nghĩa Thuận, có 4 thôn biên giới giáp Trung Quốc, nhiều thôn khác cách xa trung tâm. Giao thông đi lại cách trở, cùng với đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, phong tục khám chữa bệnh còn nặng mê tín, lạc hậu nên việc chăm lo sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn là một nhiệm vụ rất khó khăn.

Vượt qua những khó khăn đó, Trạm Y tế xã Nghĩa Thuận đã có nhiều cố gắng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Theo chị Lương Thị Nhung, Trưởng trạm Y tế xã Nghĩa Thuận, trong năm vừa qua, Trạm đã điều trị cho gần 3 nghìn lượt người, trên 3 trăm lượt điều trị nội trú, 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ vắc xin…

Bên cạnh đó, Trạm Y tế còn thường xuyên cử cán bộ xuống các thôn bản theo dõi nhằm giảm thiểu các loại bệnh thường gặp trong nhân dân như sốt rét, tay chân miệng… Phối hợp với đội ngũ y tế thôn bản thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách sử dụng các loại thực phẩm an toàn, ăn chín uống sôi; theo dõi biểu đồ dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi, phòng tránh suy dinh dưỡng…

Trạm y tế thường xuyên cử cán bộ xuống từng bản để kiểm tra, đảm bảo sức khỏe cho người dân. Trạm y tế thường xuyên cử cán bộ xuống từng bản để kiểm tra, đảm bảo sức khỏe cho người dân.

 

Anh Sân Dù Dìn, thôn Na Lình (xã Nghĩa Thuận) vui vẻ chia sẻ: “Trước đây con mình thường xuyên ốm đau do ăn uống không đảm bảo vệ sinh, sau nhờ các bác sĩ ở Trạm Y tế đến thôn tuyên truyền, mình đã để ý hơn đến việc ăn uống đảm bảo vệ sinh. Cũng từ đó mà con cái không bị đau ốm thường xuyên nữa”.

Còn đối với anh Đoàn Văn Nhường, thôn Cốc Pục (xã Nghĩa Thuận) giờ đây khi đau ốm đã biết đến Trạm Y tế khám chữa bệnh. Đó cũng là nhờ những cố gắng tuyên truyền của đội ngũ y tế thôn bản xã Nghĩa Thuận, với phương châm “mưa dầm thấm lâu” làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe. Được biết trước đây, anh Nhường khi đau ốm nhẹ thường chỉ để cho bệnh tự hết, lúc ốm nặng lắm mới mời thầy về cúng.

Theo Trưởng Trạm Y tế xã nghĩa Thuận, hiện Trạm có 7 cán bộ, nhân viên, trong đó có 1 bác sĩ, 4 y sĩ, 1 nữ hộ sinh, 1 y tá và 9 nhân viên y tế thôn bản thường xuyên túc trực, theo dõi sát tình hình sức khỏe của người dân. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, cán bộ Trạm Y tế xã Nghĩa Thuận thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn, nâng cao năng lực do Sở Y tế, Trung tâm Y tế tổ chức. Cùng với đó, Trung tâm Y tế huyện Quản Bạ cũng thường xuyên hỗ trợ trang thiết bị, máy móc cũng như cử cán bộ xuống Trạm hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị mới.

Với tấm lòng yêu ngành, yêu nghề, tận tình chăm sóc người bệnh, đội ngũ cán bộ, nhân viên Trạm Y tế xã Nghĩa Thuận đã góp phần rất lớn vào việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, qua đó góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội chung của huyện. Những nỗ lực của họ đã chiếm được trọn tình cảm, sự tin yêu của người dân nơi đây.

THÀNH LONG

Tin cùng chuyên mục
Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Không chỉ được tăng cường khả năng sử dụng tiếng Việt, kỹ năng tính toán, mà các học viên còn được tham dự Ngày hội giao lưu Toán, Tiếng Việt để vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn… Đây là cách làm sáng tạo trong công tác xóa mù chữ đã và đang lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ cho đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, biên giới Lạng Sơn.