Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chuyện về vị giáo sư “người rừng”

PV - 10:58, 15/06/2021

Người ta gọi ông là “người rừng” bởi trong suốt cuộc đời hơn 80 năm của mình, ông chỉ nghiên cứu, gắn bó với rừng. Ông là GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý Rừng bền vững và Chứng chỉ rừng.

Ngoài 80 tuổi, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung vẫn say mê với những chuyến đi rừng
Ngoài 80 tuổi, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung vẫn say mê với những chuyến đi rừng

Đi học để trốn đói

Gắn bó gần 60 năm với rừng, đặt chân đến hầu hết các cánh rừng Việt Nam, hiểu tường tận thuộc tính của nhiều loại cây rừng. Ông chính là người đề xuất và tham gia thực hiện dự án trồng rừng đầu tiên của Việt Nam, trả lại màu xanh cho đất trống, đồi núi trọc.

Ở tuổi 82, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung vẫn miệt mài với những chuyến đi đến các vùng đất xa xôi. “Cả đời đi rừng, nếu lâu không được đi rừng nữa, tôi thấy rất bứt rứt” - ông tâm sự. Đối với ông, đi rừng không chỉ là hòa mình vào thiên nhiên mà còn để tiếp thêm sức mạnh, để thấy mình là người năng động, có ích. Năm 2020 xảy ra lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng ở miền Trung, ông cùng các đồng nghiệp lặn lội nhiều ngày vào từng điểm sạt lở điều tra, khảo sát hiện trạng rừng, từ đó đề xuất chính quyền địa phương các giải pháp khắc phục. Năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đến giữa năm rồi mà ông vẫn chưa thực hiện được chuyến đi nào. “Ngồi một chỗ nghiên cứu cũng tốt, nhưng chân tay bứt rứt lắm”, theo lời ông.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung sinh ra và lớn lên ở Lâm Thao, Phú Thọ. Nhà nghèo nên ông chỉ được học hết lớp 7. Trong đơn gửi Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo), ông có ghi nguyện vọng là sư phạm vì nghĩ đơn giản học sư phạm thì được cấp 100% học bổng và được Nhà nước nuôi ăn.

“Với một người luôn thiếu ăn như tôi, học ngành sư phạm thì chắc chắn không sợ chết đói. Chọn sư phạm là chắc chắn sống rồi. Thật không may, hồ sơ của tôi lại chuyển sang Trường Trung cấp nông - lâm vì hồ sơ nộp sư phạm quá nhiều. Nhưng với tôi, được đi học tức là mình được sống, là có ăn, còn xếp vào ngành nào cũng được. Trong cái không may đó, tôi lại được cấp học bổng vì hoàn cảnh gia đình dưới mức trung bình, không có nguồn nào chu cấp”, ông tâm sự.

Năm 1960, ông tốt nghiệp trường Trung cấp Lâm nghiệp, ông là một trong năm người được cử về Học viện Nông Lâm làm công tác hỗ trợ nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Năm 1989, sau khi lấy bằng tiến sĩ tại Liên Xô cũ, ông Lung được cử làm Giám đốc Khu Bảo tồn Quốc gia YoK Đôn, Đăk Lăk. Từ đây, cuộc đời gắn bó với rừng của ông bắt đầu.

Nỗi niềm khi rừng suy giảm nghiêm trọng

“Nếu nhìn tổng quan rừng Việt Nam sẽ thấy sự suy giảm nghiêm trọng. Khi thực dân Pháp rút khỏi Việt Nam năm 1946, độ che phủ rừng là 43% - tương đương 14,3 triệu hecta. Sau năm 1954 còn 35%, năm 1976 còn 29% và năm 1992 chỉ còn 27%. Khi đó, ngành lâm nghiệp báo cáo với Chính phủ và Quốc hội rằng diện tích rừng này sẽ không đảm bảo phát triển môi trường bền vững. Cả vùng Đồng bằng Bắc Bộ không tiếp xúc với rừng mà là những tỉnh với đất trống, đồi trọc”, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung chia sẻ.

Từ trước đến nay, Việt Nam đã được quốc tế giúp rất nhiều dự án trồng rừng, ít nhất cũng phải có 30 - 40 dự án. Nhưng không phải tất cả dự án đều có hiệu quả như nhau, do năng lực của người tổ chức dự án và người dân tham gia dự án. Có những dự án, lúc trồng thì rất tốt, nhưng sau đó chỉ vài năm, đã trở lại trạng thái ban đầu. Sự quan tâm bảo vệ rừng gồm hai khía cạnh: Một là chính sách và người nhà nước bảo vệ rừng (trạm kiểm lâm, hạt lâm nghiệp, lâm trường), hai là người dân hưởng thụ. Có những chỗ, người dân được hưởng lợi từ rừng phòng hộ ven biển. Ví dụ, rừng phòng hộ ven biển Thái Bình, Nam Định, khi rừng ngập mặn trồng đến đâu thì có hiệu quả và người ta thu được những sản vật đến đó (ngao, sò), bởi khi có rừng ngập mặn thì các loài đó tự nhiên quay về sống và sinh sôi rất tốt.

Có thể một tỉnh chỉ có mấy ngàn hecta trồng rừng ven biển nhưng cứ trồng đi trồng lại, cứ bắt đầu thành rừng lại bị suy thoái là vì không ai bảo vệ, không ai chăm sóc nó. Rừng của dự án này chết rồi, lại đi xin các dự án khác. Có nhiều đơn vị cũng ngán, họ nói thẳng là rất muốn giúp để chúng ta hình thành rừng phòng hộ ven biển, nhưng giúp rồi các ông có bảo vệ được rừng đâu.

Còn rừng trồng trên núi thì đã xã hội hóa được, đã giao sổ đỏ cho các hộ dân. Ví dụ, khi các hộ trồng được thì sẽ tự chăm sóc bằng tối đa khả năng, vì họ được hưởng kết quả cuối cùng. Từ dự án 327 năm 1992 trở đi, chúng ta đã rút ra bài học: nếu xã hội hóa được nghề rừng thì Nhà nước không phải can thiệp, toàn bộ công chăm sóc và giữ rừng là do người dân bỏ ra và được hưởng lợi.

Nếu được hưởng lợi thì giao gì, người ta cũng nhận, còn nếu không được hưởng lợi thì dân sẽ không nhận bất cứ cái gì. Tại sao vẫn người dân đó mà chính sách này thì người ta bảo vệ rừng, còn chính sách kia thì người ta lại đi trộm hoặc phá hoại? Giao rừng cho dân vừa đảm bảo được chức năng phòng hộ, vừa giữ được rừng.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung

Phó giáo sư đi chụp ảnh cưới

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung chia sẻ, những mất mát ở miền trung cuối năm 2020 rất đau xót, nhưng lại chính là sự tuyên truyền không lời, có hiệu quả nhất giúp ngành lâm nghiệp. Có lẽ cũng từ bao thiệt hại nặng nề cả người và của ấy, mà hiện trạng rừng tự nhiên ở nước ta đã được nhìn nhận một cách công bằng. Ngay sau đó Chính phủ phát động phong trào trồng 1 tỷ cây xanh. Đây thực sự là một cú hích lớn đối với ngành trồng rừng. Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, mà nguyên nhân một phần từ mất rừng.

Khi được hỏi sở thích của ông ngoài nghiên cứu về rừng là gì, ông cười: “Đàn ông ai cũng có nhiều sở thích khó nói lắm! Chỉ biết mình nghiên cứu rừng từ bé, sống trong rừng, lớn lên nhờ rừng… nên chỉ biết đến mỗi rừng, thiệt thòi thế đấy! Người ta đi nhiều, biết nhiều thứ. Mình đi nhiều mà chỉ biết một thứ”.

Làm khoa học nghiêm túc là thế, ít ai ngờ có những giai đoạn ông làm công việc đi chụp ảnh đám cưới. GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung bảo, ông có niềm đam mê chụp ảnh, có lẽ là người đầu tiên chụp ảnh màu ở Hà Nội. Năm 1982, ông Lung (thời điểm này đang là phó giáo sư) và kỹ sư Nguyễn Mạnh Cường - nguyên Trưởng phòng Ảnh vệ tinh, Viện Điều tra quy hoạch rừng - làm dịch vụ chụp ảnh màu đám cưới. Khách hàng hầu như không ai biết họ là một tiến sĩ và một kỹ sư đi làm thêm. Khi công nghệ điện tử phát triển, nghề này không giúp kiếm tiền nữa, chiếc máy ảnh lại theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung đi rừng để phục vụ nghiên cứu và lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ, những cảnh đẹp thiên nhiên.

Đến nay, điều ông thấy hài lòng nhất chính là những đóng góp của mình được ghi nhận, ý kiến của mình được các cơ quan quản lý lắng nghe. Trong đó, phải kể đến việc ông tham gia vào hội đồng đánh giá tác động môi trường các nhà máy thủy điện của Bộ TN&MT. “Nhờ những nghiên cứu, phân tích của mình mà rất nhiều dự án thủy điện đã không triển khai do tác động quá lớn đến tự nhiên, không có khả năng phục hồi lại tự nhiên nếu triển khai xây dựng. Bởi để làm thủy điện thì phải hiểu về địa chất, rừng, về những tác động môi trường của mưa gió, độ dốc, đất đai… để xây dựng các giả thuyết. Nếu xây dựng thì phải khắc phục rừng ra sao”. Ngoài ra, các vấn đề như đánh giá các chương trình phát triển rừng, giữ rừng thế nào? Làm thế nào để người dân không bóc lột rừng mà vẫn khai thác bảo vệ rừng? Nên trồng cây gì để tạo ra rừng…

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung hy vọng với nhận thức của con người ngày càng cao, việc giữ rừng, trồng rừng, cải tạo và bảo vệ rừng… sẽ ngày càng được quan tâm thực chất.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung sinh năm 1939 tại Phú Thọ, là tác giả của 2 cuốn sách chuyên ngành, trên 200 bài báo, chuyên khảo, báo cáo khoa học. Ông đã thực hiện 12 đề tài khoa học. Trong đó, có 4 đề tài cấp nhà nước, tiêu biểu là các đề tài: "Những cơ sở khoa học để xây dựng quy trình trồng rừng và khai thác gỗ thông 3 lá tỉnh Lâm Đồng" (1985); "Nghiên cứu và áp dụng các cơ sở khoa học, các giải pháp kinh tế - kỹ thuật để quy hoạch thiết kế lưu vực phòng hộ, xây dựng rừng phòng hộ nguồn nước, rừng chống gió bão ven biển" (1995)...

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.