Ông Phú kể rằng, từ thuở mới đôi mươi, ông và bà con trong thôn đã được các chiến sĩ Đồn Biên phòng Lục Phủ (nay là Đồn Biên phòng Bắc Sơn) vận động trồng tre như một cách góp phần phát huy truyền thống lịch sử của cha ông, tạo ra những lũy tre như những lũy thép, thành đồng để bảo vệ Tổ quốc.
“Nghe cán bộ tuyên truyền, chúng tôi hào hứng lắm, ủng hộ ngay. Nhà nào cũng trồng tre, nhà ít thì vài khóm, nhà nhiều đến mấy chục khóm. Chưa có tiền thì tự trồng tre gai, tre mai, sau này có điều kiện thì trồng tre bát độ”, ông Phú chia sẻ.
Ông cho biết thêm, việc trồng tre không chỉ là cách để bà con nơi đây góp sức mình bảo vệ quê hương, mà việc làm này cũng tạo ra sản phẩm, miếng cơm manh áo cho người dân thôn nghèo. Chính những cây tre, khóm tre đã là cứu tinh, giúp bà con người Dao vượt qua cái nghèo, cái đói.
“Tre cho bà con cái măng khi miếng cơm lót dạ chưa đủ ấm lòng. Ngày ngày thu hái măng đi bán cũng có thêm tiền mua vài cân gạo. Với những cây tre già, chúng tôi đan lát rổ rá, dần sàng, làm quang gánh và nhiều nông cụ khác”, ông trải lòng.
Thế rồi, theo thời gian cuộc sống dần đổi thay, đời sống kinh tế ngày một phát triển. Ở thôn Pẹc Nả giờ đây không ai còn đẵn tre về đan lát như xưa nữa. Bà con trong thôn cũng không còn trồng tre gai mà chuyển sang trồng nứa, trồng lồ ô để lấy măng. Vậy nhưng, ông cũng như nhiều người dân trong thôn vẫn quyết tâm cùng gia đình trồng tre tại những khu đất, mảnh đất trống trong vườn.
Hơn ai hết những người trực tiếp sống ở nơi đây như ông Phú đều ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng, quản lý bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Người dân tự trồng thêm tre để giữ đất vườn nhà mình cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ biên giới. Cứ như thế, tre bén rễ, cắm sâu vào lòng đất, gia cố bờ sông Ka Long sau những đợt lũ. Tre thành hàng, thành lũy, xanh ngát một màu như ngày nay.
Hai năm gần đây, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bắc Sơn phối hợp cùng chính quyền hỗ trợ bà con khu vực biên giới phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới. Mô hình phát triển kinh tế vườn mẫu, trồng tre biên giới là một trong những hoạt động thiết thực ấy.
Trung tá Mai Văn Thể - Chính trị viên Đồn Biên phòng Bắc Sơn cho biết: “Bắt đầu từ năm 2021, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bắc Sơn đã hỗ trợ bà con trồng tre, gỗ quý, các loài cây gỗ lớn ở bờ sông biên giới, tích cực hưởng ứng cuộc phát động trồng tre biên giới của tỉnh. Việc trồng tre đã giúp Nhân dân cùng tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”.
Không chỉ trồng tre giữ đất, những người như ông Phú còn góp phần giữ gìn văn hóa vùng biên. Ông Phú luôn tham gia bảo vệ “trận tuyến” văn hóa, bài trừ hủ tục, xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Ông Phú trở thành cầu nối, tích cực tuyên truyền, xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân bảo vệ vùng biên vững chắc.
Ông Phú cũng như bao người dân nơi đây đã, đang và sẽ chung tay cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng vun trồng những lũy tre dọc bờ sông Ka Long để chống sạt lở bờ sông, góp phần hình thành những “thành lũy xanh” bảo vệ vững chắc biên cương vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Phên giậu biên cương được xây bằng những lũy tre thân thuộc với tinh thần đoàn kết gắn bó tình quân dân”.