Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Giữ đất, giữ làng

PV - 09:59, 17/07/2020

Trong “cơn sốt” sang Trung Quốc làm thuê, kiếm tiền về xây nhà, tậu xe ở những bản làng vùng cao, vẫn có những người ở lại. Họ ở lại vì làm cán bộ? Họ ở lại vì sợ phạm pháp? Họ ở lại để phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương? Cũng có thể là như thế, nhưng vẫn có nhiều người ở lại không vì điều đó. Họ ở lại để cùng nhau giữ đất, giữ làng.

Bản làng bình yên tại vùng cao Sán Chải (Si Ma Cai).
Bản làng bình yên tại vùng cao Sán Chải (Si Ma Cai).

Ở lại để giữ đất

Đối với người dân vùng cao, hơn 90% có cuộc sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Bởi vậy, tài sản lớn nhất của nông dân là đất, nhà nào nhiều đất thì chẳng bao giờ lo đói ăn. Đất để trồng ngô, cấy lúa, gieo hạt. Mỗi năm, người vùng cao lại một mùa cấy, một mùa gặt. Gặt xong lúa lại đến vụ bẻ ngô và một vụ nông nhàn để đi làm thuê. Mỗi năm, đàn ông lại quần quật vác mấy chục bao thóc lên để trên gác, phụ nữ tất tả xếp ngô, treo từng hàng dài trên chái nhà, tối về rảnh rang hoặc ngày mưa không lên nương thì ngồi tẽ ngô làm thức ăn cho gà, lợn. Mùa nông nhàn thì đi tích củi, làm phụ hồ, làm thuê quanh xã, quanh huyện.

Tuy dư dả ngô lúa, nhưng để có tiền “ra tấm, ra món”, để trở thành hộ khá giả thì lại là một câu chuyện khác, bởi chỉ sản xuất nông nghiệp đơn thuần, nông dân vùng cao chẳng giàu được, không có tiền xây nhà, mua xe. Những người có sức lao động tìm cách sang Trung Quốc làm thuê, mang “ngoại tệ” về vùng cao để xây nhà. Thế nhưng, nếu ai cũng bỏ làng, bỏ bản đi làm thuê thì nương ruộng sẽ để cho ai? Đồng bào vùng cao không mấy khi bán đất và cũng chẳng mấy khi bỏ hoang đất đến 2 vụ sản xuất, bởi đất là tư liệu sản xuất, đất là tài sản, thế nên dù có đi làm ăn xa, mỗi gia đình vẫn luôn đảm bảo có người canh tác trên đất của gia đình.

Chị Vàng Thị Dí, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sán Chải (Si Ma Cai) sinh ra và lớn lên tại Bắc Hà, sau đó kết hôn và sống với chồng tại xã Sán Chải. Trong bản của chị Dí, trong dòng tộc của gia đình chị cũng có nhiều người sang Trung Quốc làm thuê. Chị Dí nói: Chẳng ai thích mình nghèo mãi cả, nên chỗ nào đi làm mà được nhiều tiền hơn thì người ta đi, đi lao động, làm thuê chân chính để có tiền xây nhà to, nhà đẹp để ở. Qua rồi thời kỳ người Mông bỏ làng, di cư đi nơi khác sống, người Mông bây giờ đi đâu cũng giữ đất vì luôn xác định sẽ trở về. Nếu không sản xuất thì đất dễ trở thành vô chủ, người khác ở lại, sản xuất trên đó, sau này dễ tranh chấp. Mỗi gia đình đi lao động ở nơi khác đều có người ở lại giữ đất sản xuất, trồng ngô, cấy lúa, chăm sóc gia đình. Chẳng ai xác định đi làm thuê ở nước bạn mãi đâu, người ta chỉ đi vài năm, đủ tiền xây nhà, mua xe là lại về trồng ngô. Người Mông trồng ngô không phải để ăn, mà để giữ đất đấy.

Ví như chị Dí, dù làm cán bộ, nhưng mỗi cuối tuần đều lên nương trồng ngô để giữ đất của gia đình, đi đổi công với những người trong làng như những nông dân thực thụ, vì đất là gia sản mà tổ tiên để lại, ông truyền cho cha, cha truyền cho con, từ thế hệ này sang thế hệ khác; vì đất là nơi dựng nhà, là nơi chôn nhau, cắt rốn, nơi nằm lại của những người đã khuất.

Ở lại để giữ làng

Giữ được đất là giữ được làng, giữ được làng cũng chính là giữ gìn truyền thống của dân tộc, của cộng đồng. Bởi thế, ai đi xa làm thuê cũng đều xác định sẽ trở về, trước hết là làm giàu cho gia đình, sau là thay đổi diện mạo quê hương. Những năm gần đây, nhiều gia đình xây nhà khang trang, bản làng cũng mang sắc mới.

Điện lưới đã về vùng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Điện lưới đã về vùng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Giàng Seo Súng, sinh ra và lớn lên tại thôn Bản Pấy, xã Hoàng Thu Phố (Bắc Hà). Cuối năm 2019, chàng thanh niên sinh năm 1999, đang ở “độ tuổi vàng” về sức khỏe quyết chí sang Trung Quốc làm thuê, kiếm tiền lo cho gia đình. Súng sang nước bạn, làm thuê một thời gian rồi về đón Tết. Thế nhưng, sau Tết, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các nhà xưởng, công ty phía nước bạn đóng cửa, nhiều người trong làng của Súng lại trở về tay không. Súng bảo: “Mình cũng muốn sang, vì ai đi làm về cũng có tiền xây nhà to và đẹp lắm. Nhưng làm công bên đó cũng nặng nhọc, vất vả, lại chẳng có người thân quen, nên không sang nữa. Nếu ai cũng muốn đi, thì làng còn người nữa đâu, phải có người ở lại cùng lo việc làng, việc xã, chăm nom công việc họ hàng, dòng tộc. Mình cũng muốn làm gì đó để phát triển kinh tế nhưng giờ chưa nghĩ ra, có thể sẽ là trồng cây ăn quả, nuôi gà, nuôi trâu, hoặc trồng lạc đỏ, trồng cây dược liệu... Mình vẫn luôn tin chăm chỉ làm ăn thì ở lại làng cũng tốt, sẽ không nghèo đói mãi đâu”.

Chưa nghĩ được phương án khởi nghiệp mới, những người ra đi quay lại làm bạn với ruộng nương, trồng ngô, cấy lúa, gieo hạt. Nếu như những vụ ngô trước đây, do thiếu lao động, những mảnh nương phun vội thuốc diệt cỏ, rồi sơ sài đào hố, tra hạt nên đất mỗi năm lại thêm cằn cỗi, thì nay, đất được cày cuốc, vun xới cẩn thận, những cây ngô ngỏng cao đầu, lên xanh đều tăm tắp. Lại lên rừng, vào khe dẫn nước về đổ ăm ắp các tràn ruộng bậc thang, cần mẫn be bờ, cấy lúa. Trồng ngô, trồng lúa chẳng mấy ai lo đói, còn đất, còn làng, người vùng cao lại chăm chỉ làm lụng, no đói quây quần sống dựa vào nhau.

Vì còn người ở lại thì sẽ còn làng. Thế nên, người vùng cao dù có đi xa tới đâu, từng mảnh đất vẫn được người ở lại gìn giữ, dù có đi đến phương trời nào, sau vẫn tìm lối trở về làng. Không giống những chuyến di cư dài đằng đẵng, không giống những cuộc khai hoang của nhiều thập niên trước đây, họ không “gánh theo tên làng, tên xã trong mỗi chuyến di dân”, bởi họ luôn mong muốn trở về. Trở về để giữ đất mà cha ông để lại, trở lại để giữ làng, giữ truyền thống đời đời, kiếp kiếp…

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.