Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Truyền đời giữ cột mốc biên cương

PV - 15:55, 11/04/2018

Suốt 30 năm qua, có một người đàn ông luôn âm thầm băng rừng vượt suối để bảo vệ cột mốc biên cương. Ông là Phan Định Xiết, dân tộc Dao ở xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Giờ đây, tuy chân đã yếu, mắt đã mờ nhưng nhiệt huyết bảo vệ biên cương, lãnh thổ quốc gia trong ông vẫn không hề thuyên giảm.

Ông Xiết (đứng thứ tư từ phải sang) trong một lần gặp mặt lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Ông Xiết (đứng thứ tư từ phải sang) trong một lần gặp mặt lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.

 

Và bây giờ ông lại truyền nhiệt huyết và trách nhiệm đó lại cho con cháu của mình.

Ông Phan Định Xiết, năm nay đã 73 tuổi, ông được người dân địa phương trìu mến gọi là bố Xiết “cột mốc”. Bởi ông tham gia bảo vệ cột mốc biên giới đến nay đã ngót nửa đời người.

Giờ đây, khi nhắc lại những tháng ngày lặn lội ấy, ông Xiết vẫn còn xúc động. Ông Xiết kể lại, cột mốc G6 nằm trên đỉnh đồi Poom Dưới (tiếng Thái nghĩa là đồi dưới), phân định ranh giới giữa bản Suối Tút, xã Quang Chiểu với bản Suối Sạn, huyện Xốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Để đến được cột mốc này, phải mất gần nửa ngày đi bộ, băng qua hơn 5km đường rừng với vô số đèo cao, suối sâu.

Trước đây, mỗi khi đi kiểm tra nếu thấy cột mốc bị sứt mẻ, ông lại cẩn thận cất mảnh vỡ vào túi áo rồi mang về giao lại cho cán bộ biên phòng. Cứ thế, đều đặn mỗi tháng hai lần, ông Xiết lại băng rừng lên thăm cột mốc. Công việc trong mỗi chuyến tuần tra của ông Xiết là phát quang cỏ dại, kiểm tra thông tin trên cây cột mốc và ghi chép những điều bất thường để về báo bộ đội biên phòng. Hành trang băng rừng của ông chỉ vỏn vẹn con dao quắm nhỏ và cơm nắm muối vừng mang theo ăn dọc đường.

Tâm sự về công việc này “bố Xiết” cho biết: Vì là cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc nên mình phải trông coi, như Bác Hồ đã nói “tấc đất tấc vàng”. Bởi đây là vùng giáp biên giới, cột mốc chủ quyền thể hiện chủ quyền quốc gia nên không ai được phép xâm phạm. Đồn Biên phòng thì ở xa, bản làng lại ở sát cột mốc biên giới, đồn giao cho dân bản làng trông coi nên thấy có dấu hiệu khác lạ là báo ngay với lực lượng Biên phòng.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, người đàn ông khỏe mạnh phăm phăm băng rừng ấy giờ đây đã trở thành một ông lão. Thế nhưng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc chưa bao giờ nguôi ngoai trong con người ông. Vì thế, để tiếp nối nhiệm vụ thiêng liêng, ông Xiết đã giao lại việc trông coi cột mốc cho 2 con trai là anh Phan Văn Cáu và Phan Văn San.

Ông Xiết và con trai Phan Văn San. Ông Xiết và con trai Phan Văn San.

 

Anh Phan Văn San, con trai ông Xiết cho biết, hiện nay cột mốc G6 đã được chia thành các cột mốc 285, 286, 287. Gia đình anh lại tiếp tục nhận trông coi 3 cột mốc này.

Anh San cũng cho biết thêm, dù đã giao lại việc cho chính con trai mình, nhưng bố anh vẫn thường xuyên hỏi thăm và căn dặn kỹ lưỡng các con lên cột mốc để tuần tra, bảo vệ cột mốc, đồng thời nắm bắt tình hình để báo cáo ngay cho Bộ đội Biên phòng Đồn Quang Chiểu.

Đại úy Lâu Văn Lâu, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Quang Chiểu, huyện Mường Lát cho biết: “Địa bàn quản lý của đồn dài 45km với 22 cột mốc biên giới trải dài qua hai xã Quang Chiểu và Mường Chanh. Hiện nay, 22 cột mốc trên đang được giao cho 22 hộ dân thực hiện việc trông coi. Việc người dân địa phương đứng ra trông coi cột mốc biên giới như già Xiết đã tạo ra những hiệu quả thiết thực, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia, tạo nên sự đoàn kết trong các bản làng ở hai tỉnh Thanh Hóa và Hủa Phăn của nước bạn Lào.

Tuyến biên giới giữa hai tỉnh Thanh Hóa-Hủa Phăn kéo dài 192km; tỉnh Thanh Hóa có 5 huyện biên giới gồm: Lang Chánh, Thường Xuân, Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát. Trong đó, có 16 xã biên giới, tiếp giáp với 3 huyện của tỉnh Hủa Phăn (Lào) gồm: Xốp Bâu, Viêng Xay, Sầm Tớ. Địa hình các khu vực đường biên giữa hai tỉnh chủ yếu là rừng, núi độ dốc lớn xen kẽ giữa sông, suối rất phức tạp. Trong những năm qua, tại 16 xã biên giới công tác bảo vệ, giữ gìn cột mốc đã được các già làng, Người có uy tín, trưởng bản, bí thư chi bộ của 150 bản quan tâm tuyên truyền, vận động bà con các dân tộc cùng tham gia, đã có 56 già làng tự nguyện đăng ký tham gia tự quản 56 cột mốc trên tổng số 88 vị trí cột mốc quốc giới.

QUỲNH TRÂM

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.