Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chuyện về chị Minh ở bản Na Tổng

Đào Thọ - 22:47, 09/02/2020

15 năm làm y tá bản Na Tổng, xã Tam Thái, huyện Tương Dương (Nghệ An) chưa lúc nào chị được thảnh thơi, nhưng bù vào đó là niềm vui được gắn bó với công việc. Hơn 10 năm, 136 hộ dân của bản chưa có hộ nào sinh con thứ 3; công tác vệ sinh môi trường luôn dẫn đầu toàn xã; tiêm chủng mở rộng đạt trên 90%... Đó là niềm tự hào và cũng là động lực để chị phấn đấu hơn nữa.

Hằng ngày chị Lê Thị Minh vẫn miệt mài đến thăm khám cho bà con trong bản.
Hằng ngày chị Lê Thị Minh vẫn miệt mài đến thăm khám cho bà con trong bản.

Chị Lê Thị Minh (sinh 1971) vốn người gốc Tam Thái, lấy chồng về bản Na Tổng, xã Tam Thái, huyện Tương Dương (Nghệ An) đã hơn 20 năm. Ngày ấy, là một cán bộ phụ nữ năng nổ, nhiệt tình trong việc vận động chị em thực hiện kế hoạch hóa gia đình nên chị luôn được mọi người đánh giá cao. Cơ duyên đến với ngành Y tế của chị cũng từ đó.

Một thời gian được sống cùng mẹ chồng, bà Kha Thị Loan, y tá thôn bản, chị nhận ra được nhiều điều. Cuộc sống ở bản Na Tổng còn nhiều khó khăn, trình độ nhận thức của Nhân dân còn thấp, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, việc sinh con thứ 3 rất phổ biến... Hằng ngày chị theo bà Loan đến vận động mọi người thực hiện tốt vệ sinh công cộng, chăm sóc con cái, thực hiện kế hoạch hóa gia đình… Cứ thế, chị miệt mài với công việc mà chẳng hề nghĩ đến lợi ích gì cho riêng bản thân.

Sau khi bà Loan nghỉ hưu, bản Na Tổng không có người thăm khám, giúp đỡ người ốm đau, nên càng khó khăn hơn. Lúc ấy trong đầu chị chợt bật ra ý nghĩ: “Hay là mình sẽ nối tiếp con đường của mẹ? Mình là một đảng viên, cần phấn đấu vươn lên chứ?”. Và rồi trong một cuộc họp thôn bản năm 2001, mọi người đều đồng loạt nhờ chị thay mẹ chồng làm y tá thôn bản. Một cảm giác vừa tự hào, vừa lo lắng trào dâng trong lòng chị.

Thế là từ đó, qua những gì thu lượm được trên sách vở, hằng ngày chị miệt mài vận động, tuyên truyền bà con phòng chống dịch bệnh, làm sạch môi trường, chăm sóc con cái, thực hiện kế hoạch hóa gia đình… Những thời gian rỗi không phải ngủ lại trên nương rẫy, chị nhờ mẹ chồng chỉ dẫn thêm về nghiệp vụ y tế.

Năm 2004, có dự án của Phần Lan về đào tạo y tá ngắn hạn, chị đăng ký theo học 3 tháng tại Trường Cao đẳng Y tế Nghệ An. Năm 2005, chị được UBND xã Tam Thái ký hợp đồng chính thức làm y tá bản Na Tổng. Đó là động lực giúp chị vươn lên hơn nữa trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Năm 2006, chị nộp đơn xin đi học lớp sơ cấp y ở Vĩnh Phúc, lúc này chị vừa bước vào tuổi 35. Sau 12 tháng đi học về, chị được Sở Y tế Nghệ An ký hợp đồng làm việc. Bây giờ chị tự hào mình đã có thể thăm khám cho cho bà con, những ca sinh nở thường chị cũng có thể giúp đỡ chị em trong bản được rồi. Có những đêm mùa Đông giá rét, nghe người đến báo có ca bệnh là chị vội vã lên đường ngay. Sau khi thăm khám, ca nào giúp đỡ được thì chị không nề hà gì, còn ca nào phải đưa lên tuyến trên chị nhờ người nhà đưa đi ngay.

15 năm làm y tá bản Na Tổng, chưa lúc nào chị được thảnh thơi, nhưng bù vào đó là niềm vui được gắn bó với công việc. Hơn 10 năm, 136 hộ dân của bản chưa có hộ nào sinh con thứ 3; công tác vệ sinh môi trường luôn dẫn đầu toàn xã; tiêm chủng mở rộng đạt trên 90%... Đó là niềm tự hào và cũng là động lực để chị phấn đấu hơn nữa.

Trao đổi với chúng tôi, chị Kha Thị Phấn, Trạm trưởng Trạm y tế Thạch Giám cho biết: “Chị Lê Thị Minh là một y tá năng nổ, nhiệt tình. Nhiều năm qua, địa bàn bản Na Tổng do chị Minh phụ trách không có dịch bệnh xảy ra. 5 nhiệm vụ của người y tá thôn bản đều được chị hoàn thành xuất sắc”

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.