Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nữ y tá tận tâm của thôn Húc Ván

PV - 15:35, 09/10/2018

Không quản ngại khó khăn, vất vả, hàng chục năm nay, nữ y tá Hồ Thị Liên ở thôn Húc Ván, xã Húc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vẫn ngày đêm âm thầm chăm lo sức khỏe cho đồng bào Vân Kiều nơi đây. Từ việc làm, tình cảm của chị, nhiều hộ dân xem chị Liên như người thân trong gia đình.

Nữ y tá tận tâm của thôn Húc Ván Chị Hồ Thị Liên (người ngoài cùng bên phải) đang tuyên truyền cho người dân về cách phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Thôn Húc Ván có 93 hộ dân, với 400 nhân khẩu là đồng bào Vân Kiều sinh sống. Cũng như bao bản làng vùng DTTS và miền núi khác, cuộc sống của người dân thôn Húc Ván cũng phải đối mặt với những khó khăn, thiếu thốn do điểm xuất phát kinh tế-xã hội địa phương thấp. Đặc biệt, do nhận thức của đồng bào còn hạn chế nên còn tồn tại những hủ tục lạc hậu như: ốm đau thường mời thầy mo, thầy cúng về làm vía gây ra nhiều hệ lụy, dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống.

Trăn trở với thực tế này, năm 2005 chị Liên đã quyết tâm theo học lớp hộ sinh do Trung tâm Y tế huyện tổ chức, với mong muốn có kiến thức để hướng dẫn và giúp chăm sóc sức khỏe cho bà con, nhất là chị em phụ nữ. Chị Liên tâm sự: Khi tham gia lớp học, chị phải đối diện với nhiều khó khăn vì có quá nhiều kiến thức phải học, phải nhớ. Tuy nhiên, cứ nghĩ đến những đứa trẻ trong thôn ốm đau quặt quẹo, người dân thì chưa quan tâm đến sức khỏe, nhiều phụ nữ vật lộn với cuộc sống mưu sinh, đối diện với nhiều căn bệnh nguy hiểm nên chị quyết tâm theo học hoàn thiện chương trình.

Năm 2006, sau khi hoàn thành khóa học, chị quay về thôn Húc Ván tình nguyện làm nhân viên y tế thôn bản. Công việc đầu tiên mà chị Liên làm là tuyên truyền cho người dân hiểu về cách chăm sóc sức khỏe và đề phòng bệnh, những dấu hiệu của một số bệnh dịch; khi có những dấu hiệu mệt mỏi, ốm đau thì phải đến y tế để thăm khám. Chị cũng vận động bà con xóa bỏ các hủ tục trong chữa bệnh, thực hiện ăn ở hợp vệ sinh; đưa trẻ tiêm phòng đầy đủ...

Theo chị Hồ Thị Liên, công việc có vẻ như đơn giản nhưng khi thực hiện thì rất khó khăn, bởi một số phong tục, hủ tục vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân từ bao đời. Vì thế, chị đã phải đến từng nhà trò chuyện, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, chia sẻ với bà con, từ đó tuyên truyền, vận động, thuyết phục bà con mới làm theo. “Bà con thấy mình có trách nhiệm, nhiệt tình vì cái chung nên dần dần cũng nhận thức được việc mình làm là tốt cho họ mà tự nguyện nghe theo”, chị Liên cho hay.

Chị Hồ Thị Hân thôn Húc Ván kể: Vợ chồng chị sinh 3 đứa con, đứa đầu tiên sinh tại nhà, do không biết cách vệ sinh và cháu không được tiêm phòng, uống vacxin nên thường xuyên bị ốm đau. Nghe theo lời chị Liên nên khi sinh 2 đứa sau, vợ chồng chị đều đưa các cháu đến trạm y tế sinh và được tiêm phòng đầy đủ nên cháu bé khỏe mạnh hơn.

“Tôi thấy chị Liên thật tốt bụng. Mỗi đợt trạm y tế tổ chức tiêm chủng, uống vitamin A, tẩy giun, hay khám sức khỏe cho nhân dân, chị đều đến vận động, tư vấn cho người dân hiểu và tham gia đầy đủ. Vào các dịp tiêm phòng cho trẻ, chị Liên có mặt rất sớm để tư vấn cho chúng tôi những vấn đề thắc mắc. Chúng tôi đã biết cách nuôi dạy con và phòng tránh các dịch bệnh nên lâu rồi ở thôn không có dịch bệnh xảy ra…”, chị Hân cho biết thêm.

Nhận xét về nữ y tá thôn bản Hồ Thị Liên, Chủ tịch Hồ Văn Nhua xã Húc cho biết: Thời gian qua, những cán bộ y tế thôn bản như chị Hồ Thị Liên đã khẳng định vai trò, trách nhiệm đóng góp rất nhiều công sức cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ở các thôn, bản. Trong điều kiện mức phụ cấp thấp, nhưng y tế thôn bản đã phát huy hết khả năng và tinh thần trách nhiệm để chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho người dân.

Từ sự góp sức của chị Liên và nhiều y tế thôn bản mà trên địa bàn xã nhiều năm nay không có dịch bệnh xảy ra. Hiện nay, người dân ốm đau đã tìm đến khám, chữa bệnh tại trạm y tế và bệnh viện, 100% số trẻ được sinh tại trạm y tế; trên 70% người dân đã thực hiện nghiêm túc việc ăn chín uống sôi, tuân thủ thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường… Điều quan trọng là chị Hồ Thị Liên và các y tế thôn bản đã góp phần đẩy lùi được các hủ tục khám chữa bệnh lạc hậu để cuộc sống người dân được an toàn hơn.

Thời gian qua, những cán bộ y tế thôn bản như chị Hồ Thị Liên đã khẳng định vai trò, trách nhiệm đóng góp rất nhiều công sức cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ở các thôn, bản. Trong điều kiện mức phụ cấp thấp, nhưng y tế thôn bản đã phát huy hết khả năng và tinh thần trách nhiệm để chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho người dân”. (Chủ tịch xã Húc, Hồ Văn Nhua)

QUỲNH TRÂM

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.