Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chuyện "sợ giàu" ở thôn Bản Phải

Nghĩa Hiệp - 19:11, 26/07/2021

Xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) "về đích" nông thôn mới (NTM) năm 2020; toàn xã có 6 thôn thì có 5 thôn đạt chuẩn, trừ thôn Bản Phải, dù rằng đây là thôn có điều kiện kinh tế khá nhất của xã. Nguyên nhân là do thôn còn chưa đạt tiêu chí về an ninh trật tự. Cũng tại thôn này, người dân luôn tụ tập đòi chính quyền đưa thôn trở lại thôn vùng III, không chịu thoát nghèo chỉ vì chiếc thẻ bảo hiểm y tế.

Thôn Bản Phải có diện tích rừng thông lớn nhất xã Tú Mịch. Nghề cạo nhựa thông giúp người dân có cuộc sống khá giả, hầu hết các hộ gia đình tại thôn đều xây nhà tầng khang trang, kiên cố..
Thôn Bản Phải có diện tích rừng thông lớn nhất xã Tú Mịch. Nghề cạo nhựa thông giúp người dân có cuộc sống khá giả, hầu hết các hộ gia đình tại thôn đều xây nhà tầng khang trang, kiên cố..

Tú Mịch được UBND huyện Lộc Bình lựa chọn, đăng ký với tỉnh Lạng Sơn phấn đấu về đích NTM trong năm 2020. Trong quá trình xây dựng NTM, xã được UBND huyện Lộc Bình đầu tư trên 40,994 tỷ đồng; các cấp cũng vào cuộc vận động Nhân dân hiến đất để xây dựng các công trình công cộng, cứng hóa 7,6km đường giao thông nông thôn, từng bước nâng cao thu nhập người dân, thu nhập bình quân năm 2020 đạt 36,35 triệu đồng/người/năm… 

Nhờ vậy, kết thúc năm 2020 Tú Mịch là xã đã "về đích" NTM. Nhưng lãnh đạo xã Tú Mịch lại "đau đầu" vì hiện có thôn Bản Phải, dù có điều kiện kinh tế cao nhất xã, nhưng lại chưa đạt chuẩn NTM.

Tiêu chí chưa đạt của thôn Bản Phải là an ninh trật tự. Đáng buồn là, người dân trong thôn nhiều lần rủ nhau đi khiếu kiện tập trung, đề nghị chính quyền xã, huyện và tỉnh tiếp tục công nhận thôn Bản Phải là thôn vùng III. 

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Nông Văn Định, Phó Chủ tịch UBND xã Tú Mịch, thông tin: Thôn Bản Phải có 146 hộ dân, hiện còn 11 hộ nghèo và 17 hộ cận nghèo. Thu nhập bình quân của thôn Bản Phải đạt 40 triệu đồng/năm. Đây là thôn có diện tích rừng thông lớn nhất của xã, nghề cạo nhựa thông là nghề lâu đời của xã Tú Mịch. "Lý do người dân tụ tập khiếu kiện ra huyện và tỉnh là do khi xã về đích NTM, người dân bị cắt một số chế độ như thẻ BHYT”, ông Định nói.

Đến thôn Bản Phải, chúng tôi ghi nhận, hầu hết các hộ dân trong thôn đều có nhà ở kiên cố, trong sân một số hộ gia đình còn có những chiếc ô tô giá trị từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng. Dù vậy, nhưng khi biết nếu "về đích" NTM, thoát khỏi xã, thôn đặc biệt khó khăn, người dân sẽ phải tự bỏ tiền mua BHYT nên họ không đồng thuận.

Chị Nông Thị Đài, một người dân trong thôn cho rằng: “Thôn hiện vẫn còn 1 số chỗ vào xóm nhỏ chưa có đường bê tông. Hơn nữa, việc lên thôn vùng I, khiến mọi người phải bỏ tiền túi đi mua bảo hiểm y tế. Chính những người dân chúng tôi cảm thấy các tiêu chí đường sá, thu nhập đầu người chưa đạt chuẩn NTM nên kiến nghị về lại thôn vùng III”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trung bình mỗi gia đình sẽ bỏ số tiền từ 500 - 800 nghìn đồng mỗi năm, tùy theo số lượng thành viên để mua thẻ BHYT trong gia đình. Chính việc từ được phát miễn phí thẻ BHYT sang tự trả phí mua thẻ khi xã về đích NTM, đã khiến người dân không chấp nhận và đòi quay trở lại thôn vùng III. 

Đáng buồn là, qua tìm hiểu dư luận phản ánh, đằng sau việc tập trung đông người, khiếu kiện có sự “giật dây” của một số đối tượng.

Nhiều gia đình tại thôn Bản Phải có ô tô giá trị từ vài trăm triệu đến tiền tỷ nhưng vẫn cảm thấy chưa đạt tiêu chí về thu nhập trong xây dựng NTM
Nhiều gia đình tại thôn Bản Phải có ô tô giá trị từ vài trăm triệu đến tiền tỷ nhưng vẫn cảm thấy chưa đạt tiêu chí về thu nhập trong xây dựng NTM

Anh N.V.T (một người dân địa phương xin giấu tên), cho biết, có nhiều hộ đi theo đoàn khiếu kiện dù không biết đi để làm gì. Nếu hộ dân nào không đi ra huyện khiếu kiện sẽ phải nộp 2 triệu đồng cho trưởng đoàn, hoặc sẽ bị ép làm một số công việc trong hộ có đám ma của thôn. Chính vì thế mà hơn 100 hộ dân đã kéo nhau ra huyện rồi lên cả tỉnh khiếu kiện, những hộ không đi chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo.

Thực tế được biết, do xã Tú Mịch đã ưu tiên dành nguồn lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại những nơi có đông dân cư hơn, nên hiện tại còn một số con đường dẫn vào xóm nhỏ, nơi sinh sống của một vài hộ dân chưa được bê tông hóa. 

Bên cạnh đó, thu nhập đầu người, cuộc sống của người dân tại thôn Bản Phải rất khá, nhiều hộ có nhà tầng kiên cố, xe ô tô đắt tiền, trái ngược với ý kiến của những hộ trong thôn là nơi đây vẫn nghèo cần được hỗ trợ chính sách. 

Như vậy, thật đáng buồn và thất vọng khi chỉ vì lý do không được cấp thẻ BHYT miễn phí  mà người dân thôn Bản Phải xã Tú Mịch mãi không chịu thoát nghèo.!

Trước thực tế này, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị, đoàn thể ở địa phương cần quan tâm sớm có giải pháp, đặc biệt là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động  khơi dậy lòng tự tôn, tự trọng trong mỗi người dân, để người dân nhận thức được những hành vi, trách nhiệm của mình đối với việc xây dựng cuộc sống gia đình; góp phần xây dựng quê hương, bản làng; đồng thời ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật, hay tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự...

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.