Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Niềm vui từ những lá đơn xin thoát nghèo

Thiên Đức - 10:37, 02/01/2020

Có lẽ chưa bao giờ, chúng ta được chứng kiến phong trào viết đơn xin thoát nghèo lan tỏa nhiều như năm 2019. Điều đó chứng tỏ người dân đã sẵn sàng từ bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững.

Vùng đồng bào DTTS và miền núi ngày càng xuất hiện nhiều những tấm gương vươn lên thoát nghèo. (Ảnh minh họa)
Vùng đồng bào DTTS và miền núi ngày càng xuất hiện nhiều những tấm gương vươn lên thoát nghèo. (Ảnh minh họa)

Lan tỏa phong trào viết đơn thoát nghèo

Còn nhớ vào tháng 9/2019, hình ảnh cụ bà Đỗ Thị Mơ, 83 tuổi, trú tại thôn Lương Thiện, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) lặn lội đạp xe đạp lên UBND xã xin ra khỏi hộ nghèo đã tràn ngập khắp các mặt báo và mạng xã hội. Điều đáng nói, hoàn cảnh của cụ Mơ cũng rất khó khăn vất vả. Cụ Mơ sinh sống một mình trong một căn nhà cấp 4 rộng chừng 20m2. Vì vậy, hành động của cụ chẳng những thể hiện sự tự lực vươn lên của cá nhân, mà còn lan tỏa tinh thần trong cộng đồng xã hội.

Thực tế là sau câu chuyện của cụ Mơ, nhiều nơi trong cả nước, nhất là vùng DTTS xuất hiện nhiều lá đơn tự nguyện xin thoát nghèo. Tại huyện vùng cao Quan Sơn (Thanh Hóa) đã có hơn 120 lá đơn của các hộ đồng bào DTTS viết bằng tay xin thoát nghèo. 

Không chỉ bó hẹp trong địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tinh thần tự nguyện thoát nghèo tiếp tục lan tỏa tới nhiều buôn, bản, làng trong Nam ngoài Bắc. Ông Đinh Thanh Văn, Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cho biết, xã Thượng Hóa chủ yếu là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Chứt, điều kiện KT-XH thuộc diện ĐBKK. Tuy nhiên, thời gian qua, những câu chuyện, người dân viết đơn xin thoát nghèo đã khơi dậy tinh thần tự lực thoát nghèo trong cộng đồng nơi đây. Cụ thể vào những tháng cuối năm ở địa phương có 3 hộ dân làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Điều đáng quý là cùng với việc viết đơn, họ còn tự đề ra phương án thoát nghèo bền vững. 

Còn tại địa bàn xã Đăk Tơ Re, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) những tháng cận kề Tết Nguyên đán, chính quyền vui mừng nhận được 5 lá đơn xin thoát nghèo của các hộ dân. Đây thực sự là những tín hiệu vui về tinh thần từ bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại, tăng thêm sự tin tin, tự hào và tự lực của người dân trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. 

Nhiều kết quả khả quan

Có thể khẳng định, nhờ tinh thần tự lực vươn lên của người dân cùng những chính sách hỗ trợ thiết thực của Nhà nước, công tác xóa đói giảm nghèo đã đạt được nhiều kết quả tích cực. 

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong xã hội đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả. Điển hình như các mô hình giảm nghèo dựa vào phát huy vai trò cộng đồng, như mô hình mây tre đan ở Nghệ An; mô hình trồng lanh thổ cẩm ở Lào Cai; mô hình nuôi gà thả đồi đệm lót sinh học ở Hòa Bình… 

Đến hết năm 2019, cả nước đã có 8/64 huyện thoát nghèo; 14/29 huyện hưởng cơ chế Nghị quyết 30a thoát nghèo; 87 xã ĐBKK vùng DTTS và miền núi thoát nghèo đạt chuẩn nông thôn mới, 44 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát nghèo. Mỗi năm có trên 300.000 hộ nghèo thoát nghèo. 

Về cơ bản công tác xóa đói, giảm nghèo ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất khích lệ. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ nghèo cả nước giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 5,23% năm 2018 vượt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Tinh thần tự lực vươn lên của người dân sẽ là tiền đề quan trọng để chúng ta tiến tới thực hiện mục tiêu Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.