Đổi thay ở “rừng con gái”
Những địa danh Sơn Lang, Đak Roong hay Hà Nừng... của huyện Kbang, tỉnh Gia Lai mới nghe qua đã thấy xa vời, thăm thẳm. Thời điểm sau giải phóng miền Nam, Sư đoàn 332, Quân khu 5 được thành lập làm nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng tại Gia Lai. Đến năm 1984, Sư đoàn 332 chuyển thành Liên hiệp Lâm - Công nghiệp Kon Hà Nừng do Bộ Nông nghiệp quản lý. Sau này, Liên hiệp giải thể, cả 8 lâm trường được giao về cho tỉnh.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, để chuẩn bị cho việc xây dựng các lâm trường, gần 5.000 con người từ khắp nơi được đưa về Sơn Lang, trong đó có hơn một nửa là phụ nữ. Hồi ấy, Đội lâm sinh Trạm Lập có 40 cô gái với nhiệm vụ phát rừng, dọn vệ sinh rừng và sống quây quần cùng nhau. Tất thảy đều mới đôi mươi. Chính họ đã gửi lại nơi đây những ngày đẹp nhất cuộc đời mình để hôm nay rừng núi này có được màu xanh bát ngát ấy. Nhiều người vẫn gọi những cánh rừng xanh bây giờ là “rừng con gái”, như để khắc lại dấu ấn của một thời như thế.
Nhiều năm trôi qua, Sơn Lang bây giờ đã mạnh về kinh tế nông nghiệp khi có gần 1.300 ha cà phê, canh tác nhiều loại cam, quýt, ổi, bơ, đu đủ, sầu riêng, mắc ca… Hiện, trên địa bàn xã, bà con trồng xen cây sầu riêng trên diện tích hơn 10 ha cà phê.
Nhiều năm trôi qua, Sơn Lang bây giờ đã mạnh về kinh tế nông nghiệp, khi có gần 1.300 ha cà phê, canh tác nhiều loại cam, quýt, ổi, bơ, đu đủ, sầu riêng, mắc ca… Hiện, trên địa bàn xã, bà con trồng xen cây sầu riêng trên diện tích hơn 10 ha cà phê.
Giờ đây, Sơn Lang đang tập trung triển khai thực hiện xây dựng nông thôn phát triển toàn diện, nâng cao chất lượng đời sống người dân với việc triển khai đồng thời 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng với đó, với nhiều nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu, các dự án của Trung ương và của tỉnh, huyện đã tập trung đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, các mô hình điểm về văn hóa, về nông nghiệp, phát triển các loại hình văn hóa truyền thống, phục dựng các lễ hội, bảo tồn và khai thác giá trị văn hóa của dân tộc để làm du lịch cộng đồng.
Khấm khá nhờ du lịch rừng
Nhờ tiềm năng về thiên nhiên và văn hóa truyền thống độc đáo, đồng bào ở Sơn Lang bây giờ đã khấm khá hơn nhờ làm du lịch. Hơn 3 năm trở lại đây, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng đã đầu tư đường bê tông rộng 1,2m chạy đến gần thác. Cùng với việc tạo điều kiện cho nhân viên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng còn giúp cho thanh niên dân tộc Ba Na các vùng lân cận ở Sơn Lang có thu nhập nhờ các Tour “du lịch rừng”.
Anh Đinh Văn Quý - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng làng Đăk Asêl, xã Sơn Lang là người đi đầu làm du lịch cộng đồng, giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Từ khi được anh Quý hướng dẫn làm du lịch, dân làng không những có việc làm, nâng cao thu nhập mà còn góp phần quảng bá cảnh quan thiên nhiên, bản sắc dân tộc Ba Na tới du khách gần xa. Đến nay, làng Đăk Asêl chỉ còn 6 hộ nghèo.
Hay như anh Ksor Nghin - giáo viên Trường THCS và THPT Kon Hà Nừng cũng là một hướng dẫn viên du lịch địa phương với những chuyến đi xuyên rừng già Kon Chư Răng. Anh đã thành lập Tổ phục vụ khách du lịch gồm 10 thành viên là người Ba Na, trong đó có người là giáo viên, có người làm nông nghiệp với nguồn thu nhập ổn định từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ tạo sinh kế cho người dân, du lịch giúp họ nhận ra tầm quan trọng của công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống tự nhiên.
Theo lãnh đạo xã Sơn Lang, mục tiêu đến 2025 sẽ phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã xuống dưới 5%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS xuống dưới 7%; phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; duy trì, củng cố làng nông thôn mới đối với làng Hà Nừng và xây dựng làng Đăk ASêl đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2025.