Xin ông cho biết thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách đầu tư để phát triển đồng bào DTTS dưới 10.000 người như thế nào?
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm dành các nguồn lực lớn đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi. Với mục tiêu “không để ai ở lại phía sau” đặc biệt đã có chính sách đặc thù hỗ trợ đầu tư, bảo tồn phát triển đối với các DTTS rất ít người (dưới 10.000 người)
Từ năm 2006 - 2010, ngân sách Nhà nước đã thực hiện 6 dự án hỗ trợ phát triển kinh tế -xã hội cho 5 dân tộc Si La, Pu Péo, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm (có dân số dưới 1.000 người).
Từ năm 2013 - 2018, Chính phủ đã ban hành Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng đối với các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao cho 03 tỉnh: Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu. Các địa phương đã triển khai đầu tư công trình hạ tầng thiết yếu, như: điện, đường giao thông, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng, thủy lợi, cầu treo…; hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi; lắp đặt trạm truyền thanh không dây; duy trì hoạt động đội văn nghệ thôn bản; chiếu phim lưu động; hoạt động lễ hội truyền thống; tổ chức lớp tập huấn, tuyên truyền về bình đẳng giới, tham quan học tập kinh nghiệm, mô hình sản xuất...
Về giáo dục đào tạo, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2123/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010-2015 với mục tiêu tạo điều kiện phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2017/NĐ-CP quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên DTTS rất ít người.
Về kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1672/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao, thực hiện tại 88 thôn, bản trên 27 xã thuộc 9 huyện của các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên và Hà Giang.
Đặc biệt, ngày 31/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2086/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016-2025. Đề án này có đối tượng áp dụng rộng (thực hiện tại 194 thôn, bản sinh sống tập trung các DTTS rất ít người trên địa bàn 93 xã thuộc 37 huyện của các tỉnh Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Kon Tum). Mục tiêu nhằm duy trì, phát triển, nâng cao vị thế của các DTTS rất ít người; xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào một cách bền vững.
Thưa ông, những nội dung cơ bản được thiết kế như thế nào tại Chương trình MTQG 1719 để phát triển các DTTS có dân số dưới 10.000 người?
Theo kết quả Điều tra kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2019 cho thấy, có nhiều DTTS rất ít người có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn bình quân chung của 53 DTTS từ 1,5 - 2,2 lần; 7/13 dân tộc có trên 30% người dân trên 15 tuổi chưa đọc thông viết thạo tiếng phổ thông, cao hơn 1,5 lần so với tỷ lệ bình quân chung của người DTTS. Vì vậy rất cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt để các dân tộc rất ít người không bị tụt hậu xa hơn so với các dân tộc khác và hòa nhập với tiến trình phát triển chung của các dân tộc khác.
Để bảo tồn và phát triển nhóm dân tộc rất ít người, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu xây dựng Dự án “Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đối với các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù", cụ thể là Tiểu dự án 01, Dự án 9 của Chương trình.
Dự kiến trong giai đoạn 2021-2025, sẽ phân bổ nguồn vốn để thực hiện Tiểu dự án 1, là trên 6.699 tỷ đồng. Trong đó: Ngân sách Trung ương: 6.610,272 tỷ đồng (vốn đầu tư: 1.966,409 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 4.643,863 tỷ đồng); Ngân sách địa phương: 88,866 tỷ đồng.
Đối với các dân tộc rất ít người, có khó khăn đặc thù sẽ được Dự án đầu tư: Về đường giao thông; điện sản xuất, sinh hoạt; thủy lợi; Công trình chống sạt lở; Các công trình thiết chế về văn hóa - giáo dục; Hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế. Mục tiêu nhằm xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các dân tộc có khó khăn đặc thù, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập so với các dân tộc khác trong vùng; góp phần nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, hỗ trợ cải thiện chất lượng dân số, thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc…
Xin ông cho biết, căn cứ theo tiêu chí nào để xác định các dân tộc có khó khăn đặc thù trong cộng đồng các DTTS Việt Nam?
Thực hiện Nghị quyết 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội khóa 14 về Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG 1719, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 39/2020/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 về Tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021-2025.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 3 của Quyết định số 39/2020/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ dân tộc đặc thù phải đáp ứng các tiêu chí: Sinh sống ổn định thành cộng đồng trên địa bàn các xã khu vực III và các thôn ĐBKK thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi theo quy định tại Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg ngày 12/11/2020 và kết quả điều tra kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2019.
Song song với đó, ngày 14/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1227/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025 (gồm 32 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn và 14 dân tộc có khó khăn đặc thù). Đây sẽ là cơ sở quan trọng để triển khai các chính sách đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn trong Chương trình MTQG 1719.
Ông có thể cho biết trong quá trình triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 9 (Chương trình MTQG 1719) về “Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đối với các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù" còn gặp những khó khăn vướng mắc gì, giải pháp tháo gỡ ra sao ?
Triển khai thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn và khó khăn đặc thù có một số vướng mắc. Đặc biệt là nội dung hỗ trợ đầu tư có thu hồi, thông qua vốn vay tín dụng chính sách với lãi xuất ưu đãi.
Ngay sau khi các địa phương kiến nghị về những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, Ủy ban Dân tộc đã có những giải pháp cụ thể báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Ủy ban Dân tộc việc xác định địa bàn đầu tư đối với các thôn, bản có dân tộc khó khăn đặc thù được phân cấp cho địa phương, trên cơ sở các nội dung được quy định tại Quyết định 1719/QĐTTg; đảm bảo định mức đầu tư cho các thôn, không vượt quá tổng nguồn vốn theo kế hoạch trung hạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đến nay, Ủy ban Dân tộc đã đưa nội dung trên vào việc sửa đổi, bổ sung hướng dẫn tại Thông tư số 02/202/TT- UBDT ngày 30/6/2022 của Ủy ban Dân tộc.
Đặc biệt, Chính phủ đã có báo cáo Quốc hội về khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện hỗ trợ đầu tư có thu hồi đối với hộ dân còn nhiều khó khăn đặc thù thông qua vay vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi tại Tiểu dự án 1, Dự án 9.
Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến trong giai đoạn tiếp theo khi sửa đổi, bổ sung Quyết định 1719/QĐ-TTg sẽ từng bước tháo gỡ hết những khó khăn, vướng mắc để thực hiện hiệu quả Chương trình, góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi nói chung và đồng bào DTTS nói riêng, trong đó đặc biệt là nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù.