Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tìm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Mảng

PV - 19:01, 07/02/2023

Dân tộc Mảng là 1 trong 16 dân tộc rất ít người của nước ta, sống tập trung chủ yếu ở thượng nguồn sông Đà thuộc khu vực biên giới tỉnh Lai Châu. Những năm qua, đồng bào dân tộc Mảng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư, chăm lo với nhiều chế độ, chính sách ưu tiên. Tuy nhiên, do đặc thù là dân tộc ít người sống ở vùng xa, vùng sâu, giao thông cách trở, thiếu vốn, thiếu thông tin, tập quán du canh, du cư, công tác xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc Mảng đang gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Cán bộ BĐBP Lai Châu hướng dẫn bà con dân tộc Mảng, xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn trồng lúa nước. Ảnh: Đức Duẩn
Cán bộ BĐBP Lai Châu hướng dẫn bà con dân tộc Mảng, xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn trồng lúa nước. Ảnh: Đức Duẩn

Thu nhập bình quân chỉ đạt 15 triệu đồng/người/năm

Theo thông tin từ UBND tỉnh Lai Châu, dân tộc Mảng hiện có 1.043 hộ với 5.270 khẩu, sống rải rác ở 21 bản, thuộc 9 xã: Bum Nưa, Vàng San, Pa Vệ Sủ (huyện Mường Tè), Nậm Pì, Nậm Hàng, Nậm Ban, Trung Chải, Hua Bum (huyện Nậm Nhùn), Pa Tần (huyện Sìn Hồ). Đồng bào Dân tộc Mảng cư trú ở các sườn núi, dưới chân núi nơi thường có các con suối nhỏ chạy qua, địa hình tương đối phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi những khe suối nhỏ, giao thông đi lại rất khó khăn.

Trong những năm qua, hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng DTTS nói chung, dân tộc Mảng nói riêng được quan tâm đầu tư bằng các nguồn vốn chương trình, chính sách, dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết 30a của Chính phủ, Chương trình 135... Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư hạn hẹp, hàng năm do ảnh hưởng của thiên tai, nhiều công trình bị hư hỏng, xuống cấp (nhất là giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường lớp học...), trong khi đó, nguồn vốn duy tu sửa chữa còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu nên hiện nay, hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH vẫn chưa đồng bộ, chưa tạo được động lực mạnh mẽ cho phát triển KT-XH của đồng bào dân tộc Mảng.

Cho đến hiện tại, đời sống của đồng bào Mảng vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, thoát nghèo không bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Theo điều tra của UBND tỉnh Lai Châu, hiện, thu nhập bình quân đầu người của dân tộc Mảng khoảng 15 triệu đồng/người/năm, bằng 33,78% thu nhập bình quân của tỉnh Lai Châu. Tính đến ngày 31/12/2021, dân tộc Mảng có 785/1.043 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 75,26%. Các hộ nghèo chưa tự túc được lương thực tại chỗ, vẫn phải cứu đói khi giáp hạt và khi có ảnh hưởng thiên tai.

Nhìn chung, chất lượng sống của đồng bào dân tộc Mảng ở mức thấp, những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống không đảm bảo. Việc tiếp cận các phương tiện thông tin đại chúng ở các bản vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều hạn chế. Có nhiều nguyên nhân khiến tỉ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc Mảng cao, nhưng chủ yếu do trình độ dân trí thấp, dân cư sống không tập trung; thiếu đất canh tác; thiếu vốn sản xuất; các tệ nạn xã hội còn tồn tại dai dẳng (nghiện rượu, thuốc phiện); không biết cách làm ăn… Bên cạnh đó, người dân sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên, chưa biết ứng dụng khoa học kỹ thuật.

Cán bộ Đồn Biên phòng Hua Bum, BĐBP Lai Châu dạy chữ cho đồng bào dân tộc Mảng. Ảnh: Đức Duẩn
Cán bộ Đồn Biên phòng Hua Bum, BĐBP Lai Châu dạy chữ cho đồng bào dân tộc Mảng. Ảnh: Đức Duẩn

Tìm giải pháp nâng cao mức sống

Thực tế, các chính sách đầu tư, hỗ trợ đã tác động đến tất cả mọi mặt đời sống chính trị, KT-XH của đồng bào dân tộc Mảng, song, do nguồn kinh phí có hạn, đối tượng thụ hưởng lớn, định mức hỗ trợ thấp, nên chưa đủ lực đưa dân tộc này vươn lên thoát khỏi đói nghèo một cách bền vững. Cùng với đó, trình độ dân trí thấp đã ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước.

Thực trạng KT-XH kém phát triển của đồng bào dân tộc Mảng đặt ra yêu cầu cấp thiết thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc này với các dân tộc khác trong tỉnh Lai Châu. Bàn về giải pháp phát triển vùng đồng bào dân tộc Mảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải cho rằng, cần phải kiên trì, thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhưng cách tiếp cận phải khác so với trước. Trước hết, phải làm chuyển biến ý thức hệ, tập quán, văn hóa, thể chất, sức khỏe của đồng bào, hướng cho đồng bào cởi bỏ tính tự ti, khơi dậy lòng tự hào, ý chí thoát nghèo. Đồng thời, xây dựng được các mô hình kinh tế, những “thủ lĩnh” ở vùng đồng bào dân tộc Mảng.

Theo các chuyên gia, trong giai đoạn mới, để phát triển KT-XH vùng dân tộc Mảng đạt hiệu quả như mong muốn, cần đánh giá lại những chính sách, mô hình đã triển khai để tiếp tục phát huy những chính sách có hiệu quả và điều chỉnh kịp thời những tồn tại, vướng mắc. Đồng thời, phải tính đến những giải pháp căn cơ, lâu dài khi triển khai thực hiện những chính sách mới.

Hiện, tỉnh Lai Châu đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc Mảng và La Hủ giai đoạn 2021-2025, nhằm sớm đưa 2 dân tộc này ra khỏi tình trạng đói nghèo, tụt hậu, từng bước hòa nhập và hội nhập với sự phát triển chung của tỉnh. Theo đó, các giải pháp chủ yếu mà tỉnh Lai Châu đưa ra là hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định cho số hộ di cư không theo quy hoạch. Quy hoạch, sắp xếp, di dời dân cư ở nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở tới nơi đảm bảo đủ các điều kiện về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, như: Mặt bằng sắp xếp khu dân cư, hạ tầng kỹ thuật, giao thông nội bản, liên bản. Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống.

Cùng với đó, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp với bố trí, sắp xếp dân cư những khu vực đặc biệt khó khăn, thiếu đất ở, đất sản xuất; vùng có nguy cơ thiên tai cao, dãn dân ra biên giới đến khu vực có điều kiện sản xuất, sinh sống thuận lợi hơn để định canh, định cư, ổn định lâu dài, đồng thời, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Mặt khác, chính quyền các địa phương cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con tận dụng lợi thế phát triển kinh tế; sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp nhằm phát huy lợi thế cây trồng, vật nuôi, xây dựng các liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân để khuyến khích sản xuất theo hướng phát triển hàng hóa gắn với thị trường. Đồng thời, thực hiện các mô hình liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc mỗi bản cần tìm một đầu tàu về kinh nghiệm làm ăn, vốn, khả năng tiếp cận nhanh và làm gương cho người khác trong thôn bản cách làm ăn với triển khai mô hình nhóm hộ. Tỉnh Lai Châu cũng dự kiến đưa các mô hình trồng trọt, chăn nuôi vào trong các nhà trường, nhằm hướng dẫn học sinh con em dân tộc Mảng, La Hủ nắm bắt được kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi từ trong nhà trường.

Song song với phát triển KT-XH, cần thực hiện tốt chính sách giáo dục, đào tạo nghề; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mảng. Một trong những điểm cốt lõi nữa là cần thực hiện tốt 3 chương trình mục tiêu quốc gia, lồng ghép với các nguồn vốn khác… để tối ưu hóa các nguồn vốn đầu tư phát triển KT-XH dân tộc Mảng.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.