Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chung tay vì người nghèo - Hiệu ứng từ công tác truyền thông

Cam Phúc - 17:40, 04/04/2023

Thời gian qua, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã đẩy mạnh công tác truyền thông về giảm nghèo bền vững. Nhờ công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng, đa dạng nhiều hình thức nên đã có tác dụng nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, vai trò của các chương trình, chính sách giảm nghèo.

Người dân tích cực sản xuất, phát triển mô hình kinh tế có hiệu quả
Người dân tích cực sản xuất, phát triển mô hình kinh tế có hiệu quả

Để nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành kế hoạch truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Kế hoạch của Chính phủ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; đổi mới phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng, phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”.

Theo đó, Các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch truyền thông thực hiện Chương trình thông qua nghị quyết của HĐND, quyết định của Chủ tịch UBND các cấp. Tổ chức thực hiện với nhiều hình thức, nội dung phong phú như bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp về công tác giảm nghèo, sản xuất các ấn phẩm truyền thông, tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại...

Như tại huyện Mường Khương, 1 trong 4 huyện nghèo và có 5/10 xã nghèo nhất tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công tác truyền thông về giảm nghèo theo nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Theo đó, bên cạnh triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, huyện Mường Khương đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân phát huy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trong đó xác định, công tác tuyên truyền phải được tổ chức thường xuyên, liên tục, nội dung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, như: Thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo nhanh và bền vững; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; các chính sách hỗ trợ người dân thiếu vốn, thiếu đất sản xuất; đề án phát triển giáo dục; biểu dương các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, gương điển hình thoát nghèo để nhân rộng trong cộng đồng dân cư...

Nhờ công tác tuyên truyền, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế
Nhờ công tác tuyên truyền, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế

Ông Nông Văn Minh - Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Mường Khương phấn khởi cho biết, nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm đáng kể, từ 47,44% năm 2021 xuống còn 39,74% cuối năm 2022, giảm so với năm 2021 là 7,7%.

Hay như tỉnh Quảng Bình cũng đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về mục đích, ý nghĩa, nội dung, giải pháp của Chương trình, nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội, góp phần huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể áp dụng đa dạng các hình thức truyền thông như: Truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh tới cơ sở; các trang mạng xã hội, tổ chức hội nghị, hội thảo, hội thi văn hóa, văn nghệ, sáng tác các tác phẩm tiểu phẩm về công tác giảm nghèo.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Bình đã thường xuyên tổ chức các hoạt động, phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, biểu dương, khen thưởng các địa phương, cộng đồng, hộ nghèo và tổ chức, cá nhân có thành tích trong lĩnh vực giảm nghèo; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ truyền thông về công tác giảm nghèo đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền và cán bộ làm công tác giảm nghèo; tổ chức đối thoại về chính sách giảm nghèo với cán bộ và người dân nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình.

Nhờ những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, công tác giảm nghèo của Quảng Bình đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Đầu năm 2022, hộ nghèo của toàn tỉnh có trên 16.000 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,52% và hộ cận nghèo là hơn 13.000, chiếm tỷ lệ 5,38% tổng số hộ toàn tỉnh. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,52% xuống còn 5,0% (tương ứng giảm 3.802 hộ xuống còn 12.820 hộ); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,62% xuống còn 4,76% (tương ứng giảm 1.483 hộ xuống còn 12.248 hộ).

Có thể thấy rằng, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân bằng nhiều hình thức phù hợp, đặc biệt nêu cao ý thức trách nhiệm của bản thân người nghèo, hộ nghèo đã góp phần khơi dậy ý chí tự lực vượt khó, chăm chỉ làm việc vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.