Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm, chúc mừng hai nhà giáo tiêu biểu tại TP. Hồ Chí Minh

PV - 22:16, 15/11/2021

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, chiều 15/11, tại TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm hỏi và chúc mừng hai nhà giáo tiêu biểu: Nhà giáo ưu tú Triệu Thị Huệ, Nguyên Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và PGS.TS. Lý Hòa, Anh hùng Lao động, nguyên Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm tặng quà cho thạc sỹ nhà giáo Triệu Thị Huệ, sinh năm 1965, sống tại phường 15, quận 5, TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm tặng quà cho thạc sỹ nhà giáo Triệu Thị Huệ, sinh năm 1965, sống tại phường 15, quận 5, TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Cùng đi có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh.

Nhà giáo Triệu Thị Huệ có 26 năm giảng dạy liên tục, 15 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 1 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Thành phố, 15 lần được Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen. Trong quá trình công tác, nhà giáo Triệu Thị Huệ đã không ngừng cố gắng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có nhiều đóng góp cho trường, cho ngành Giáo dục Thành phố, đặc biệt là công tác bồi dưỡng học sinh giỏi; biên soạn tài liệu và có nhiều đầu sách tham khảo.

Ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp quý báu của Nhà giáo ưu tú Triệu Thị Huệ trong thời gian còn giảng dạy với nhiều thành tích, nhiều sáng kiến để nâng cao chất lượng dạy và học và ngay cả khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục có những cống hiến thiết thực cho ngành Giáo dục, Chủ tịch nước mong muốn cô giáo Huệ bằng kinh nghiệm, tri thức của mình, tiếp tục đóng góp, tham mưu để có những sáng kiến hữu ích cho ngành Giáo dục Thành phố cũng như cả nước; đồng thời truyền lửa để thế hệ trẻ, các đồng nghiệp có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Được biết người chồng cô giáo Huệ vừa qua đời vì dịch Covid-19, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ với mất mát của gia đình, động viên cô giáo Huệ cùng người thân kiên cường vượt qua nỗi đau khó bù đắp, sớm trở lại cuộc sống trong bối cảnh bình thường mới.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm tặng quà cho PGS.TS. nhà giáo, Anh hùng Lao động Lý Hòa, sinh năm 1931 tại phường Tân Mỹ, quận 7, TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm tặng quà cho PGS.TS. nhà giáo, Anh hùng Lao động Lý Hòa, sinh năm 1931 tại phường Tân Mỹ, quận 7, TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Đến thăm PGS.TS. Lý Hòa, Anh hùng Lao động, nguyên Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước biểu dương, ghi nhận, tri ân những đóng góp to lớn của nhà giáo Lý Hòa đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của đất nước và nghị lực phi thường, dũng cảm vượt qua bệnh tật để không ngừng cống hiến cho công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

Sau 16 lần mổ trong vòng 5 năm vì vết thương trong chiến tranh, từ kiến thức văn hóa lớp 3, thầy Lý Hòa đã tự học nâng kiến thức lên cho mình tương đương lớp 10, rồi thi đỗ đại học, trở thành giảng viên, Phó Giáo sư Vật lý và trở thành Hiệu trưởng đầu tiên của Trường đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. Năm 1977, thầy Hòa được phân ngôi nhà 105 (số mới 107) đường Trần Bình Trọng, phường 2, quận 5, TP. Hồ Chí Minh.

Đây là biệt thự có 2 cổng, diện tích sân vườn rộng rãi nhưng thầy đã nhường lại để xây trường mẫu giáo cho các cháu, còn gia đình thầy mua một ngôi nhà trong hẻm sâu ở đường Trần Hưng Đạo để ở. Với những cống hiến to lớn cho ngành Giáo dục, nhà giáo Lý Hòa được Nhà nước tặng thưởng 4 Huân chương Lao động và được Chủ tịch nước tuyên dương Anh hùng Lao động trong thời kỳ Đổi mới (tháng 7/1998). Dù nghỉ hưu nhưng nhà giáo Lý Hòa vẫn phát huy phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, phẩm chất cao đẹp của một nhà giáo, tiếp tục cống hiến cho nền giáo dục nước nhà, đóng góp đào tạo chương trình nghiên cứu sinh Vật lý đại cương cho một số trường đại học ở phía Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn PGS.TS. Lý Hòa với kinh nghiệm nhiều năm làm quản lý xuất sắc trong lĩnh vực giáo dục, với tầm hiểu biết sâu về nền giáo dục sẽ tiếp tục đóng góp, cống hiến cho công tác dạy và học, nhất là bậc đào tạo cao đẳng, đại học và trung học chuyên nghiệp; tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp phát triển giáo dục của TP. Hồ Chí Minh và cả nước./

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.