5 năm trở về trước, các chương trình giáo dục công nghệ cho trẻ em ở Việt Nam còn rất sơ khai với “3 không”: Không có nhu cầu học công nghệ, không sản phẩm được hệ thống bài bản, không giáo viên có chuyên môn cả về kỹ năng và kiến thức trong giảng dạy công nghệ cho trẻ em.
Bước đi táo bạo
Trong bối cảnh đó, thầy giáo Lê Quang Tuấn đã có 1 ý tưởng vô cùng táo bạo: Xây dựng 1 cơ sở giáo dục công nghệ dành riêng cho trẻ em. Với 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ Công nghệ tại Đại học RMIT Australia, thầy Lê Quang Tuấn cùng 4 chuyên gia công nghệ đã sáng lập Học viện Sáng tạo công nghệ trẻ Teky.
Nhằm đề cao triết lý “lấy người học làm trung tâm”, Học viện Teky luôn đặt ra những yêu cầu khó, mới về chất lượng sư phạm đối với đội ngũ giảng viên. Ngay từ khi mới được thành lập, Học viện đã trở thành cơ sở giáo dục đi đầu trong việc thường xuyên tổ chức sát hạch giáo viên.
“Tôi vẫn nhớ như in ánh mắt, khuôn mặt hồi hộp trước mỗi kỳ sát hạch và cả những nụ cười hồ hởi khi đạt kết quả tốt của “thí sinh”. Tất cả các buổi sát hạch đều được tôi giám sát nghiêm túc và ghi hình bằng camera nhằm bảo đảm công bằng cho mọi “thí sinh” trên cả nước”, Thạc sĩ Lê Quang Tuấn hồi tưởng.
Đây chính là nguồn động lực để đội ngũ giảng viên tại Học viện Teky luôn cố gắng cập nhật, thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn, mang đến những bài giảng chất lượng nhất cho các bạn nhỏ.
Sau hơn 5 năm gắn bó cùng Học viện Teky, thầy Lê Quang Tuấn và các cộng sự đã nghiên cứu, xây dựng giáo trình của 20 bộ môn với hàng nghìn giờ học trực tiếp và trực tuyến. Với hơn 500 giảng viên công nghệ, Học viện Teky đang hướng tới mục tiêu phổ cập giáo dục công nghệ phổ thông tới ít nhất 10 triệu học sinh Việt Nam.
Đột phá ngay trong đại dịch
Thời gian vừa qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên khắp cả nước, khiến nhiều trường học và trung tâm giáo dục phải chuyển sang đào tạo trực tuyến. Vì thế, ngày càng có nhiều trang web và ứng dụng học tập trực tuyến ra đời.
Tuy nhiên, để những công cụ này có thể đảm nhiệm hàng loạt vai trò quan trọng của 1 giáo viên như kết nối, chấm điểm, kiểm tra bài của học sinh lại là điều không đơn giản. Thầy Lê Quang Tuấn và các cộng sự đã tiếp tục đi tìm câu trả lời cho bài toán khó đó với 2 phương án cụ thể.
Học viện Teky đã triển khai nền tảng lập trình CodeKitten miễn phí, nhằm cung cấp các video bài giảng để học sinh từ lớp 2 có thể tự học, tự sáng tạo sản phẩm. Đồng thời, ra mắt chương trình học công nghệ trực tuyến “Trại hè STEM Online” với sự đồng hành của các giảng viên Teky trên nền tảng lớp học ClassIn cùng 12 khóa học công nghệ tương tự chương trình trực tiếp tại Học viện.
Trong đó, CodeKitten là nền tảng lập trình kéo thả đầu tiên ở nước ta được xây dựng trên nền công nghệ Scratch, MIT. Với bộ thư viện hình nền, nhân vật, đối tượng lập trình được thiết kế gắn liền với lịch sử, anh hùng dân tộc, di sản nổi tiếng, danh lam thắng cảnh, bản sắc văn hóa, CodeKitten mang đến nhiều bài học, thử thách mô phỏng gắn với kiến thức K12 đa dạng, giúp các bạn nhỏ nhớ kiến thức rất dễ dàng.
“Tôi luôn quan niệm trẻ em Việt Nam phải được học những chương trình hiện đại như các nước phát triển vì lợi ích tương lai của đất nước. Điều quan trọng là các thầy, cô giáo luôn phải giữ vững vai trò “người lái đò”, đưa các bạn nhỏ lại gần hơn với bộ môn công nghệ vốn đòi hỏi khả năng tư duy logic và những kiến thức khá “nặng đô”, thầy Lê Quang Tuấn chia sẻ.
Vẫn với triết lý “lấy người học làm trung tâm”, nhà sáng lập của Học viện Teky tiếp tục đẩy mạnh các buổi tập huấn cho đội ngũ giảng viên, tăng thời lượng dự giờ các lớp ngay trong thời gian giãn cách. Từ đó, đưa ra những điều chỉnh phù hợp về kiến thức chuyên môn, củng cố năng lực sư phạm cho các giảng viên.
“Giáo dục không chỉ đến từ tâm, mà còn phải có tầm thì mới có thể đưa thế hệ trẻ Việt Nam sánh vai với các cường quốc, nhất là khi thế giới đang bước vào giai đoạn chạy đua công nghệ. Học viện Teky sẽ tiếp tục nghiên cứu, lắng nghe để hoàn thành sứ mệnh đó”, Thạc sĩ Lê Quang Tuấn khẳng định.