Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

41.670 bài giảng điện tử tham gia cuộc thi “Thiết kế bài giảng điện tử 2021”

Cát Tường - 15:24, 11/11/2021

Cuộc thi “Thiết kế bài giảng điện tử năm 2021" do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Hệ tri thức Việt số hóa và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Là năm thứ hai tổ chức, Cuộc thi nhằm tiếp tục xây dựng và làm phong phú thêm kho học liệu số của ngành Giáo dục, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thích ứng với việc dạy và học trực tuyến, từ xa do tác động của dịch bệnh.

Sau 1 tháng phát động, từ ngày 5/10 đến ngày 5/11/2021, Kho học liệu số đặt tại địa chỉ igiaoduc.vn đã tiếp nhận 41.670 bài giảng, trong đó có 26.374 bài giảng e-learning và 15.296 video bài giảng. Nhiều nhất là các bài giảng của các giáo viên khối lớp 6 với 7.255 bài; lớp 2 với 4.341 bài và lớp 1 với 3.950 bài. Số bài giảng thuộc chương trình sách giáo khoa mới chiếm tỷ lệ 37% tổng số bài dự thi.

Cuộc thi đã trở thành một sân chơi của các nhà giáo đã và đang giảng dạy trong ngành giáo dục. Không chỉ thu hút các thầy, cô giáo trẻ tham dự, nhiều thầy, cô giáo nhiều năm kinh nghiệm cũng tham gia biên soạn và gửi bài dự thi. 

Đánh giá về chất lượng ban đầu của các bài dự thi năm nay, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT), Trưởng Ban Tổ chức cho biết: Cuộc thi được phát động tổ chức ngay sau các đợt tập huấn giáo viên về dạy học trực tuyến của ngành Giáo dục. Chất lượng bài giảng đã được nâng lên rõ rệt, giáo viên đã áp dụng nhiều công cụ, công nghệ mới trong soạn bài giảng điện tử. Kho bài giảng trực tuyến sẽ mở ra cơ hội tiếp cận nội dung giáo dục có chất lượng tới tất cả người học, tạo ra sự công bằng hơn trong giáo dục.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tổ chức thẩm định bài giảng. Những bài giảng đạt chất lượng sẽ được công bố ngay trên Kho học liệu số để học sinh sử dụng học trực tuyến.

Trước đó, ngày 17/9, Bộ GD&ĐT đã ban hành thể lệ cuộc thi "Thiết kế bài giảng điện tử năm 2021", Cuộc thi được tổ chức trên phạm vi toàn quốc. 

Sản phẩm dự thi là bài giảng triển khai được toàn bộ quá trình (các hoạt động) dạy và học (tối thiểu cho một tiết học) thuộc chương trình giáo dục phổ thông (đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các lớp còn lại theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006).

Bài giảng giúp học sinh tự học, học trực tuyến hoặc sử dụng dạy học kết hợp (giữa tự học, học trực tuyến và dạy học trên lớp); phù hợp với các hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về mục tiêu, yêu cầu, nội dung và phương pháp dạy học của bài học; thể hiện sự sáng tạo của giáo viên trong việc ứng dụng công nghệ để người học có cơ hội được tổng hợp và khuyến khích phát triển các ý tưởng sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề của bài học và thực tiễn. Sản phẩm được thiết kế phù hợp với các hình thức học tập khác nhau của học sinh, thể hiện được các phương pháp tiếp cận khác nhau nhằm tạo ra một lộ trình học tập toàn diện.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.