Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga: Tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát để thực hiện hiệu quả Dự án 8

Thúy Hồng - 21:12, 28/02/2024

Chiều 28/2, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã tổ chức họp Ban Điều hành Dự án 8, “Thực hiện Bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 giai đoạn 1: Từ năm 2021 đến năm 2025. Bà Hà Thị Nga - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Trưởng ban Điều hành Dự án 8 và bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Phó trưởng Ban điều hành Dự án 8 đồng chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban Điều hành Dự án 8, đại diện các Bộ, ngành liên quan.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu tại Hội nghị

Báo cáo tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Phó Ban Điều hành Dự án cho biết: Ngay sau khi Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) được phê duyệt, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với Uỷ ban Dân tộc tổ chức Hội nghị triển khai Dự án 8 và Chương trình MTQG tới 51 tỉnh, thành vùng DTTS và miền núi vào tháng 11/2021; sơ kết, đánh giá thực hiện Dự án hàng năm. Đảng đoàn Trung ương Hội đã ban hành văn bản gửi Ban Thường vụ tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND các tỉnh, thành phố phối hợp chỉ đạo tổ chức thực hiện Dự án 8 tại địa phương.

Theo đó, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã kịp thời ban hành các văn bản hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho địa phương và đề xuất với các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến Dự án 8. Đã có 40/40 tỉnh được cấp ngân sách trung ương đã ban hành kế hoạch thực hiện Dự án 8 giai đoạn I và kế hoạch thực hiện Dự án hàng năm. Trong năm 2022 và 2023, Trung ương Hội LHPN Việt Nam được phân bổ là 106.085 triệu đồng, đã giải ngân khoảng 83.000 triệu đồng (đạt 78%).

Toàn cảnh cuộc họp
Toàn cảnh cuộc họp

Các cấp Hội nỗ lực, tập trung tham mưu triển khai thực hiện các nội dung, chỉ tiêu của Dự án 8 và đã đạt được những kết quả tích cực trong thực hiện các chỉ tiêu cốt lõi của Dự án đề ra giai đoạn 1: Thành lập, duy trì được 7.623/9.000 Tổ truyền thông cộng đồng (đạt 84,7% chỉ tiêu đặt ra giai đoạn 1; thành lập 184/500 tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã (đạt 36,8% chỉ tiêu đặt ra giai đoạn 1) với 2.208 phụ nữ làm chủ/hoặc tham gia quản lý; thành lập, củng cố 1.462/1.000 địa chỉ tin cậy (vượt chỉ tiêu giai đoạn 1); hỗ trợ, tư vấn cho khoảng 12.971 phụ nữ, trẻ em tại địa bàn DTTS và miền núi; thành lập và duy trì 1.132/1.800 CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi (đạt 62,9% chỉ tiêu giai đoạn 1)...

Hội LHPN các cấp phối hợp với các ngành liên quan tập huấn nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ các cấp, với 250/480 cuộc cho 12.789 cán bộ huyện, xã (đạt 52,1% chỉ tiêu giai đoạn 1), 570/1.600 cuộc tập huấn cho 35.604 trưởng thôn/bản/ấp/buôn, Người có uy tín tại cộng đồng (đạt 35,6% chỉ tiêu giai đoạn 1), 10/10 tỉnh đã chi hỗ trợ và truyền thông các hoạt động liên quan đến 4 gói chính hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em đến các bà mẹ, trẻ em.

Đến thời điểm hiện tại có 2 tỉnh tiêu biểu đã thực hiện đạt cơ bản các chỉ tiêu giai đoạn 1 là Hà Giang và Lào Cai. Hầu hết các tỉnh, thành phố phấn đầu đạt 100% chỉ tiêu cơ bản của Dự án trong giai đoạn I vào năm 2024; đồng thời, chú trọng duy trì, nâng cao hiệu quả, chất lượng các mô hình của Dự án.

Ông Nguyễn Văn Thức, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG 1719 phát biểu tại cuộc họp
Ông Nguyễn Văn Thức - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG 1719 phát biểu tại cuộc họp

Tuy nhiên, cũng theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số chỉ tiêu, hoạt động của Dự án khó thực hiện, như: Việc hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS với đối tượng hỗ trợ là tổ/nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, hoặc đồng làm chủ gặp khó khăn do địa bàn triển khai Dự án 8 tại các xã, thôn vùng đặc biệt khó khăn, nên đối tượng được hỗ trợ có ít, hoặc không có đối tượng để hỗ trợ; phạm vi địa bàn và đối tượng thụ hưởng bị thu hẹp so với thiết kế ban đầu của Dự án.

Công tác phối hợp giữa Hội LHPN tỉnh với các sở, ngành có nơi chưa chặt chẽ, còn lúng túng, vướng mắc dẫn đến quy trình lập, phê duyệt kế hoạch, dự toán ngân sách và tổ chức thực hiện hoạt động của Dự án tại một số tỉnh còn chậm, muộn, tiêu biểu như Điện Biên, Sóc Trăng, Sơn La và một số tỉnh phía Nam (trừ Cà Mau, Bình Phước).

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hướng dẫn triển khai thực hiện Dự án 8; đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1719/QĐ-TTg và các văn bản quy định chung của Chương trình. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động theo định hướng của Chiến lược truyền thông về bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số giai đoạn 2023 - 2025; chú trọng truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đại diện Vụ Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) phát biểu tại cuộc họp
Đại diện Vụ Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) phát biểu tại cuộc họp

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã có những thảo luận đánh giá, đưa ra các giải pháp để thực hiện hiệu quả Dự án 8 trong thời gian tới.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thức - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG 1719 cho biết: Để thực hiện hiệu quả Dự án 8, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với Hội LHPN Việt Nam ký kết chương tình phối hợp, tổ chức hội thảo, tập huấn, phối hợp kiểm tra, giám sát thực hiện Dự án 8.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thức, vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về cơ chế đặc thù để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc sẽ tạo thuận lợi cho địa phương thực hiện các Dự án của Chương trình.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga, Trưởng ban Điều hành Dự án 8 đánh giá cao những ý kiến đóng góp ý kiến đại diện của các bộ, ngành. Bà Hà Thị Nga mong muốn các bộ, ngành tiếp tục phối hợp với Hội LHPN Việt Nam triển khai thực hiện các nội dung liên quan. Bà Hà Thị Nga, đề nghị các đơn vị thuộc Hội tiếp thu, rà soát, tăng cường phối hợp với địa phương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để thực hiện hiệu quả Dự án 8. 

Tin cùng chuyên mục
Thúc đẩy bình đẳng giới vùng DTTS và miền núi: Những vấn đề đặt ra từ Dự án 8: Thay đổi cách tiếp cận cùng lộ trình dài hơi (Bài cuối)

Thúc đẩy bình đẳng giới vùng DTTS và miền núi: Những vấn đề đặt ra từ Dự án 8: Thay đổi cách tiếp cận cùng lộ trình dài hơi (Bài cuối)

Sau 4 năm triển khai thực hiện, Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” đã đạt nhiều kết quả tích cực, hoàn thành nhiều chỉ tiêu, mục tiêu cốt lõi của Dự án. Tuy nhiên, mục tiêu của Dự án 8 không chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới mà còn hướng đến việc chăm lo, hỗ trợ đời sống vật chất và tinh thần cho phụ nữ và trẻ em DTTS tại các địa bàn đặc biệt khó khăn. Vì vậy, cần có sự quan tâm giải quyết có hệ thống thì mới có hiệu quả lâu dài, bền vững.