Chú trọng đầu tư hạ tầng, hỗ trợ sản xuất
Năm 2020, từ nguồn vốn 200 triệu đồng Chương trình 135, xã Hòa Mục đầu tư bê tông hóa đường liên thôn Tân Khang - Mỏ Khang. Con đường đã tạo điều kiện cho Nhân dân hai thôn ĐBKK đi lại, thông thương thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội (KT-XH).
Bà Bàn Thị Ghến, người dân thôn Tân Khang cho biết: “Nhiều năm nay, bà con đi lại rất vất vả do đường dốc cao, đất đá lởm chởm, việc sản xuất hay vận chuyển nông sản cũng không mấy thuận tiện. Được Nhà nước đầu tư bê tông, tuyến đường liên thôn đã giúp cho bà con đi lại thuận tiện. Gia đình tôi có khoảng 2ha ruộng cấy lúa, giáp với thôn Mỏ Khang nay đã có thể vận chuyển phân bón và thu hoạch dễ dàng”.
Cùng với hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, huyện Chợ Mới triển khai thực hiện hiệu quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; nhân rộng mô hình giảm nghèo…
Gia đình anh Bàn Văn Huyên, ở xã Yên Hân là một trong số hàng trăm hộ dân được hưởng lợi từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Năm 2016, sau thời gian dài vật lộn với gánh nặng cơm áo gạo tiền, cái nghèo đeo bám quanh năm, anh Huyên được chính quyền hỗ trợ 35 triệu đồng và tham gia lớp tập huấn chăn nuôi gà sinh học từ nguồn vốn của Chương trình 135.
Được hỗ trợ cả về vốn và kỹ thuật, anh Huyên đầu tư xây dựng khu chăn nuôi, với quy mô hơn 200 con gà đen bản địa. Nhờ tuân thủ đúng quy trình sản xuất, thực hiện tốt vấn đề an toàn dịch bệnh, ngay trong lứa đầu tiên, đàn gà phát triển tốt, anh Huyên đã thu về khoản lãi gần 30 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Sau 5 năm đầu tư, từ một khu chăn nuôi nhỏ, anh Huyên đã xây dựng thành công khu trang trại tổng hợp rộng hơn 1ha, nuôi gần 3.000 con gà, doanh thu bình quân đạt trên 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 5 lao động địa phương, với mức lương trên 3 triệu đồng/người tháng.
Trong giai đoạn 2016-2020, từ nguồn vốn Chương trình 135 huyện Chợ Mới đã đầu tư xây dựng mới 126 công trình giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, nước sinh hoạt, điện và 12 công trình được đầu tư chuyển tiếp; duy tu bảo dưỡng 115 công trình các loại, với tổng vốn đầu tư trên 49 tỷ đồng. Trong hỗ trợ sản xuất, huyện đã triển khai 78 dự án phát triển chăn nuôi, trồng trọt với hàng nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào DTTS hưởng lợi.
Góp phần xóa đói giảm nghèo
Song song với việc đầu tư hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho người dân cũng được huyện quan tâm, triển khai. Các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể của đồng bào DTTS được bảo tồn, phát huy. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai rộng khắp; tình hình an ninh trật tự trong vùng đồng bào DTTS ổn định; công tác tôn giáo, tín ngưỡng luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp quan tâm.
Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn trong huyện Chợ Mới đã có thay đổi rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước nâng lên. Đến nay, thu nhập bình quân toàn huyện đạt trên 34 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 13 triệu đồng so với năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm còn 14,73%, giảm hơn 8% so với 5 năm trước.
“Trong thời gian tới, huyện Chợ Mới tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS phát huy nội lực, nỗ lực vươn lên thoát nghèo; tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả các chính sách cho đồng bào DTTS. Huyện phấn đấu đến năm 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%”, ông Hoàng Nguyễn Việt, Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới cho biết.