Trước đây, mỗi năm gia đình ông Khoàng Văn Cóm, ở bản Mường Toong 3, xã Mường Toong chỉ sản xuất được 2 vụ lúa, vừa đủ nuôi sống gia đình. Từ khi được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình ông vươn lên trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi của xã.
Ông Cóm tâm sự: Tôi được tiếp thu kiến thức từ các lớp tập huấn của xã, của huyện về áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi và trồng trọt; phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Ngoài ra, tôi còn được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế. Đến nay, mỗi năm gia đình có thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng từ trồng trọt, chăn nuôi.
Theo bà Pờ Mỳ Ly, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Mường Nhé, trong những năm qua, huyện luôn chú trọng việc thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cho vùng đồng bào DTTS. Bà con được hỗ trợ máy móc, mua cây, con giống và phân bón để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Đến nay, sản lượng lương thực bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 273,29kg/người/năm; thu nhập bình quân đạt 24,28 triệu đồng/người/năm, tăng 51,1% so với năm 2019. Tốc độ phát triển đàn gia súc của huyện tăng 6,85%, gia cầm các loại tăng 2,49% so với cùng kỳ năm trước… Đó là những tín hiệu đáng mừng cho thấy sự phát triển kinh tế của bà con.
Cùng với thúc đẩy phát triển kinh tế, trong thời gian qua, các cấp chính quyền huyện Mường Nhé còn phối hợp và triển khai thực hiện một số đề án, chương trình, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế phát triển. Nhờ đó, một số giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút đông đảo du khách, mang lại thu nhập, nâng cao đời sống cho Nhân dân. Riêng trong 2023, huyện Mường Nhé đón khoảng 20.000 lượt khách đến du lịch, doanh thu đạt 20 tỷ đồng.
Từ sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền huyện Mường Nhé, ý thức vươn lên của đồng bào DTTS, đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Mường Nhé đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, 100% số xã trên địa bàn huyện có đường giao thông đến trung tâm xã, có điện lưới quốc gia để sinh hoạt; tỷ lệ dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97%; 55% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp…