Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Những tỷ phú người Hà Nhì nơi biên viễn

PV - 17:44, 01/02/2018

Dăm năm trở lại đây, đồng bào Hà Nhì ở xã Sín Thầu (Mường Nhé, Điện Biên) không chỉ đón Tết “đủ” mà còn được hưởng Tết “đầy”. Ở miền biên viễn này, nơi “một tiếng gà gáy 3 nước (Việt-Trung-Lào) cùng nghe”, đã xuất hiện nhiều tỷ phú nhờ chăn nuôi đại gia súc. Từ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước cùng nỗ lực vươn lên làm giàu, người Hà Nhì ở Sín Thầu đã và đang làm thay đổi nhanh chóng diện mạo quê hương mình.

Người tiên phong

Trang trại của ông Chang Váng Sinh (70 tuổi) bản Tá Miếu, xã Sín Thầu nằm giữa thung lũng; dưới chân đỉnh Khoang Len San réo rắt tiếng suối Mo Phí chảy ngày đêm. Giữa vườn cây trái, ngôi nhà 2 tầng mới xây, diện tích cả trăm mét vuông của ông Sinh trị giá bằng cả trăm con trâu bò.

Ông Chang Váng Sinh tại Lễ tuyên dương. Ông Chang Váng Sinh tại Lễ tuyên dương.

 

Để có được cơ ngơi này, Chang Váng Sinh đã qua một thời đầy vất vả. Và, ông chính là người Hà Nhì đầu tiên ở Sín Thầu trở thành tỷ phú từ việc tiên phong chăn nuôi đại gia súc.

Ông Chang Váng Sinh kể: Từ những năm 1995 trở về trước, gia đình ông cũng như bao gia đình người Hà Nhì nơi đây, một năm có 12 tháng thì đứt bữa 6 tháng. Vào những ngày giáp hạt, cả bản rủ nhau lên rừng đào củ nâu, củ mài ăn qua ngày.

“Ngày đó, mơ ước lớn nhất của mình chỉ mong muốn làm sao gây dựng được đàn trâu, bò đông đúc, gia đình đủ cái ăn, thoát khỏi cái đói nghèo”, ông Sinh nói.

Thế rồi, mơ ước của ông cũng thành hiện thực. Năm 1998, khi Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã ĐBKK vùng DTTS và miền núi theo Quyết định 135/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 135) được triển khai, gia đình ông được giao cho 10 con bò sinh sản, nuôi trong 3 năm. Đến năm 2001, ông hoàn trả 10 con bò “F1” để dự án giao cho hộ khác nuôi, ông vẫn còn 15 con bò giống “F2” cùng 5 con trâu của gia đình nuôi từ trước.

Từ nền tảng này, ông Sinh đã gây dựng nên đàn trâu bò đông nhất, nhì ở vùng Tây Bắc. Đến nay, đàn trâu, bò của ông lên đến 200 con. Với giá trung bình 20 triệu đồng/con thì tính sơ sơ ông cũng có trong tay tới cả 4 tỷ đồng.

Đáng quý hơn, không chỉ làm giàu cho mình mà Chang Váng Sinh còn giúp đỡ nhiều gia đình trong bản thoát nghèo, vươn lên khá giả. Bất cứ ai muốn nuôi trâu, bò đều được ông giúp vốn, giống, kinh nghiệm nuôi.

Đàn trâu, bò của ông Chang Váng Sinh. Đàn trâu, bò của ông Chang Váng Sinh.

 

Như trường hợp của ông Sừng Gò Tư hay anh Lý Ha Tư cùng bản Tá Miếu, được ông Sinh giúp đỡ kinh nghiệm nuôi trâu, bò sinh sản, giờ thu nhập hằng năm của hai gia đình cũng từ 40- 50 triệu đồng/năm. Thậm chí, đối với những hộ gặp khó khăn, ông Sinh còn đem bò của mình cho họ mượn để chăn nuôi, phát triển kinh tế.

Với những đóng góp tích cực của mình trong cộng đồng, ông Chang Váng Sinh đã được bầu là Người có uy tín của bản Tá Miếu. Tháng 12/2017, tại Lễ vinh danh Người có uy tín, nhân sĩ, trí thức và doanh nhân tiêu biểu DTTS toàn quốc lần thứ Nhất được tổ chức tại Hà Nội, ông Sinh vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Thêm nhiều tỷ phú

Ở xã Sín Thầu, việc các hộ đồng bào Hà Nhì chủ động vận dụng nguồn hỗ trợ để vươn lên khá giả không còn là chuyện hiếm. Trong đó, có những hộ như gia đình ông Sùng Phì Sinh (bản Tả Kố Khừ); gia đình ông Pờ Dần Sinh, Sừng Sừng Khai (bản A Pa Chải),… nhờ chăn nuôi đại gia súc mà trở thành tỷ phú.

Ông Sùng Phì Sinh chia sẻ: Hơn 10 năm trước, gia đình ông chỉ có vài con trâu, bò. Là trụ cột gia đình, ông thức khuya dậy sớm cùng các thành viên trong gia đình chăn nuôi, phát triển đàn gia súc. Từ việc chỉ có vài con trâu, bò, đến nay gia đình ông đã sở hữu hơn trăm con trâu, bò.

Gia đình các ông Pờ Dần Sinh, Sừng Sừng Khai (bản A Pa Chải) hiện cũng có đàn trâu, bò từ 80-200 con/hộ. Các hộ này luôn hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong chăm sóc đàn trâu, bò, nhất là việc tiêm vắc xin phòng bệnh, đưa vào nơi an toàn tránh mưa bão, giá rét nên không xảy ra dịch bệnh, đàn trâu bò luôn ổn định. Thu nhập khá từ phát triển chăn nuôi trâu, bò; các gia đình này đều làm được nhà ở đẹp, khang trang, có đời sống vật chất tinh thần tốt, con em có điều kiện học tập.

Theo ông Nguyễn Vũ Phan, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu, cùng với nỗ lực vươn lên của bà con, thì nguồn lực đầu tư hỗ trợ của Nhà nước và nguồn lực xã hội hóa (Chương trình 30a, Chương trình 135, bò giống do Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel)...), mỗi năm có thêm hàng chục hộ tại địa phương có thu nhập từ chăn nuôi đại gia súc, giúp họ thoát nghèo bền vững.

“Xã có 7 bản, 310 hộ, 1.370 nhân khẩu, đa phần là bà con dân tộc Hà Nhì sinh sống, thu nhập bình quân của bà con đạt 26 triệu đồng/năm. Đây sẽ là động lực để Sín Thầu phấn đấu về đích Chương trình Xây dựng nông thôn mới quốc gia năm 2020”, ông Phan phấn khởi nói.

Chia tay Sín Thầu tôi hiểu rằng để nhận thức đúng tiềm năng, thế mạnh của địa phương, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế trang trại theo hướng bền vững không chỉ có chính quyền mà phải từ chính người dân. Bài học quý trong phát triển kinh tế ở Sín Thầu đó là, việc chủ động thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại chế độ, chính sách của Nhà nước, chủ động tìm hướng phát triển kinh tế. Sự xuất hiện của những tỷ phú vùng biên viễn không chỉ góp phần dựng xây cuộc sống của đồng bào nơi vùng cao no ấm mà còn vì sự bình yên nơi vùng biên Tổ quốc.

Sín Thầu là một xã biên giới vùng cao nằm ở phía cực Tây Bắc của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, là nơi có ngã ba biên giới. Ngoài mô hình trồng cây sa nhân dưới tán rừng, thì chăn nuôi đại gia súc vẫn là hướng phát triển kinh tế chủ lực của địa phương.

DOÃN KIÊN

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.