Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Triển khai Đề án 79 ở Mường Nhé: Bao giờ người dân được an cư?

PV - 15:26, 17/08/2018

Ngày 12/1/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 79 về việc phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên (gọi tắt là Đề án 79). Theo đó, mục tiêu của Đề án sẽ bố trí, sắp xếp và ổn định đời sống cho 12.205 hộ với 68.318 nhân khẩu thuộc 171 bản, 14 nhóm dân hiện có. Đến năm 2020, toàn vùng Đề án có 13.434 hộ với trên 7,4 vạn người thuộc 219 bản được định canh, định cư và số hộ nghèo giảm từ trên 75% xuống còn 55%… Tuy nhiên, đến nay cuộc sống của các hộ dân tại một số bản tái định cư vẫn gặp nhiều khó khăn, thậm chí có bản tái định cư còn thiếu đất sản xuất và thiếu hạ tầng cơ sở… ?

Khó khăn chồng chất

Chúng tôi đến bản tái định cư Tân Phong, xã Mường Nhé, nơi có 45 hộ đồng bào Mông di chuyển về đây ở từ cuối năm 2017. 45 hộ trên tổng số 77 hộ này trước đây di cư tự do từ các nơi về sinh sống tại khu vực Tá Phì Chà, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé. Đây là khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn đặc biệt xung yếu, quan trọng về quốc phòng, an ninh. Do vậy, thực hiện theo Đề án 79, các cấp ủy, chính quyền đã rất nỗ lực khi phải mất nhiều năm tuyên truyền vận động các hộ nơi đây di chuyển về các điểm tái định cư.

Việc di chuyển thành công được 77 hộ khu vực Tá Phì Chà về các điểm tái định cư, trong đó có 45 hộ về tái định cư tại bản Tân Phong được đánh giá là một “kỳ tích” đầy nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp ở Điện Biên. Bởi vùng Tá Phì Chà từng được biết đến với biệt danh là “xóm liều” với những người dân bị kẻ xấu lợi dụng gây mất ổn định an ninh chính trị, nơi không đường, không điện, không nước sinh hoạt, không giáo dục và y tế… Thế nhưng, đến nay đời sống của các hộ tại các điểm tái định cư, trong đó có điểm Tân Phong đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có nhiều hộ đang có ý định chuyển về nơi ở cũ…

Bản tái định cư Tân Phong, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé. Bản tái định cư Tân Phong, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé.

Cũng bởi vừa ngớt mưa mấy hôm trước nên nước ở con suối Nậm San ngăn cách giữa bờ bên này với bản tái định cư Tân Phong đục ngầu phù sa. Để sang được với bên kia bản chỉ còn mỗi cách là tìm chỗ nước thấp, không siết để lội qua. Đây cũng là cách đi lại kể từ khi 45 hộ về đây tái định cư theo Đề án 79. Chỉ tay sang phía bên kia của bản, anh Vàng Văn Tuấn, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện, bảo: Nước như này mới chỉ quá đùi. Vào mùa nước to không thể đi lại được, chỉ có người nào biết bơi mới dám qua.

Đến đầu bản đã thấy anh Giàng A Sáu, Trưởng nhóm điểm tái định cư Tân Phong ra đón. Đưa chúng tôi đi thăm quan một vòng bản, anh Sáu chia sẻ: Đến thời điểm này, các hộ trong bản tâm tư lắm, nhiều hộ không muốn ở đây nữa mà muốn trở về nơi ở cũ. Lý do bà con không muốn ở đây là vì thiếu đất sản xuất, bà con chưa được hưởng lợi các công trình dân sinh. Đến ngay như cầu dân sinh bắc qua suối Nậm San cũng chưa đầu tư xây dựng cho người dân. Mùa nước cạn thì cũng ngập quá đùi người lớn, còn mùa nước to thì phải là người biết bơi và phải gan lắm mới dám bơi qua. Có thời điểm, nước to quá phải dùng dây bắt từ bên này qua bên kia để chuyển lương thực, thực phẩm. Bà con trong bản cũng kiến nghị nhiều lắm rồi. Mong tỉnh, huyện sớm đầu tư cầu treo qua suối cho bản, chứ đi lại như này vừa vất vả vừa nguy hiểm…

Gần trung tâm bản, khu vực mấy dãy nhà xây cấp 4 là lớp học cắm bản bậc tiểu học và mầm non. Tại đây, chúng tôi bắt gặp một người đàn ông đang đứng ở hành lang với vẻ mặt đăm chiêu ngó nghiêng vào các phòng học. Hỏi ra được biết ông là Thào A Của, Giám đốc Công ty TNHH Cường Công Mường Nhé, một trong số ít người Mông có doanh nghiệp xây dựng ở nơi vùng biên này. Hỏi mới biết, 2 nhà lớp học cùng các công trình phụ trợ ở đây do doanh nghiệp ông xây dựng xong từ năm 2016. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa đưa vào bàn giao và sử dụng do nhà đầu tư chưa có vốn trả cho doanh nghiệp. Do vốn chưa được cấp, trong khi công trình đến nay đã bị hư hỏng do không có người trông coi. Cũng bởi vậy, doanh nghiệp vẫn chưa bàn giao các công trình này cho bản sử dụng.

Chờ đến bao giờ?

Đề án 79 được Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt tại Quyết định số 79 ngày 12/1/2012. Tuy nhiên, do thực hiện chậm tiến độ không hoàn thành đúng thời gian nên UBND tỉnh Điện Biên đã có Đề án điều chỉnh tại Quyết định số 38 ngày 7/4/2017. Trong đó, phạm vi điều chỉnh vùng Đề án gồm 21 xã thuộc huyện Mường Nhé và huyện Nậm Pồ, thời gian thực hiện Đề án điều chỉnh đến hết năm 2020. Thời gian thực hiện hỗ trợ đời sống và xây dựng cơ sở hạ tầng đến năm 2018, thời gian thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất đến năm 2020.

Nguyên nhân của việc phải phê duyệt điều chỉnh, bổ sung phương án là do: Việc giải phóng mặt bằng, bố trí dân cư, bố trí đất sản xuất còn chậm, một số điểm bản phải điều chỉnh bổ sung quy hoạch tại nhiều điểm bản, như: Nậm Kè 2, Mường Toong 4,5,6,7,8,10, Mường Nhé 1,2… Cùng với đó thì tình trạng di cư tự do đến tập trung tại một số điểm gây khó khăn cho công tác thực hiện giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, bố trí dân cư, bố trí đất ở, đất sản xuất.

Lý giải về những khó khăn đang gặp phải tại các điểm tái định cư, ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, cho biết: Theo tiêu chí Đề án 79 đề ra, mỗi hỗ được hỗ trợ tối thiểu 2ha, nhưng đến nay vẫn không thực hiện được do thiếu quỹ đất. Cùng với đó, sau khi điều chỉnh dự án thì nhu cầu vốn cần bổ sung là 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay sau 3 năm điều chỉnh vẫn chưa được bố trí vốn. Do vậy, việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cũng như kinh phí phục vụ công tác ổn định tái định cư gặp rất nhiều khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tới quá trình truyên truyền, vận động nhân dân cũng như công tác ổn canh ổn cư cho các hộ tại các điểm bản tái định cư theo Đề án 79. Thậm chí có những bản đã xây dựng xong một số hạ tầng thiết yếu nhưng do chưa có vốn nên công trình chưa được bàn giao cho các bản hoặc đang đầu tư dở dang phải dừng lại.

Được biết, sau 7 năm triển khai thực hiện, tỉnh Điện Biên đã hoàn thành được các điểm quy hoạch, sắp xếp, ổn định dân cư, truyên truyền theo mục tiêu. Trong đó, đã tổ chức tuyên truyền, vận động được 1.647 hộ ổn định tái định cư tại các điểm. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là Trung ương chưa bố trí đủ vốn cho tỉnh triển khai Đề án.

Trước những khó khăn trên, Huyện cũng đã cho rà soát lại và kiến nghị với Ban Chỉ đạo tỉnh để đề xuất, kiến nghị với Trung ương cấp vốn đầu tư theo thứ tự ưu tiên, nhằm đảm bảo ổn định đời sống nhân dân các điểm bản tái định cư, tránh việc người dân không bỏ về nơi ở cũ. “Trước mắt, huyện sẽ tận dụng các nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án cũng như kinh phí từ việc đấu giá quyền sử dụng đất tại địa bàn để ưu tiên đầu tư hạ tầng thiết yếu cho các điểm tái định cư như bản Tân Phong”, ông Lù Văn Thanh cho biết thêm.

Có thể khẳng định, Quyết định số 79 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển KT-XH, bảo đảm QP, AN huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên là một trong những chính sách lớn, hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước trong việc quan tâm đầu tư cho tỉnh Điện Biên nói chung, huyện Mường Nhé nói riêng. Do vậy, để tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, góp phần hoàn thành được mục tiêu của Đề án đã đề ra, rất mong Chính phủ cũng như các bộ, ngành trung ương quan tâm giải quyết, nhất là việc bố trí, sắp xếp nguồn vốn triển khai thực hiện…

QUỐC TUẤN

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.