Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chính sách Bảo vệ và phát triển các DTTS rất ít người: Đánh giá toàn diện để phát huy hiệu quả

Sỹ Hào - 11:28, 20/05/2020

Để bảo vệ và phát triển các DTTS rất ít người, nhiều chính sách đã được triển khai và đã có những kết quả nhất định. Nhưng việc tổ chức đánh giá tác động của chính sách, từ đó rút kinh nghiệm cho các đề án khác vẫn còn một khoảng trống.

Đời sống của đồng bào DTTS rất ít người còn nhiều khó khăn. (Trong ảnh: Một góc bản đồng bào Mảng ở Lai Châu)
Đời sống của đồng bào DTTS rất ít người còn nhiều khó khăn. (Trong ảnh: Một góc bản đồng bào Mảng ở Lai Châu)

Chính sách liên tục mở rộng

Mấy chục năm qua, cùng với chính sách chung cho đồng bào DTTS, như: 134, 135, 30a… nhiều chính sách riêng, đặc thù nhằm bảo vệ và phát triển các DTTS rất ít người đã được triển khai. Theo từng giai đoạn, các chính sách đặc thù này liên tục được mở rộng cả về đối tượng thụ hưởng, địa bàn và lĩnh vực.

Cụ thể, giai đoạn 2005 - 2010, các DTTS có dân số dưới 1.000 người (Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ-đu) đã được triển khai trên địa bàn 13 thôn, bản của 5 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An, Hà Giang và Kon Tum. Sang giai đoạn 2010 - 2015, vùng đồng bào dân tộc Mảng, Cống, Cờ Lao, La Hủ được thụ hưởng chính sách đặc thù theo Quyết định 1672/QĐ-TTg ngày 26/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Cũng trong giai đoạn 2010 - 2015, các DTTS rất ít người được hỗ trợ phát triển giáo dục, được quy định tại Quyết định số 2123/QĐ-TTg, ngày 22/11/2010.

Ngày 31/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2086/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025. Thực hiện quyết định này, 16 DTTS rất ít người (dưới 10.000 người) sinh sống, tập trung trên địa bàn 93 xã, thuộc 37 huyện của 12 tỉnh được đầu tư, hỗ trợ để phát triển KT-XH. Ngoài ra, từ tháng 7/2017, học sinh, sinh viên thuộc DTTS rất ít người còn được hỗ trợ học tập theo Nghị định số 57/2017/NĐ-CP, ngày 9/5/2019 của Chính phủ.

Mới đây, ngày 10/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 499/QĐ-TTg (QĐ 499) phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và phát triển các DTTS rất ít người giai đoạn 2021 - 2030”. Theo Chương trình này, 16 DTTS rất ít người sinh sống tập trung trên địa bàn 12 tỉnh (Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Kon Tum) sẽ được hỗ trợ để nâng cao chất lượng dân số.

Thiếu đánh giá

Việc liên tục bổ sung đối tượng, lĩnh vực đầu tư, hỗ trợ là một nỗ lực rất đáng ghi nhận của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu bảo vệ và phát triển các DTTS rất ít người. Nhưng một điểm dễ nhận thấy nhất là, hầu hết các chính sách đặc thù triển khai ở vùng đồng bào DTTS rất ít người đều chưa thực hiện một nội dung quan trọng là, tổ chức tổng kết khi chính sách đã hoàn thành, sơ kết khi chính sách đã triển khai được 1/2 chặng đường.

Vì vậy, sau hàng chục năm thực hiện đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào các DTTS rất ít người nhưng hiện chưa có báo cáo nào đánh giá toàn diện tác động của các chính sách này. Mặt khác, hầu hết các chính sách đầu tư, hỗ trợ các DTTS rất ít người đều không ghi rõ nguồn lực thực hiện; trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương liên quan. Điều này khiến các địa phương có địa bàn triển khai chính sách lúng túng, khi vốn không được bố trí thực hiện là cứ trông chờ Trung ương hướng dẫn.

Những hạn chế này đã được khắc phục trong Chương trình “Bảo vệ và phát triển các DTTS rất ít người giai đoạn 2021 - 2030” theo QĐ 499. Trong QĐ 499, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ủy ban Dân tộc làm đầu mối chỉ đạo, đồng thời tổ chức sơ kết 5 năm và tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình. QĐ 499 cũng ghi rõ, kinh phí thực hiện Chương trình thuộc nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án có liên quan khác theo Luật Ngân sách nhà nước.

Chính sách theo QĐ 499 chỉ mới chú trọng lĩnh vực dân số của các DTTS rất ít người. Nhưng với cách làm khoa học, cụ thể trong QĐ 499 là một kinh nghiệm cần thiết để áp dụng cho việc xây dựng các cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng DTTS và miền núi trong thời gian tới đây.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.