Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thực hiện Quyết định 2086: Góp phần thay đổi sinh kế người Lô Lô

Minh Thu - 21:50, 23/03/2020

Với Quyết định số 2086/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội ((KT-XH) các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025, tỉnh Cao Bằng được phân bổ 8,4 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất cho đồng bào Lô Lô tại hai huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc. Đây là những tín hiệu bước đầu, hứa hẹn giúp đồng bào Lô Lô vươn lên.

Cán bộ Phòng Dân tộc huyện Bảo Lạc trao đổi, nắm tình hình đời sống đồng bào dân tộc trên địa bàn.
Cán bộ Phòng Dân tộc huyện Bảo Lạc trao đổi, nắm tình hình đời sống đồng bào dân tộc trên địa bàn

Năm 2019, gia đình anh Hoàng Văn Phúng, xóm Cà Đổng, xã Đức Hạnh được hỗ trợ trên 300 cây quế và cây hồi giống để trồng và chăm sóc. Anh Phúng cho biết: Hồi, quế là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc và cho thu nhập ổn định. Được Nhà nước đầu tư, gia đình tôi có cơ hội để mở rộng sản xuất, xóa đói giảm nghèo từ cây hồi.

Triển khai Quyết định 2086, 107 hộ dân trong xóm Cà Đổng sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ để trồng hồi, quế và phát triển chăn nuôi. Gia đình anh Phúng là 1 trong số 20 hộ đầu tiên ở xóm Cà Đổng được hỗ trợ cây, con giống để đưa vào sản xuất từ năm 2019.

Theo tính toán của các chuyên gia nông nghiệp, sau 3 - 4 năm chăm sóc, mỗi ha lá hồi chưng cất được khoảng 300 lít tinh dầu. Với giá bán bình quân 200 - 240 nghìn đồng/lít, cây hồi có thể giúp nhiều hộ đồng bào có thu nhập, xóa đói giảm nghèo vì đầu ra của tinh dầu hồi hiện rất ổn định.

Ở xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc có 222 hộ dân tộc Lô Lô, với 1.067 khẩu, sống tại 5 xóm, đời sống sinh hoạt của đồng bào còn rất khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 6 - 7 triệu đồng/người/năm. Thiếu đất sản xuất là hiện trạng chung trên địa bàn. Bởi thế, lương thực bình quân đầu người chỉ đạt 370kg/người/năm. Mấy năm gần đây, đồng bào dân tộc Lô Lô ở đây đã thuê máy móc khai hoang đất ruộng để canh tác thêm cây trồng khác.

Ông Chung Văn Sấn, ở xóm Khau Cà: Thời gian qua, một số hộ Lô Lô ở xóm đã phát triển trồng dâu, trồng hồi, tuy nhiên đầu ra vẫn còn tự phát. Do đó, Nhà nước cần có phương án hỗ trợ đầu ra để bà con yên tâm canh tác.

Theo ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, Quyết định 2086 được phê duyệt từ năm 2016, nhưng tới tận cuối năm 2019, tỉnh Cao Bằng mới được phân bổ kinh phí. Ngay khi được phân bổ kinh phí, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã lập đoàn công tác, đi khảo sát tình hình thực tế đời sống KT-XH đồng bào dân tộc Lô Lô tại hai huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc. Trước mắt, tỉnh xác định sẽ đầu tư phát triển sản xuất tại 11 xóm, trọng điểm là 3 xóm: Khau Cà, xã Hồng Trị; xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (huyện Bảo Lạc) và xóm Cà Đổng, xã Đức Hạnh (huyện Bảo Lâm). Mỗi xóm được hỗ trợ 500 triệu đồng đầu tư trồng cây hồi, cây sở lấy tinh dầu, vì đây là những loại cây trồng hợp khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Trong năm 2020, tỉnh Cao Bằng triển khai thực hiện hỗ trợ bò thịt, đầu tư làm đường giao thông nông thôn, đường nước sinh hoạt và nhà sinh hoạt cộng đồng tại 11 xóm. Ban Dân tộc tỉnh sẽ có kế hoạch làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cao Bằng để hỗ trợ đồng bào Lô Lô được vay vốn với lãi suất thấp, đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi.

“Việc thực hiện Quyết định 2086/QĐ-TTg (giai đoạn 2016 - 2025) đang giúp đồng bào dân tộc Lô Lô thay đổi dần tập quán sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Chúng tôi tin tưởng rằng, trong năm 2020 và những năm tiếp theo, việc thực hiện Quyết định sẽ góp phần thay đổi đáng kể đời sống đồng bào dân tộc Lô Lô trên địa bàn”, ông Bế Văn Hùng khẳng định.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.