Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đón Tết ở Lô Lô Chải

PV - 19:16, 05/02/2018

Từ đỉnh núi nơi dựng cột cờ Lũng Cú (thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang) nhìn xuống, thôn Lô Lô Chải đẹp như một bức tranh thuỷ mặc. Toàn thôn hiện có 96 hộ dân, với 453 nhân khẩu đa phần là đồng bào DTTS Lô Lô sinh sống. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, thôn Lô Lô Chải lại rộn ràng với những phong tục tập quán vô cùng độc đáo của đồng bào Lô Lô.

Ấm lòng ngày Xuân

Ở thôn Lô Lô Chải, đồng bào dân tộc Lô Lô chuẩn bị Tết từ hôm 28-29 tháng Chạp. Mọi nhà đều quét dọn nhà cửa sạch sẽ với ý nghĩa tống khứ những rủi ro, uế tạp của năm cũ và chuẩn bị đón tài lộc năm mới.

Thiếu nữ mùa Xuân. Thiếu nữ mùa Xuân.

 

Đến chiều 30 Tết, theo phong tục, người Lô Lô thường tổ chức bữa cơm sum họp của cả nhà. Tất cả các thành viên trong gia đình đều được gia chủ tổ chức cúng sức khỏe, gọi hồn (hồn sống) về với ông bà, cha mẹ, vợ con, anh em sum họp đầy đủ để đón mừng năm mới. Đàn ông, con trai cúng bằng gà mái; đàn bà, con gái cúng bằng gà trống.

Hôm đó là ngày “niêm phong” cho tất cả những gì thuộc về gia đình. Từ cái cuốc, cái xẻng, con dao, cái rựa, cái cày, cái bừa, cây cối quanh nhà, chuồng trại... đều được dán giấy quét màu vàng hay màu bạc để các vật này được nghỉ Tết và con người không được chạm đến hay di chuyển đi nơi khác.

Giao thừa là đêm nhộn nhịp nhất trong năm, cả bản đều thức. Các cụ bà cùng các cháu bé bên bếp lửa hồng với nồi bánh chưng và kể chuyện râm ran. Các cụ ông thì nhâm nhi chén rượu; thanh niên, thiếu nữ thì đi qua các nhà để xin lộc bằng cách “lấy trộm” vài thanh củi, mấy ngọn rau hay vài cành ngô khô đem về nhà. Khắp nơi hương khói, trong nhà đèn sáng tỏ, ngoài đường thắp lên những ngọn đuốc sáng rực. Thanh niên và trẻ con đổ ra các ngả đường và tập trung ở các sân chơi để chờ gà gáy sáng.

Theo phong tục, người Lô Lô đón năm mới bắt đầu từ tiếng gà gáy đầu tiên trong bản. Bất kể là gà nhà ai, miễn là ở trong làng có một con gà cất tiếng gáy đầu tiên là chủ gia đình gọi mọi người đón mừng năm mới. Chủ nhà thắp hương lên bàn thờ, quỳ lạy cúng khấn tổ tiên, mời các cụ trong dòng họ qua các đời về với con cháu ăn Tết. Trong gia đình cử người đi gánh nước, người thì cho lợn ăn, khua hết các con vật dậy, tiếng heo kêu, chó sủa, ngựa hí vang làm ầm ĩ, náo nhiệt cả làng.

Tết của người Lô Lô cũng là thời gian đoàn tụ của những người trong nhà. Theo tập quán, dù ai đi bất cứ đâu, làm bất cứ nghề gì, hằng năm mỗi khi Tết đến đều mong muốn trở về sum họp gia đình và tạ ơn tổ tiên. Người Lô Lô có câu: “Sống nhớ về tổ tiên, mồ mả chứ không phải sống vì món ăn”, cho nên, ngoài quan niệm vật chất còn có phần tâm linh, đó là mồ mả, bát hương thờ cúng ông bà, cha mẹ.

Vào ngày đầu Xuân, năm mới các cụ cao niên trong làng thường kể lại cho con cháu về truyền thuyết rồng thiêng, nơi rồng thiêng xuất hiện được gọi là núi Rồng (chính là nơi có cột cờ Lũng Cú ngày nay) hai hồ nước hai bên chính là “Long nhãn rồng”, tức là mắt của rồng. Người Lô Lô được núi Rồng che trở, được hồ nước là mắt rồng cung cấp nước, từ vài ba hộ nay đã trở thành ngôi làng trù phú với gần 100 nóc nhà.

Cuộc sống đổi thay

Ông Sình Dỉ Gai, Trưởng thôn Lô Lô Chải cho biết: Lô Lô Chải là một thôn nằm dưới chân Cột cờ quốc gia Lũng Cú, có hai dân tộc là người Mông và Lô Lô chung sống. Với địa hình vùng cao núi đá, đường giao thông đi lại đặc biệt khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, nên đồng bào DTTS nơi đây sinh sống chủ yếu theo phương thức tự cung tự cấp bằng nghề trồng ngô, lúa và hoa màu.

Thôn Lô Lô Chải nhìn từ cột cờ Lũng Cú. Thôn Lô Lô Chải nhìn từ cột cờ Lũng Cú.

 

Những năm qua, thôn Lô Lô Chải đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; ăn ở hợp vệ sinh, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, các làn điệu dân ca của dân tộc. Bình quân sản lượng lương thực đầu người của thôn Lô Lô Chải hiện đạt 452kg/người/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 16,5 triệu đồng/người/năm; không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 30%.

Trong Ngày hội đại đoàn kết dân tộc (tháng 11/2017) được tổ chức tại thôn Lô Lô Chải, vui mừng trước cuộc sống đổi thay của đồng bào Lô Lô nơi đây, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng đã nói: Đồng bào thôn Lô Lô Chải đã luôn cố gắng, đoàn kết trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Nhưng muốn để thôn Lô Lô Chải ngày càng phát triển, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, cộng đồng dân cư không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức, đồng lòng cần tích cực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Chú trọng xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo vệ sinh môi trường. Tăng cường thực hiện dân chủ tại địa phương, mọi người dân được bàn bạc và tham gia hoạt động của cộng đồng. Đặc biệt là giữ gìn truyền thống văn hoá và những nét đẹp trong phong tục của bà con nơi địa đầu Tổ quốc.

Đón Xuân năm 2018, 96 hộ dân ở thôn Lô Lô Chải thêm niềm vui mới khi UBND tỉnh Hà Giang đang khảo sát để xây dựng nơi đây thành làng văn hóa đa trải nghiệm thay vì hình thức “homestay” như hiện nay. Với định hướng này, trong tương lai gần, Lô Lô Chải được kỳ vọng sẽ trở thành điểm sáng về du lịch trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn.

DOÃN KIÊN

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.