Lưu Thị Hòa, sinh năm 1992, là cựu sinh viên khoa Quốc tế học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn–Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau khi ra trường, Hòa có 2 năm làm việc cho các tập đoàn trong và ngoài nước, nhưng em đã từ bỏ môi trường làm việc hiện đại, chọn cho mình con đường đi riêng. Chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp, Hòa tự hào về con đường em đã chọn: “Bản thân em sinh ra và lớn lên ở mảnh đất còn nhiều gian khó, thấu hiểu những nỗi nhọc nhằn của bà con dân tộc. Cùng với sự hiểu biết về sản xuất kinh doanh nông nghiệp, sạch, hiện đại sau nhiều năm sinh sống tại Thủ đô, em quyết định thành lập HTX để khởi nghiệp từ nông nghiệp, giúp nền nông nghiệp quê hương em phát triển, mang lại cuộc sống ấm no hơn cho bà con”.
Nhận thấy điều kiện tự nhiên khí hậu, thổ nhưỡng của mảnh đất Đồng Văn thích hợp cho nhiều rau củ quả… phát triển, được nhiều du khách ưa dùng. Thế nhưng Hòa luôn trăn trở vì sản xuất nông nghiệp của bà con manh mún nhỏ lẻ, không đáp ứng đủ nhu cầu. Hơn nữa, việc sản xuất thủ công không theo quy trình cũng đang là hạn chế của nền nông nghiệp hiện đại.
Để đến với con đường khởi nghiệp, Hòa đã phải rất khó khăn để thuyết phục gia đình. Sau một thời gian quyết tâm làm đến cùng, đến tháng 10/2017, HTX Nông Lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ được thành lập với 7 thành viên. Quy mô của HTX có 2.700m2 nông trại với quy trình khép kín, trồng, sản xuất, kinh doanh một số nông sản, đặc sản, như: Mật ong bạc hà, cây ăn quả lâu năm, rau củ ngắn ngày… Thời gian qua, HTX đã tích cực tham gia vào các hội chợ, triển lãm tại nhiều vùng, miền để khảo sát, giới thiệu mở rộng thị trường. HTX cũng đã mở một chuỗi cửa hàng “Về bản” tại Hà Nội. Doanh thu từ sản xuất, kinh doanh bước đầu đạt trung bình mỗi tháng vài trăm triệu đồng.
Vừa qua, Lưu Thị Hòa và các cộng sự đã tham gia cuộc thi Dự án khởi nghiệp lần 4 năm 2018 với chủ đề “Phát triển tài nguyên bản địa bằng sức mạnh công nghệ” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cùng với các đối tác chiến lược tổ chức. Dự án Hòa mang đến cuộc thi là “Farmstay-Nông nghiệp bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số Đồng Văn-Hà Giang”. Dự án tập trung triển khai vùng trồng rau an toàn và cây ngắn ngày tại xã Phố Là, Sủng Là bước đầu là liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, khắc phục những khó khăn trong quá trình canh tác và kết nối những sản phẩm đặc sản đến với thị trường rộng lớn hơn.
Giai đoạn thứ hai, Dự án tập trung vào khai thác yếu tố văn hóa, du lịch từ nền tảng thế mạnh du lịch địa phương kết hợp nông trại đã xây dựng giai đoạn 1, tiến hành hoàn thiện cơ sở vật chất, liên kết đồng bào DTTS trong khu vực tham gia vào mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp.
Vượt qua hàng trăm dự án, cô gái dân tộc Cờ Lao đã lọt vào vòng chung kết và đạt giải khuyến khích. Với giải thưởng của cuộc thi, Hòa sẽ được đi nước ngoài thăm quan, học hỏi thêm kinh nghiệm. Có lẽ, con đường khởi nghiệp của Hòa vẫn còn nhiều những gian nan, nhưng với nhiệt huyết, đam mê, chịu khó... hy vọng Lưu Thị Hòa sẽ gặt hái được thành công.
Đến với Đồng Văn, hẳn nhiều người đã được biết đến với mảnh đất mà đồng bào DTTS “sống trên đá, chết vùi trong đá” nên đất đai để sản xuất nông nghiệp rất hạn chế, cần phải được sử dụng một cách hiệu quả. Những bước đi táo bạo của cô gái Cờ Lao đã và đang truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên DTTS ở Đồng Văn, đặc biệt là đồng bào DTTS rất ít người trên con đường khởi nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Vượt qua hàng trăm dự án, cô gái dân tộc Cờ Lao đã lọt vào vòng chung kết và đạt giải khuyến khích. Với giải thưởng của cuộc thi, Hòa sẽ được đi nước ngoài thăm quan, học hỏi thêm kinh nghiệm. Có lẽ, con đường khởi nghiệp của Hòa vẫn còn nhiều những gian nan, nhưng với nhiệt huyết, đam mê, chịu khó... hy vọng Lưu Thị Hòa sẽ gặt hái được thành công.
THANH HUYỀN