Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Cảnh báo người nhiễm HIV/AIDS tăng

PV - 21:05, 29/01/2018

Theo thống kê của Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Tủa Chùa (Điện Biên), đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 125 người nhiễm HIV/AIDS (tăng 5 người so năm 2016); chủ yếu là người nghiện các chất ma túy. Thời gian qua, huyện Tủa Chùa đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc chủ động phòng chống HIV/AIDS.

Bác sĩ Điêu Chính Thanh, Giám đốc TTYT huyện Tủa Chùa cho hay: Nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng số người nhiễm HIV/AIDS chủ yếu do người nghiện ma túy. Đa phần người nghiện ma túy sử dụng chung bơm kim tiêm và quan hệ tình dục không an toàn dẫn tới lây nhiễm HIV/AIDS.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại và cách phòng tránh lây nhiễm HIV là việc cần được triển khai thường xuyên, liên tục. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại và cách phòng tránh lây nhiễm HIV là việc cần được triển khai thường xuyên, liên tục.

 

Trong tổng số 125 trường hợp nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn huyện Tủa Chùa, có 13 người, trong năm 2017, phát hiện mới trong đó có 1 người đã chết; 4 người chuyển sang giai đoạn AIDS. Đáng lo ngại là số người nghiện trên địa bàn có dấu hiệu gia tăng (432 người nghiện có hồ sơ quản lý, tăng 10 người so với năm 2016). Đây là nguyên nhân chính dẫn đến lây lan căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

Bà Trần Thị Thu, Thư ký Chương trình Phòng chống HIV/AIDS huyện Tủa Chùa cho hay: Để giảm thiểu số trường hợp lây nhiễm, hằng năm huyện Tủa Chùa đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan và chính quyền các địa phương tổ chức xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể trên các lĩnh vực phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn ma túy, can thiệp sự lây lan của đại dịch HIV/AIDS.

Trong năm 2017, huyện đã tổ chức tuyên truyền được 863 lượt truyền thông lồng ghép, nâng cao nhận thức cho gần 12 ngàn lượt người trong việc chủ động phòng chống HIV/AIDS tại 11/12 xã, thị trấn.

Bên cạnh đó, huyện đã tổ chức truyền thông cộng đồng phòng chống HIV/AIDS lồng ghép với các buổi họp thôn được 10 buổi, thu hút 677 người tham gia. TTYT huyện cũng đã triển khai chương trình cấp phát miễn phí bao cao su và bơm kim tiêm sạch định kỳ mỗi tháng một lần, với hơn 95 ngàn bơm kim tiêm sạch; trên 12 ngàn bao cao su; tổ chức thu gom được gần 80 ngàn bơm kim tiêm đã qua sử dụng.

“Tuy nhiên, do phần lớn người nhiễm HIV đều nghiện ma túy, nơi cư trú thường không ổn định nên việc tuyên truyền, giáo dục, kiểm soát và quản lý luôn gặp nhiều khó khăn”, bà Trần Thị Thu cho biết thêm.

Ngoài ra, do người nhiễm HIV/AIDS ở Tủa Chùa còn có tâm lý mặc cảm, ngại tiếp xúc nên việc tiếp cận để tuyên truyền; điều trị cho người nghiện và người nhiễm HIV như uống Methadone, ARV ở huyện dù đã được triển khai nhưng vẫn ít người nghiện tham gia sử dụng.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền chưa sâu rộng nên việc nhìn nhận đúng về các loại thuốc điều trị của người bệnh cũng chưa đầy đủ. Bởi vậy, đa phần người bị nhiễm HIV thường bỏ giữa chừng, không điều trị ổn định lâu dài.

Thực tế cho thấy, tình trạng nghiện ma túy và sự lây lan của đại dịch HIV/AIDS ở Tủa Chùa vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Thực tế này, đòi hỏi các cấp chính quyền địa phương cần có những giải pháp tích cực, phù hợp với đặc thù của từng địa bàn, giúp người nhiễm HIV tiếp cận sớm hơn với các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, tiếp cận điều trị.

“Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông cộng đồng bằng nhiều hình thức để mọi người dân, nhất là những người nhiễm HIV/AIDS nhận biết được sự nguy hiểm của căn bệnh thế kỷ và có biện pháp phòng tránh lây nhiễm cho bản thân, gia đình và cộng đồng”, bác sĩ Điêu Chính Thanh nhấn mạnh.

MINH THU

Tin cùng chuyên mục
Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Không chỉ được tăng cường khả năng sử dụng tiếng Việt, kỹ năng tính toán, mà các học viên còn được tham dự Ngày hội giao lưu Toán, Tiếng Việt để vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn… Đây là cách làm sáng tạo trong công tác xóa mù chữ đã và đang lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ cho đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, biên giới Lạng Sơn.