"Đúng nhận, sai cãi"
Những ngày gần đây, cụm từ "đúng nhận, sai cãi" đang trở thành Hot Trend trên mạng xã hội. Theo Trend "Đúng nhận, sai cãi", nhiều TikToker đã làm lại các Clip xem bói nhưng thay vì dùng quả cau thì họ dùng loại quả khác như nho, lê, mít, thanh long...
Truy về nguồn gốc thì ra cụm từ "Đúng nhận, sai cãi" là câu cửa miệng của cô đồng Online Trương Hương ở phường Hiến Thành (thị xã Kinh Môn, Hải Dương) thường xem bói bằng cách bổ cau. Sau mỗi lần "phán" gia cảnh hay chuyện quá khứ của người đến xem bói, cô đồng Trương Hương luôn có câu "Đúng nhận, sai cãi", "Đúng nhận, sai cãi cho tôi", ý là nếu thấy cô phán đúng thì nhận, thấy sai thì phải phản hồi ngay. Tuy nhiên, người nghe luôn “đứng hình”, ngớ người vì cô nói nhanh đến chóng cả mặt, ít ai nghe kịp để còn nhận hay cãi.
Không chỉ xem số mệnh, dự đoán về công việc, tình duyên, người phụ nữ còn nói về gia thế, thậm chí chỉ đích danh họ tên các thành viên trong gia đình của người hỏi. Những Clip TikTok của cô đồng Trương Hương được chia sẻ rầm rộ và câu nói “Đúng nhận sai cãi” với ngữ khí dứt khoát, chắc nịch, tự tin lập tức được nhiều cư dân mạng nhại lại. Chỉ mới 2 tháng sau khi đăng Clip đầu tiên, tài khoản TikTok của cô đồng Trương Hương đã có hơn 150.000 lượt theo dõi.
Cần nâng cao mức xử phạt để đảm bảo tính răn đe
Mới đây (sáng 8/2), lãnh đạo UBND thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) cho biết, UBND thị xã đã giao cơ quan chuyên môn và Công an thị xã vào cuộc xác minh trường hợp cô đồng Trương Hương đăng Clip xem bói trên mạng xã hội.
Theo đại diện Công an thị xã Kinh Môn, trong trường hợp làm rõ vi phạm, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật.
Về hành vi gieo rắc mê tín dị đoan, Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hành nghề mê tín, dị đoan được hiểu là: Hành vi dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác.
Mê tín, dị đoan được hiểu là sự mù quáng, tin vào thần thánh, ma quỷ, định mệnh… không có cơ sở khoa học. Nhà nước ta cho phép và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân nhưng nghiêm cấm mọi hoạt động mê tín dị đoan nhằm đảm bảo trật tự xã hội và nếp sống văn minh xã hội chủ nghĩa.
Đối với những người có hành vi hoạt động mê tín dị đoan thì tùy vào tính chất, mức độ mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điểm đ khoản 7 Điều 14 Nghị định 38/2021 quy định xử phạt hành chính đối với việc tổ chức hoạt động mê tín dị đoan như sau: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan.
Bên cạnh đó, trường hợp người dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hành nghề mê tín dị đoan theo Điều 320 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì có thể bị phạt tù lên đến 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 - 50.000.000 đồng theo Khoản 3 Điều 320 Bộ luật Hình sự.
Hiện tại, pháp luật không quy định việc coi bói trực tiếp hay coi bói Online mới vi phạm hành chính hay cấu thành tội phạm. Bộ luật Hình sự năm 2015 còn quy định bao gồm cả “hình thức mê tín, dị đoan khác”, vì vậy có thể hiểu dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều vi phạm pháp luật, dù họ có nhận tiền hay không nhận tiền của những người xem. Những người xem bói Online đều có khả năng bị xử lý như những người thực hiện xem bói trực tiếp.
Để tránh rơi vào cạm bẫy và những lời dụ dỗ, chiêu trò của những kẻ lợi dụng tâm linh, tín ngưỡng để mê hoặc lòng người, mỗi cá nhân cần trang bị cho mình những tri thức, kỹ năng, vốn sống, vốn hiểu biết cần thiết để nhận diện, phân biệt được bản chất thật của những câu chuyện, vụ việc liên quan; giữa ranh giới của niềm tin, tín ngưỡng, phong tục truyền thống với mê tín dị đoan, lừa đảo; xây dựng thế giới quan khoa học, vững tin vào cuộc sống, không chạy trốn thực tại.
Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Hướng dẫn công chúng, nhất là giới trẻ kỹ năng sử dụng, tương tác an toàn, lành mạnh, trách nhiệm, đúng chuẩn mực trên mạng xã hội. Xử lý nghiêm minh những hành vi lợi dụng niềm tin, tín ngưỡng, tôn giáo; tự do ngôn luận để truyền bá những tư tưởng sai trái, mê tín, dị đoan, dụ dỗ người dân đi theo các nhóm tà đạo, kinh doanh tâm linh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức, lối sống của công chúng. Có như vậy mới đẩy lùi được nạn mê tín dị đoan ra khỏi cộng đồng.