Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Án mạng đau lòng chỉ vì tin bùa ngải

Thiên Đức (t/h) - 15:30, 26/11/2021

Cho đến bây giờ, trong dân gian vẫn lưu truyền những câu chuyện liên quan đến bùa ngải tại các vùng DTTS và miền núi. Và xung quanh bùa ngải là những câu chuyện về hệ lụy của nó gây ra, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nhiều gia đình đồng bào tại vùng cao.

Vùng DTTS ở Hà Quảng (Cao Bằng) vẫn tồn tại tình trạng mê tín dị đoan (ảnh minh họa)
Vùng DTTS ở huyện Hà Quảng (Cao Bằng) vẫn tồn tại tình trạng mê tín dị đoan (ảnh minh họa)

Vụ án mạng kinh hoàng

Cho đến tận bây giờ, vụ án mạng kinh hoàng “truy sát" cả gia đình anh Lưu Văn Bằng, xóm Lũng Pheo, xã Mã Ba, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, vẫn là nỗi ám ảnh với cộng đồng.

Vào một buổi trưa mùa Đông, cách đây hơn 10 năm về trước, khi vợ chồng anh Lưu Văn Bằng và 3 đứa con đang thiu thiu ngủ thì giật mình thấy tiếng la ó chửi rủa từ bên ngoài cửa. Họ chưa biết chuyện gì xảy ra, thì một trận mưa các loại chai lọ thuỷ tinh tới tấp bay vào nhà.

Lúc này, anh Bằng giục vợ và các con chạy theo lối cửa sau sang trú tại nhà em cậu. Tuy nhiên, trên đường trốn chạy, chỉ có vợ anh Bằng và 3 con thoát chết. Còn anh Bằng thì mắc kẹt ở lại. Ban đầu vợ con anh còn nghe thấy tiếng anh Bằng thều thào kêu cứu. Một lúc sau, tiếng kêu tắt lịm…

Sáng hôm sau, thông tin về vụ truy sát gia đình anh Lưu Văn Bằng được báo về Công an huyện Hà Quảng. Đây là một vụ việc có tính chất và hậu quả cực kỳ nghiêm trọng nên lực lượng Công an tỉnh Cao Bằng đã nhanh chóng có mặt tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi.

Kết quả khám nghiệm khá bất ngờ. Nguyên nhân chết của anh Lưu Văn Bằng không phải do chai lọ vỡ, lựu đạn gây ra. Các vật này chỉ đủ sức sát thương bên ngoài nạn nhân. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của anh là do nghẹt thở, có dấu hiệu bị thắt cổ. Như vậy, Ban Chuyên án nhận định, có khả năng sau khi ném lựu đạn, vẫn thấy anh Bằng sống sót và kêu cứu, các đối tượng đã xông vào nhà siết cổ nạn nhân cho đến chết.

Vén màn thần bí

Với thủ đoạn tàn nhẫn, hành vi manh động của các đối tượng gây án, ai cũng nghĩ rằng, gia đình anh Lưu Văn Bằng và các đối tượng gây án chắc chắn có thù oán sâu đậm. Thế nhưng, khi sự việc được làm sáng tỏ, lại ra một kết quả thật khó  có thể tưởng tượng ra.

Gia đình anh Bằng vốn có nghề làm thầy cúng từ nhiều đời. Bố anh là một thầy giỏi, được nhiều người trong xã quý mến và tìm đến nhờ vả. Anh Bằng cũng nhiều lần được bố cho đi theo cúng bái và truyền nghề. Đến tháng 7/2006, ông bố mất, anh Bằng chính thức nối nghề.

Tay nghề của anh Bằng cũng khá, thế nhưng dân bản cho rằng, đạo đức nghề nghiệp của anh không tốt. Anh Bằng thường xuyên uống rượu, đánh đập vợ con và chửi bới, đe dọa sẽ làm bùa ngải hại tất cả những người anh ta không thích.

Trước đây, anh Bằng là xóm trưởng xóm Lũng Pheo và được bầu vào Hội đồng nhân dân xã Mã Ba. Tuy nhiên đến đầu năm 2007, khi lấy phiếu tín nhiệm của bà con thì anh Bằng không trúng cử. Cay cú, anh Bằng từng phát ngôn nguyền rủa mọi người và dọa sẽ làm bùa phép hại tất cả.

Từ thời điểm đó tại khu vực ngã 3 Lũng Pheo, nơi gia đình anh Bằng sống, liên tục xảy ra những chuyện ngẫu nhiên không may như trâu bò chết dịch, nhiều trẻ em chết bệnh, người lớn mắc bệnh… Do trình độ hiểu biết hạn chế nên mọi người đã chĩa mũi nhọn thù hận vào gia đình anh Bằng, vì họ cho rằng chính anh ra tay làm bùa ngải hại dân làng.

Thế nhưng, khi công an vào cuộc tìm hiểu, điều tra thì những cái chết và bệnh tật bị xem là “bất thường” của người dân được làm sáng tỏ. Cháu bé thứ nhất chết vào tháng 4/2007 do bị viêm phổi cấp. Khi thấy cháu bị bệnh, gia đình không đưa lên bệnh viện tuyến trên, chỉ mua thuốc uống và đưa đến nhà anh Bằng xem bói.

Cháu bé thứ 2 lên 10 tuổi cũng bị chết, bởi căn bệnh viêm phổi cấp do gia đình chỉ đưa đi đến nhà thầy Bằng xem bói mà không chịu đưa lên bệnh viện tuyến trên. Cháu bé này là con của ông Hoàng Văn Cáo, 49 tuổi, ở xóm Lũng Bông, xã Sĩ Hai. Sau khi cháu chết, ông Cáo luôn tỏ ra thù hận với anh Bằng, cho rằng con mình đã bị anh Bằng hại chết.

Vào thời điểm cuối năm 2006, em gái của đối tượng Hoàng Văn Tín, 35 tuổi, ở xóm Lũng Pheo bỗng nhiên phát bệnh thần kinh, gia đình đã đưa đến nhà "thầy" Bằng cúng bái, chữa trị. Không hiểu "thầy" Bằng điều trị như thế nào mà bệnh của cô gái cũng có thuyên giảm chút ít. Nhưng đến năm 2007, bệnh cô lại tái phát nghiêm trọng hơn... 

Tương tự, đối tượng Lý Văn Nong cũng bị bệnh về nam khoa, đi chữa ở trạm xá không khỏi, về anh Bằng chữa mẹo có đỡ hơn nhưng sau đó lại tái phát. Tất cả những chuyện như vậy, bà con đều đổ hết nguyên nhân là do anh Bằng làm ma bệnh, bùa ngải hãm hại họ. 

Đây chính là lý do khiến cho anh Bằng bị Hoàng Văn Cáo; Lý Văn Nong; Trương Văn Thào, Nông Văn Lâm ở cùng xóm Lũng Bông; Hoàng Văn Tướng và Hoàng Văn Tín, cùng ở xã Lũng Pheo truy sát đến chết.

 Sau 4 ngày, cơ quan Công an đã nhận được khai báo của người dân và đã tìm và bắt giữ nhóm đối tượng gây án. Qua phân tích của lực lượng chức năng, lúc này người dân hiểu ra không phải do bùa ngải, mà là do người bệnh chưa được chữa dứt điểm bệnh nên tái phát lại, nhưng thật đau lòng án mạng đã xảy ra.

Qua câu chuyện trên cho thấy, tình trạng mê tín dị đoan vẫn còn len lỏi trong vùng đồng bào DTTS. Vì thế, để ngăn chặn tình trạng này, ngoài sự vào cuộc tích cực của cơ quan tố tụng xử lý nghiêm các hành vi phạm tội, chúng ta vẫn cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao dân trí để người dân nhận thức được hành vi, sự việc trong xã hội, tránh được sự mù quáng tin vào các vấn đề bùa ngải.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.