Với những hành động bi hài như hàng ngàn người tụ tập, quỳ lạy, khấn vái cục đá, rắn “thiêng”, cá “thần”, cùng với cảnh chen chúc, giẫm đạp để cướp lộc, xin ấn, giải hạn…
Bi hài nhất là chuyện hàng nghìn người tụ tập tại ngôi mộ vô danh ở TX. Ba Đồn (Quảng Bình), để cúng bái, “xin lộc” từ hai con rắn nước, “công đức” số tiền lên tới 250 triệu đồng. Hay trước đó, hàng trăm người dân cúng vái cá “thần” ở Đô Lương, Nghệ An…
Ở một xã hội văn minh, hiện đại, khoa học kỹ thuật phát triển tiên tiến như ngày nay, những hành động “cuồng” tín đó thực sự là rất khó hiểu. Và cũng chính vì thế để giải quyết tận gốc vấn đề này lại càng khó khăn. Có lẽ chúng ta sẽ còn mất thêm nhiều thời gian nữa với sự vào cuộc của nhiều nhà khoa học mới “giải phẫu” được hiện tượng này để từ đó đưa ra các “phác đồ điều trị” hợp lý.
Tuy nhiên, ngay trước mắt để hạn chế tình trạng này, chính quyền địa phương cần nhanh chóng vào cuộc dẹp bỏ các hiện tượng bất thường, giải tán “tâm lý đám đông” của một bộ phận cuồng tín.
Trên thực tế, khi các hiện tượng mê tín dị đoan xảy ra các địa phương còn khá lúng túng, chậm chễ xử lý. Như trường hợp “cá thiêng” xuất hiện ở Nghệ An từ khi phát sinh vụ việc, đến khi chính quyền quyết định cử người ra bắt cá, là 6 ngày ( từ mồng 1 đến mồng 6 Tết). Còn vụ việc hai con rắn nước nằm trên ngôi mộ vô danh ở Quảng Bình, phải sau 7 ngày, nhân viên kiểm lâm mới xuất hiện, cầm kẹp bỏ con rắn nước vào bao đem đi chỗ khác. Lúc này, xung quanh “ngài rắn”, hương hoa đã chất như núi.
Để đẩy lùi, triệt tiêu tệ nạn mê tín dị đoan chắc chắn sẽ còn là một “dự án” dài hơi với sự vào cuộc của Nhà nước, các tổ chức văn hóa, xã hội liên quan. Tuy nhiên, bên cạnh các biện pháp lâu dài đó, thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh việc xử lý “hiện tượng” bằng các biện pháp tức thời như, giải tán đám đông; thậm chí điều tra các cá nhân xấu cố tình tung tin hay lợi dụng mê tín dị đoan để trục lợi, kiên quyết xử lý bằng các biện pháp hành chính, hình sự khi đã cấu thành tội phạm.
THIÊN ĐỨC