Chưa mạnh dạn trong phát triển mô hình
Hợp tác xã (HTX) thanh niên Huỳnh Minh, thôn Ngần Hạ, xã Tân Thành, huyện Bắc Quang (Hà Giang) được ghi nhận là mô hình có quy mô tương đối lớn. Anh Phạm Thế Huỳnh, Giám đốc HTX Huỳnh Minh chia sẻ, năm 2017, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân, anh về địa phương kết hợp với bạn là Trần Tuấn Minh góp 6.000m2 đất và trên 300 triệu đồng. Với số vốn này, hai anh xây dựng mô hình nuôi cá và gà thả vườn.
Mặc dù, quy mô tương đối lớn, song mô hình lại khá đơn điệu, khi chọn các sản phẩm phổ thông như gà ri Yên Thủy (Hòa Bình) và cá trắm. Theo anh Huỳnh, cá và gà dù sinh trưởng tốt nhưng không thể mở rộng được thị trường. Vì khi bán ở các thị trường lớn chưa cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại.
Được biết, hiện nay, HTX có nuôi thêm 500 con cá chiên lồng bè và đã bán được ở thị trường Hà Nội, nguồn cung không đủ cầu. Nhưng vì ngại đường xa lại chưa làm chủ được khoa học kỹ thuật, nên hai anh chưa tự tin mở rộng số lượng cá nuôi.
Tương tự, trang trại của gia đình chị Lý Thị Cọi, thôn Yên Trung, xã Yên Thượng, huyện Bắc Quang có đàn gà 1.200 con. Nhưng chủ yếu vẫn là giống gà ri và nuôi theo mô hình công nghiệp nên không cạnh tranh được trên thị trường. Dù nguồn thu khá ổn định nhưng gia đình chưa mạnh dạn mở rộng đàn.
Đánh giá về phong trào khởi nghiệp trên địa bàn, Bí thư Huyện đoàn Bắc Quang Quốc Thị Thanh Thảo cho biết, hiện nay, huyện có 152 mô hình thanh niên khởi nghiệp, trong đó, có 12 HTX do đoàn viên thanh niên làm chủ, với trên 90 thành viên tham gia. Tuy nhiên, do chủ yếu là các mô hình sản xuất chăn nuôi theo hướng công nghiệp, từ chọn giống phổ thông như gà ri, gà công nghiệp, lợn siêu nạc nên sản phẩm mới chỉ bán được trong khu vực huyện và một số địa phương trong tỉnh, mà chưa cạnh tranh được ở thị trường rộng lớn hơn.
Cần sự khác biệt để cạnh tranh
Chia sẻ về giải pháp đạt hiệu quả cao trong phong trào khởi nghiệp, TS. Lê Minh Sơn, Viện An toàn thực phẩm và dinh dưỡng cho biết, trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp cần tạo được sự khác biệt, không nên chọn các loại giống cây trồng, vật nuôi phổ thông, đại trà mà cần đi vào các sản phẩm đặc sản của địa phương mới tạo được sự cạnh tranh trên thị trường. Ví dụ ở Hà Giang cần mạnh dạn chọn các giống vật nuôi như gà đen, lợn cắp nách… để khởi nghiệp. Có thể quy mô và sản lượng của các sản phẩm này không lớn, nhưng sẽ tạo được sự cạnh tranh và thu nhập cao cho người khởi nghiệp.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng Thư ký Hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam, Chủ tịch HĐQT tập đoàn VinaCert nhấn mạnh, một trong những điểm mạnh giúp cho nông sản có thể cạnh tranh được trên thị trường hiện nay đó là sự khác biệt. Sự khác biệt có thể đến từ các giống cây trồng, vật nuôi, đặc sản, nhưng cũng có thể đến từ cách chế biến khác nhau trong chuỗi thực phẩm. Ví dụ như vẫn là cây cam Hà Giang, nhưng thay vì bán cam tươi, có thể chế biến thành sản phẩm nước ép cam, cam sấy…
Một điểm quan trọng nữa, trong sản xuất nông sản hiện nay phải minh bạch quá trình sản xuất để lấy niềm tin của người tiêu dùng. Muốn làm được điều này, thanh niên khởi nghiệp cần liên kết vào các chuỗi sản xuất theo một quy chuẩn nhất định, như VietGAP.