Nhiều vấn đề bức xúc
Mới đây (5/11), tại Hội thảo "Chính sách đất đai cho đồng bào DTTS ở Việt Nam-Một số tồn taị, hạn chế và kiến nghị", do Hội đồng Dân tộc Quốc hội và Liên hiệp các Hội khoa học-kỹ thuật Việt Nam tổ chức. Thông tin về những tồn tại hạn chế trong vấn đề đất đai vùng DTTS, ông Triệu Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Hội đồng Dân tộc cho biết, hiện nay, việc lấn chiếm, tranh chấp đất đai giữa các hộ cá nhân với nhau, giữa các cá nhân với nông trường, lâm trường… diễn ra ở nhiều địa phương.
Cụ thể, cả nước có khoảng 171.423 ha đất rừng đang bị lấn chiếm, 57.869 ha đất đang có tranh chấp. Tại 5 tỉnh Tây Nguyên còn khoảng 52.940 hộ thiếu đất sản xuất, chủ yếu là hộ DTTS, với diện tích khoảng 24.075 ha.
Một số vấn đề bức xúc trong đời sống đồng bào DTTS như, di cư tự phát, nhà ở tạm bợ, thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt… chưa được giải quyết hiệu quả, thấu đáo. Điều này dẫn đến đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS còn rất nhiều khó khăn. Hơn 24.500 hộ DTTS di cư tự phát cần sắp xếp, bố trí ổn định, 12.488 hộ còn nhà tạm bợ, dột nát, 82.893 hộ thiếu đất ở, 223.449 hộ thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Trao đổi về các bất cập hạn chế trong vấn đề đất đai vùng DTTS, TS. Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quyền con người vùng dân tộc và miền núi cho rằng, nguyên nhân đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất, là do nhiều hộ nghèo đói nên đã chuyển nhượng, cầm cố đất đai và không có khả năng mua, chuộc lại. Thêm vào đó, nhiều vùng đất đai bị thu hồi phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, việc rà soát, sắp xếp đất đai do các nông, lâm trường, các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng còn chậm, và không hiệu quả. Các đối tượng này đang quản lý, sử dụng một diện tích đất đai rộng lớn, chủ yếu nằm ở khu vực đồng bào DTTS sinh sống. Trong khi đó, quỹ đất giao cho đồng bào sử dụng thì còn hạn chế.
Bên cạnh đó, một số chính quyền địa phương quản lý đất đai chưa tốt, buông lỏng quản lý (cho thuê, cho mượn không đúng pháp luật)…; một bộ phận đồng bào DTTS còn có tập quán du canh, du cư chưa quan tâm tới việc đăng ký xác lập quyền sử dụng đất nên dễ dẫn đến tình trạng lấn, chiếm, tranh chấp và làm trầm trọng tình trạng thiếu đất sản xuất.
Cần quyết liệt hơn
Thông tin tại hội thảo chính sách đất đai cho đồng bào DTTS vào tháng 11 mới đây, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết, bên cạnh các kết quả đã đạt được, vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất ở vùng DTTS tồn tại nhiều khó khăn hạn chế. Do đó, chúng ta cần phải có giải pháp quyết liệt, đồng bộ để tập trung giải quyết.
Đề xuất về giải pháp cấp đất sản xuất cho đồng bào DTTS, TS. Hoàng Xuân Lương cho rằng, các bộ ngành cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp theo quy định. Trong đó, cơ quan chức năng cần quan tâm bố trí ổn định các khu dân cư, khu sản xuất cho đồng bào, bảo đảm phát triển toàn diện cả về kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh.
Cần đẩy nhanh tiến độ rà soát thu hồi diện tích đất đai của các nông lâm trường, công ty nông lâm nghiệp trả lại địa phương. Bố trí đủ vốn để tổ chức đo đạc, xác định cụ thể ranh giới, diện tích để giao đất sản xuất, cấp giấy chứng nhận cho các hộ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất, hỗ trợ khai hoang tạo quỹ đất sản xuất gồm: Khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang, nương rẫy cho đồng bào DTTS chưa có hoặc thiếu đất sản xuất.
Kiến nghị các vấn đề pháp lý, ông Triệu Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh, hiến pháp hiện nay, chưa có điều khoản nào quy định riêng về đất đai đối với đồng bào DTTS. Vì vậy, trong thời gian tới nếu sửa đổi Hiến pháp, chúng ta cần nghiên cứu bổ sung điều khoản liên quan đến bảo vệ quyền và lợi ích về đất đai cho đồng bào DTTS.
Đối với Luật Đất đai năm 2013, Điều 27 đã quy định riêng đất đai cho đồng bào DTTS. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần bổ sung, chỉnh sửa cụ thể hơn. Nhất là nội dung liên quan đến thu hồi đất của các nông lâm trường quốc doanh hoạt động kém hiệu quả, để giao cho các hộ gia đình và cộng đồng DTTS có nhu cầu, có khả năng sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Ngoài ra, cơ quan lập pháp cần nghiên cứu sửa đổi một số vấn đề còn bất cập, chồng chéo chưa thống nhất liên quan đến giao đất, giao rừng được quy định trong Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Dân sự, theo hướng công nhận cộng đồng dân cư là chủ rừng có quyền lợi và nghĩa vụ như chủ rừng khác.
Ngoài ra, pháp luật cần công nhận diện tích rừng thiêng, rừng tâm linh, rừng đầu nguồn nước… gắn với phong tục tập quán, tín ngưỡng văn hóa lâu đời của các dân tộc là đất tín ngưỡng cả đồng bào DTTS giống như đất đền, chùa, nhà thờ, miếu mạo…