Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khó thoát nghèo vì thiếu đất sản xuất

PV - 13:47, 21/05/2018

Là huyện miền núi, biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 50%, địa hình chia cắt phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, giao thông khó khăn nên hiện nay, tình trạng số hộ đồng bào DTTS ở huyện Hướng Hóa thiếu đất sản xuất còn nhiều, tỷ lệ hộ nghèo cao. Đây là rào cản trong lộ trình giảm nghèo của huyện Hướng Hóa.

Loay hoay tìm sinh kế

Chị Hồ Thị Hương ở thôn Tà Rùng, xã Húc cho biết: Gia đình chị có 5 người con, ngoài 0,5ha trồng lúa rẫy trên đồi thì không có diện tích nào để trồng lúa, vợ chồng chị Hương phải băng đồi, lội suối cách nhà gần 10km để khai hoang 1ha đất trồng sắn. Tuy nhiên, vì địa hình đi lại khó khăn, đất đồi dốc nên vợ chồng chị chỉ trồng được vài vụ sắn là đất đã bạc màu. Năng suất, chất lượng sắn rất thấp, vận chuyển sản phẩm vô cùng khó khăn nên bình quân 1 năm gia đình chị chỉ thu nhập chưa đầy 10 triệu đồng từ bán sắn.

Đất sản xuất ở Hướng Hóa vừa thiếu, vừa khô cằn. Đất sản xuất ở Hướng Hóa vừa thiếu, vừa khô cằn.

 

Không chỉ gia đình chị Hương mà nhiều hộ người dân tộc Vân Kiều khác ở xã Húc sống rải rác trên các sườn đồi, thiếu đất sản xuất cộng với địa hình phức tạp, đường đi lại khó khăn, không có điều kiện phát triển thêm các ngành nghề khác, nên hầu hết đều là hộ nghèo, cận nghèo.

Ông Hồ Văn Ka Rai, Chủ tịch UBND xã Húc cho biết: Mặc dù là xã có diện tích đất tự nhiên lớn nhất huyện Hướng Hóa, với gần 6.400ha nhưng phần lớn trong số đó, lại là rừng phòng hộ và là đất trồng rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa-Đakrông quản lý. Trong tổng số gần 1.800ha đất mà Công ty Cao su Khe Sanh được tỉnh giao (nằm ở 3 xã Hướng Lộc, Ba Tầng và xã Húc.) Trên thực tế, nếu giao đất cho Công ty thì nhiều người dân trong xã sẽ mất đất sản xuất, vì số diện tích đất họ canh tác bấy lâu, chủ yếu do tự khai hoang từ nhiều năm về trước mà có. Ngoài ra, diện tích đất không đồng đều, khí hậu không thuận lợi nên người dân trong xã gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Những khó khăn nói trên đã làm hạn chế rất lớn trong việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã lên tới 63,36%.

Tại xã Tân Long tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân cũng rất nan giải. Toàn xã hiện có 73 hộ đồng bào DTTS thì trong đó đã có 33 hộ/167 khẩu thiếu đất sản xuất, với tổng diện tích 36ha. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là không có đất để giao cho người dân vì quỹ đất của xã đã hết.

Khó khắc phục

Được biết thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào DTTS, trong những năm qua, UBND xã Húc đã tích cực vận động, hỗ trợ người dân khai hoang để mở rộng sản xuất. Cụ thể, 1ha đất khai hoang sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng, trong đó hỗ trợ trực tiếp 15 triệu đồng, còn 15 triệu đồng là cho vay ưu đãi với lãi suất 0,1%/tháng. Nhờ vậy, chỉ tính riêng trong năm 2017, toàn xã đã khai hoang được 17ha ruộng nước. Năm 2018, theo kế hoạch dự kiến sẽ khai hoang thêm 13ha nữa. Tuy nhiên, do đất đai không bằng phẳng nên dự kiến trong các năm tới, xã cũng không có cách nào khác để giúp người dân có đất sản xuất do quỹ đất của xã không còn.

Ông Trương Đình Tùng, Chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết: Nguyên nhân đồng bào DTTS trên địa bàn thiếu đất sản xuất là do dân số tăng quá nhanh và do đã chuyển nhượng đất sản xuất. Bên cạnh đó, đất ở xã chủ yếu là đất đồi dốc. Xã đã đề ra giải pháp, là thu hồi hoặc trưng mua lại đất để giao cho các hộ còn thiếu nhưng nếu mua theo giá Nhà nước đề ra thì quá thấp, người dân không bán. Còn nếu mua theo giá thị trường lại quá cao, xã không có kinh phí.

Theo ông Hồ Văn Toàn, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Hướng Hóa, tình trạng thiếu đất sản xuất xảy ra ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa. Qua khảo sát tổng số hộ thiếu đất sản xuất của toàn huyện Hướng Hóa là 2.093 hộ, trong đó số hộ DTTS thiếu đất sản xuất 1.930 hộ, hộ nghèo DTTS thiếu đất sản xuất 1.537 hộ. Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Hướng Hóa đến nay vẫn còn khá cao, chiếm gần 40% số hộ. Trong đó, hộ nghèo người DTTS 5.943, chiếm tỷ lệ 69,92% so với tổng số hộ DTTS.

Ông Toàn cho biết: Nguyên nhân của thực trạng thiếu đất sản xuất do tăng dân số tự nhiên, quỹ đất của các xã hạn chế, một số xã diện tích đã quy hoạch vào rừng phòng hộ; các hộ mới thành lập và tách riêng nên diện tích đất của hộ gia đình chia ra không đủ diện tích theo định mức. Cùng với đó, địa hình chia cắt, có độ dốc lớn nên đất có khả năng khai hoang, phục hóa cho sản xuất nông nghiệp, xây dựng khu dân cư, khu tái định cư bị hạn chế… Hiện tại cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đang lúng túng với việc tìm giải pháp để khắc phục tình trạng này.

PHONG DƯƠNG - K.SƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.