Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Không giải quyết triệt để tình trạng thiếu đất sản xuất: Tây Nguyên có còn là đại ngàn?

PV - 15:19, 29/08/2018

Cùng với việc triển khai thực hiện các dự án chuyển đổi rừng làm mất rừng thì tình trạng người dân xâm canh, xâm lấn, phá rừng diễn ra hết sức nghiêm trọng, khiến khu vực Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ không còn rừng. Nếu không có giải pháp căn cơ thì mai đây, Tây Nguyên có còn là đại ngàn?

Rừng suy kiệt!

Diện tích rừng ở khu vực Tây Nguyên đang suy giảm mạnh. Đây là thông tin đáng chú ý nhất trong kết quả tổng hợp từ Dự án “Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2014-2016” của Viện Điều tra, Quy hoạch rừng (Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn) được công bố vào cuối năm 2017.

Đời sống của hàng nghìn hộ dân ở Tây Nguyên gặp khó khăn do thiếu đất sản xuất. (Trong ảnh: Một góc thôn Ea Rớt, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, Đăk Lăk- Ảnh Đăng Quang) Đời sống của hàng nghìn hộ dân ở Tây Nguyên gặp khó khăn do thiếu đất sản xuất. (Trong ảnh:Một góc thôn Ea Rớt, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, Đăk Lăk-Ảnh Đăng Quang)

Theo kết quả điều tra, năm 2000, độ che phủ rừng ở các tỉnh Tây Nguyên đạt 55,0%, nhưng đến năm 2016 chỉ còn 46,0%. Trong khi diện tích rừng nhiều vùng sinh thái khác tăng nhanh (Đông Bắc tăng 5%; Bắc Trung bộ tăng 3%; Duyên hải Nam Trung bộ tăng 5,2%) thì Tây Nguyên lại giảm 5,8% (kế đó là Tây Nam bộ-giảm 2,2%, Đồng bằng sông Hồng-giảm 1,3%).

Không chỉ thu hẹp về diện tích mà chất lượng rừng Tây Nguyên cũng suy giảm mạnh. Cụ thể, hiện rừng giàu chỉ chiếm 14,5%, rừng trung bình chiếm 41%, rừng nghèo chiếm 39,6%; còn lại là rừng nghèo kiệt, rừng non phục hồi chiếm 6%. Như vậy, diện tích rừng nghèo và rừng nghèo kiệt ngày càng tăng dẫn đến chất lượng rừng suy thoái, rừng có trữ lượng lớn chủ yếu tập trung ở khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ.

Đăk Lăk là địa phương có diện tích rừng thuộc diện lớn nhất khu vực Tây Nguyên và của cả nước; cũng là địa phương có tốc độ suy giảm rừng vào diện đáng báo động. Mới đây (ngày 21/7/2018), tại buổi làm với Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk Phạm Ngọc Nghị cho biết, cách đây khoảng 15 năm, diện tích rừng che phủ trên địa bàn khoảng 43%. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tỷ lệ che phủ chỉ còn khoảng 38%, trong đó chủ yếu là rừng nghèo, rừng sản xuất.

Báo cáo với Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk cũng nhìn nhận, số liệu thì là vậy, nhưng qua kiểm tra thực tế, rừng cơ bản đã hết. Nguyên nhân được xác định là các địa phương sợ phải chịu trách nhiệm hình sự nên cứ báo cáo… rừng vẫn còn.

Tương tự ở Đăk Nông, độ che phủ của rừng cũng bị suy giảm mạnh, từ 55,5% (năm 2006) xuống còn 38,8% (năm 2016). Đáng chú ý, chỉ trong thời gian ngắn, hơn 10 nghìn ha rừng ở tỉnh này đã “biến mất”. Cụ thể, so với năm 2015, trong năm 2016, diện tích rừng tự nhiên của tỉnh Đăk Nông giảm 8.131ha, diện tích đất có rừng giảm 2.135ha.

Muôn kiểu… phá rừng!

Theo phân tích từ Dự án “Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2014-2016” của Viện Điều tra, Quy hoạch rừng, có nhiều nguyên nhân làm giảm diện tích rừng và chất lượng rừng ở Tây Nguyên. Trong đó, việc triển khai thực hiện các dự án chuyển đổi rừng đã làm mất rừng ở Tây Nguyên.

Kết quả điều tra đánh giá chuyển đổi rừng của Viện Điều tra, Quy hoạch rừng cho thấy, giai đoạn năm 2006-2012, có khoảng 154 nghìn ha rừng đã được chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác (trồng cao su, làm thủy điện, khai thác khoáng sản, du lịch sinh thái,…).

Nhưng đáng báo động nhất vẫn là vấn nạn phá rừng. Sau hơn 2 năm người đứng đầu Chính phủ yêu cầu “đóng cửa rừng”, tình trạng phá rừng ở Tây Nguyên vẫn chưa được ngăn chặn. Năm 2017 (tính đến tháng 10), các tỉnh Tây Nguyên đã xảy ra 839 vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng; trong đó có 757 vụ phá rừng trái pháp luật, gây thiệt hại gần 418ha rừng, tăng 88 vụ so cùng kỳ năm 2016.

Những tháng đầu năm 2018, tình trạng phá rừng càng diễn biến nghiêm trọng. Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến tháng 5/2018, cả nước xảy ra hơn 7.800 vụ chặt phá rừng, 749ha rừng đã bị chặt hạ; riêng khu vực Tây Nguyên hơn 2.100 vụ, với gần 300ha rừng bị chặt phá (!).

Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội ngày 21/7/2018, ông Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk cho biết, thủ đoạn phá rừng ngày càng tinh vi. Đơn cử, các đối tượng chặt phá, lấn chiếm diện tích rừng dưới 5 sào để dù có bị các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ cũng chỉ xử lý hành chính, không đủ điều kiện để xử lý hình sự. Ngoài ra, còn có “phương thức” không chặt cây tươi, mà tiện vỏ, khoan lỗ vào gốc, đốt xung quanh gốc để cây chết khô một thời gian rồi mới tiến hành chặt hạ (chặt cây khô không bị xử lý)…

Vì sao đã có lệnh “đóng cửa rừng” mà rừng vẫn bị phá? Lý giải điều này, ông Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Đăk Lăk cho rằng, khác với các địa phương khác, rừng ở Tây Nguyên bằng phẳng, có nhiều “cửa vào”; “cửa” này bị đóng thì có thể vào bằng “cửa” khác, rất khó ngăn chặn.

Nhưng nguyên nhân chính, theo ông Y Biêr Niê, là do người dân thiếu đất sản xuất nên mới phá rừng; người dân phá rừng không phải mục đích lấy gỗ, mà là lấy đất sản xuất. Khi thiếu đất sản xuất, còn “cửa rừng” khép hờ hững, đất đai lại màu mỡ thì việc người dân phá rừng để tìm sinh kế là tất yếu.

Một giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để tình trạng phá rừng là ổn định cuộc sống cho các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn Tây Nguyên. Nhưng đây là vấn đề nan giải bởi toàn vùng gần 19 nghìn hộ cần được định canh, định cư, chủ yếu là các hộ DTTS di cư tự do (DCTD) từ các địa phương khác đến. Đó là chưa kể, tình trạng di cư tự do vào khu vực Tây Nguyên vẫn chưa có hồi kết.

Trong khi đó, nguồn lực bố trí thực hiện các dự án định canh định cư cho các tỉnh Tây Nguyên đang bị “ách” lại. Từ năm 2013 đến 2016, toàn vùng Tây Nguyên xây dựng 30 dự án sắp xếp, ổn định cho 13.225 hộ dân DCTD, với tổng kinh phí 1.612 tỷ đồng (Trung ương hỗ trợ 1.400 tỷ đồng, ngân sách địa phương 212 tỷ đồng). Nhưng đến năm 2017 mới cấp được 691 tỷ đồng; nên trong 30 dự án mới hoàn thành 2 dự án, ổn định cho 5.274 hộ.

Rõ ràng, nếu các hộ đồng bào DTTS không sớm được bố trí định canh định cư thì việc lấn chiếm đất, phá rừng sẽ không thể giải quyết được. Và như vậy, tương lai Tây Nguyên hết rừng sẽ hiển hiện ngay trước mắt.

SỸ HÀO