Liên tiếp những ngày vừa qua, thị trấn vùng biên Lao Bảo huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid-19 mới. Theo số liệu cập nhật, chiều 10/11, thị trấn Lao Bảo, phát hiện 17 trường hợp dương tính qua giám sát cộng đồng. Tối ngày 14/11, thị trấn này phát hiện thêm 15 trường hợp dương tính thông qua giám sát cộng đồng. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị có 619 ca mắc Covid-19.
Ông Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa thông tin: Địa phương đang ở cấp độ 2 của dịch bệnh. Công tác truy vết, khoanh vùng, cách ly đang được tiến hành rất khẩn trương, quyết liệt gắn với các biện pháp chống dịch. Mục tiêu cao nhất mà địa phương đang thực hiện là hạn chế sự lây lan, bùng phát dịch bệnh ra cộng đồng.
Khu vực Tây Nguyên cũng đã ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid-19 mới. Những bản làng trên vùng cao nguyên đang bị dịch bệnh bủa vây, làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân. Theo ghi nhận, huyện Krông Búk là một trong những địa phương có số ca mắc Covid-19 trong đồng bào DTTS cao nhất tỉnh Đắk Lắk.
Tính đến chiều ngày 14/11, tại xã Cư Pơng, huyện Krông Búk đã ghi nhận 184 ca mắc Covid-19. Trong quá trình sàng lọc tại 4 buôn đồng bào DTTS, đã phát hiện 14 ca mắc. Riêng chiều ngày 12/11, ổ dịch tại buôn Kbuôr xuất hiện 9 ca, tất cả đều là người Ê Đê. Theo lãnh đạo huyện Krông Buk cho biết: Số ca mắc Covid-19 mới trên địa bàn huyện trong những ngày gần đây chiếm hơn 90% đều có yếu tố dịch tễ từ các tỉnh phía Nam.
Các tỉnh biên giới phía Bắc cũng đã xuất hiện mới nhiều ca nhiễm Covid-19 đe dọa cuộc sống bình yên của đồng bào DTTS trên các bản làng. Chỉ tính riêng tỉnh Lai Châu, trong hai ngày 5 và 6/11 đã ghi nhận 13 trường hợp lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Ngày 6/11, xã Bản Giang huyện Tam Đường (Lai Châu) xác nhận thêm 7 ca dương tính với Covid-19 trong cộng đồng. Ngày 9/11, bản Tẩn Phủ Nhiêu, xã Bản Giang, huyện Tam Đường phát hiện 2 ca dương tính với Covid-1. Như vậy, chỉ trong 4 ngày trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thêm hơn 20 ca nhiễm Covid-19 nmới trong cộng đồng. Các ca dương tính với Covid-19 nói trên đã được đưa ngay cách ly, theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Phổi Lai Châu. Đến nay, lực lượng chức năng đã truy vết được gần 100 trường hợp F1 và gần 170 trường hợp F2 và F3. Vẫn còn 562 trường hợp chưa lấy được mẫu vì đi rừng chưa về.
Còn tại Hà Giang, đến tối ngày 13/11 đã ghi nhận thêm 160 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó 1 ca nhiễm ngoài cộng đồng tại huyện Đồng Văn; 118 ca trong khu phong tỏa; 41 ca trong khu vực cách ly. Nâng tổng số F0 phát sinh trong tỉnh là 2.447, trong đó: TP. Hà Giang là 599 F0; Đồng Văn 347 F0; Mèo Vạc 65 F0; Yên Minh 347 F0; Quản Bạ 151 F0; Bắc Mê 21 F0; Vị Xuyên 504 F0; Bắc Quang 122 F0; Quang Bình 21 F0; Hoàng Su Phì 19 F0; Xín Mần 2 F0; Cơ sở điều trị tỉnh 279 F0.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, chỉ trong ngày 14/11, toàn tỉnh ghi nhận thêm 131 ca nhiễm Covid-19, trong đó 5 ca nhiễm ngoài cộng đồng; 67 ca trong khu phong tỏa; 59 ca trong khu vực cách ly.
Ngày 14/11, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã ký ban hành Quyết định số 2402/QĐ-UBND về việc phân loại cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Theo đó, phân loại cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cụ thể gồm: 181 đơn vị Cấp 1 - Nguy cơ thấp (vùng xanh), 9 đơn vị Cấp 2 - Nguy cơ trung bình (vùng vàng), 2 đơn vị Cấp 3 - Nguy cơ cao (vùng cam), 1 đơn vị Cấp 4 - Nguy cơ rất cao (vùng đỏ).
Khó khăn hiện nay trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở vùng đồng bào DTTS và miền núi là do một số đồng bào DTTS còn hạn chế về tiếng phổ thông. Công tác truy vết dịch tế khó khăn do người dân khai báo chưa chính xác. Lượng người hồi hương về quê vẫn còn, đó là nguy cơ lớn phát sinh ca bệnh trong vùng đồng bào DTTS, nhất là các trường hợp đi về từ vùng dịch. Ngoài ra, nhiều đối tượng nhập cảnh vào nước ta gia tăng cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng vùng DTTS và miền núi.
Dịch bệnh bùng phát trở lại ở khu vực miền núi và vùng DTTS đang tác động và ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống thường ngày của người dân. Những nỗ lực phục hồi sau làn sóng dịch thứ 4 vừa tạm ổn, thì nay đã phải đối phó với những ca lây nhiễm mới khiến khó khăn càng thêm chồng chất. Vì vậy, các địa phương vùng miền núi và DTTS cần sớm có ngay các giải pháp khẩn trương, quyết liệt để khoanh vùng, dập dịch.
Ngoài việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phòng, chống dịch bằng hai thứ tiếng (tiếng phổ thông và tiếng của đồng bào DTTS), nhiều địa phương đã duy trì tốt các tổ liên gia tự quản, phát huy “tai mắt” của Nhân dân trong việc phát hiện người đi xa về để tiến hành cách ly và theo dõi.
Đặc biệt, các cấp chính quyền hiện đang đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắc xin trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, gắn với việc truy vết, khoanh vùng nhanh khi xuất hiện các ca nhiễm mới. Công tác tuần tra, kiểm soát ở địa bàn giáp biên cũng đã được các lực lượng đẩy mạnh để hạn chế dịch bệnh “thẩm lậu” từ biên giới. Và cuối cùng, công tác đảm bảo an sinh, không để đồng bào bị thiếu đói, đồng bào không được chăm sóc y tế... cũng cần được đặt lên nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.