Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Điều kỳ diệu đã sáng lên trong bóng tối dịch bệnh

Thanh Hải - 15:41, 14/11/2021

Dịch bệnh Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả, nhưng tình người thì vẫn vẹn nguyên. Dường như càng trong gian khó của dịch bệnh, tình người càng thêm ấm áp và ngời sáng, trở thành động lực để chúng ta chiến thắng dịch bệnh, đưa cả nước trở lại cuộc sống bình thường mới.

Anh Nguyễn Văn Kiều, ở bon R'bút, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (Đăk Lăk) tặng củ cải trắng cho người dân vùng dịch
Anh Nguyễn Văn Kiều, ở bon R'bút, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (Đăk Lăk) tặng củ cải trắng cho người dân vùng dịch

Có lẽ, sức tàn phá khủng khiếp của đại dịch Covid-19 được hiển hiện đủ đầy nhất qua đợt bùng phát lần thứ 4. Nhìn những con số được công bố mà quá đỗi xót xa: Những 2.100 trẻ mồ côi, 21.700 ca tử vong, 21.000 doanh nghiệp phá sản và ngưng hoạt động, 1,3 triệu người mất việc phải hồi hương…

Một trong những diễn biến phức tạp và nguy hiểm của đợt dịch lần thứ 4, là bùng phát và tấn công mạnh vào các khu công nghiệp, khu chế xuất. Trước đó, Bắc Giang từng là tâm dịch với ổ dịch lớn nhất ở huyện Việt Yên (liên quan đến 4 khu công nghiệp). Tiếp theo là Hà Nội, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... lần lượt trở thành điểm nóng. Dịch bệnh không chỉ tấn công đến hầu hết đời sống người lao động và các hoạt động của doanh nghiệp, mà còn khiến tình hình sản xuất kinh doanh đứt gãy, thị trường lao động trong nước bị tác động nặng nề.

Đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 được cho là khủng khiếp nhất, tác động lớn nhất đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Nhưng cũng vì thế mà chúng ta đã được chứng kiến đủ đầy bao trạng thái, bao cung bậc cảm xúc của tình người.

Giữa những gam màu xám xịt vì dịch bệnh Covid-19 ấy, chúng ta như thêm vững tin hơn, bởi tình người đã tỏa sáng, lan tỏa bằng những việc làm, hành động nhân văn, ý nghĩa. Chỉ nhìn vào hình ảnh từng đoàn người rồng rắn hồi hương; và cái cách mà chính quyền các cấp sở tại ứng xử nơi đoàn người đi qua, cũng đã là minh chứng rõ nét, đậm sâu về tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Rất nhiều phần quà, chai nước, suất ăn… đã được “tiếp sức” cho đồng bào trên hành trình hồi hương, đã làm ấm thêm bao tấm lòng, bao trái tim đã từng khốn khó vì dịch bệnh hoành hành.

Hình ảnh đong đầy bao cảm xúc với đoàn người hồi hương, là nghĩa cử đẹp của chị Đinh Thu Hiền (47 tuổi) ở phường Hà Huy Tập, TP. Vinh (Nghệ An) tự nguyện chuẩn bị sẵn 100 suất quà, mỗi suất 500 ngàn đồng cùng 100 gói xôi để phát cho người dân hồi hương qua cầu Bến Thủy trên địa phận Nghệ An, trưa và tối 31/7/2021. Trước đó, trên chặng đường thiên lý, đoàn người hồi hương đã nhận được những tình cảm chân thành, hành động nhân văn, trách nhiệm của các lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch và những người dân bình thường như: Hỗ trợ sửa chữa xe miễn phí, phát nhu yếu phẩm miễn phí, phát áo mưa miễn phí…

Để chống chọi với dịch bệnh, hàng tỷ đồng tiền quà, hàng trăm tấn nhu yếu phẩm, hàng nghìn tỷ đồng đã được huy động và chuyển đến kịp thời cho bà con vùng dịch, cho lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch. “Tôi không có tiền ủng hộ như mọi người, nhà chỉ có vườn củ cải trắng, tôi dành tặng hết cho bà con thành phố, mong góp một phần sức nhỏ vào công tác phòng chống dịch của cả nước…”, anh Nguyễn Văn Kiều, ở bon R'bút, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (Đăk Lăk) đã chia sẻ, khi quyết định tặng 2,5 ha củ cải trắng cho TP. Hồ Chí Minh chống dịch.

Giữa những ngày dịch giã, những cân gạo, tấm bánh, hộp sữa của những cụ già, em nhỏ… đã không ngại ngần “san sẻ yêu thương” để người dân vùng dịch thêm vững tin trước nghịch cảnh. Đẹp biết bao tấm lòng, tình cảm, nghĩa cử thấm đẫm tình người của những bà, những mẹ, những chị và bao người dân đã không quản ngại khó khăn, vất vả… tự nguyện quyên góp tiền, thực phẩm để nấu hàng triệu bữa cơm cho vùng cách ly, cho lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch. 

Những ngày tháng 7/2021, khi dịch bệnh đang ở thời khắc căng thẳng nhất, bếp ăn Trung tâm Công tác xã hội thanh niên Thành phố (quận 1, TP. Hồ Chí Minh), là địa chỉ gieo lên bao niềm tin yêu, khi cung cấp gần 4.500 suất ăn/ngày để tặng bệnh viện, khu cách ly, người dân khó khăn…

Những câu chuyện tử tế như vậy, đã diễn ra hàng ngày, khi trên chốt chống dịch, trên chốt kiểm soát dịch bệnh, trên con đường hồi hương, hay ngay tại khu cách ly, bên cạnh khu phong tỏa… khiến chúng ta thêm rưng rưng xúc động.

Bếp ăn Trung tâm Công tác xã hội thanh niên Thành phố (quận 1, TP. Hồ Chí Minh) cung cấp gần 4.500 suất ăn/ngày để tặng bệnh viện, khu cách ly, người dân khó khăn…
Bếp ăn Trung tâm Công tác xã hội thanh niên Thành phố (quận 1, TP. Hồ Chí Minh) cung cấp gần 4.500 suất ăn/ngày để tặng bệnh viện, khu cách ly, người dân khó khăn…

Không chỉ vậy, tình người đã ngời sáng hơn bằng những lá đơn tình nguyện của bao người, sẵn sàng lao vào nơi hiểm nguy của tâm dịch để chia khó, san sẻ hiểm nguy với bà con vùng dịch, với các lực lượng đang làm nhiệm vụ chống dịch. 

Những lá đơn tình nguyện ấy, là của những bạn trẻ vừa rời ghế nhà trường, của những thanh niên vùng thôn quê; là những y, bác sĩ đã nghỉ hưu… khi đất nước lâm nguy, đồng bào khốn đốn đã chẳng ngại ngần mà kề vai, sát cánh cùng nhau qua cơn hoạn nạn. Họ sẵn sàng lao vào tâm dịch với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh mà chẳng hẹn ngày về.

Chẳng thể kể hết, chẳng thể nói đủ bằng lời về những việc làm, nghĩa cử thấm đẫm tình người qua những thời khắc dịch bệnh bủa vây. Nhưng nếu phải khẳng định một điều gì đó cho những ngày cả nước cùng chống dịch, thì đó không chỉ là tình thương, là tình dân tộc, nghĩa đồng bào mà còn là trách nhiệm của những ai là con Lạc cháu Hồng...

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.