Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phòng chống dịch Covid-19 vùng DTTS - Nhìn từ đợt bùng phát dịch thứ 4: Đồng bào DTTS vững niềm tin (Bài 2)

Thanh Hải - 17:44, 28/10/2021

Đồng hành cùng đồng bào DTTS vượt qua dịch bệnh, công tác tuyên truyền, vận động đã được các cấp, các ngành đặt lên hàng đầu. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hàng trăm tổ tư vấn, tình nguyện đã ra đời; hàng trăm tổ Covid-19 cộng đồng được thành lập… nơi vùng miền núi. Những việc làm ấy đã khiến đồng bào DTTS tin tưởng và họ đã sẵn sang “chia lửa” bằng những việc làm đầy trách nhiệm trước đại dịch.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè (Lai Châu) cùng các lực lượng chức năng kiểm soát người dân ra vào địa bàn.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè (Lai Châu) cùng các lực lượng chức năng kiểm soát người dân ra vào địa bàn.

Những người “vác tù và hàng tổng”

Những ngày đầu tháng 10/2021, huyện Krông Búk là đơn vị có số người nhiễm Covid-19 cao thứ hai của tỉnh Đắk Lắk, với 363 ca; chủ yếu là người Ê Đê. Để ngăn chặn dịch bệnh, huyện đã thành lậpđội tình nguyện viên với gần 40 thành viên để hỗ trợ cùng lực lượng tuyến đầu.Bước chân những thành viên đội tình nguyện đã in dấu khắp bản làng đồng bào Ê Đê nơi đại ngàn Tây Nguyên xa xôi.

Bí thư Huyện đoàn Krông Búk (Đăk Lăk) H’Nguốp Niê cho biết: Thanh niên huyện Krông Búk đã thể hiện vai trò xung kích, tình nguyện trên mặt trận chống dịch: lấy mẫu xét nghiệm, phun khử khuẩn, phát thực phẩm, tuyên truyền biện pháp chống dịch... Cũng nhờ thế mà dịch bệnh đã sớm được đẩy lùi. Theo H’Nguốp Niê, các thành viên đã viết đơn tình nguyện tham gia và được huyện đoàn xét duyệt trước khi tập huấn.

Cũng tại tỉnh Đắk Lắk, trong đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4, đã có hàng trăm tổ Covid-19 cộng đồng được thành lập. Họ là những người dân tại vùng đồng bào DTTS ở Tây Nguyên tự nguyện tham gia vào đội ngũ chống dịch ở cơ sở buôn, làng. Theo đó, TP. Buôn Ma Thuột có 248 tổ, huyện Ea Kar đã thành lập 238 tổ… Ông Lê Ngọc Hùng, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ phòng chống Covid-19 thôn Chư Cúc, xã Ea Kmút, huyện Ea Kar (Đăk Lăk) cho hay: chúng tôi đến từng nhà dân nắm bắt cụ thể từng trường hợp người dân trong thôn đi, về hoặc có đến các tỉnh, vùng có dịch, yêu cầu thực hiện khai báo y tế nghiêm túc.

Để bà con các DTTS hiểu rõ các biện pháp phòng, chống dịch, phương thức tuyên truyền bằng tiếng dân tộc; kết hợp phát huy vai trò Người có uy tín đã được thực hiện và mang lại hiệu quả tốt. Đặc biệt, nhiều thôn bản đã thành lập được đội tuyên truyền lưu động, là những người trẻ, thậm chí là người già của bản làng “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để nhắc nhở, hướng dẫn bà con thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch.

Đó là tấm gương ông Y Khuê Ayun, Trưởng buôn Kwăng A, xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) tự nguyện khoác lên mình bộ đồ bảo hộ để cùng các lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch. Ông Y Khuê Ayun cho hay: Tôi nghĩ mình nên tham gia vào công tác chống dịch, góp được chút nào hay chút ấy, nên đã tình nguyện phát gạo, nhu yếu phẩm từ bên ngoài gửi vào hỗ trợ bà con. Vì thế, bà con đã bớt được tâm lý hoang mang, yên tâm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Một số Ban Dân tộc cũng đã phát động phong trào “Toàn dân tham gia xây dựng địa bàn an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19”. Nhiều bản làng đã thành lập Tổ Covid-19 cộng đồng, Tổ tuần tra lưu động, lập chốt chặn khai báo y tế, quét mã QR khi có người qua lại. Nhờ vậy, vừa nâng cao ý thức cho bà con DTTS, vừa là điều kiện để “sàng lọc” các trường hợp vào ra địa bàn.

Ông Điểu Cần, Phó Bí thư Chi bộ thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp (Bình Phước) nói: Tôi tự nguyện tham gia vào tổ chốt chặn tại bản làng để kiểm soát người ra vào, hạn chế dịch bệnh lây lan. Địa bàn thôn chúng tôi là nơi cư trú của người Xtiêng, nằm giáp ranh nước Campuchia nên nguy cơ xâm nhập dịch rất lớn.

Những người “vác tù và hàng tổng” đã và đang góp sức, góp công cùng chính quyền địa phương đẩy dịch ra khỏi bản, làng, phum, sóc. Và thực tế thì những nỗ lực ấy đã được đền đáp xứng đáng khi dịch bệnh từng bước được kiểm soát, cuộc sống mới, bình yên đang dần trở lại với bà con đồng bào DTTS. Hiệu quả tích cực trong công tác phòng, chống Covid-19 tại vùng DTTS, nhân lên nhiều “vùng xanh” đáng quý giữa dịch bệnh.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh từng khẳng định trước các cơ quan báo chí: Lãnh đạo UBDT  xác định, trọng tâm của công tác phòng chống dịch vùng đồng bào DTTS và miền núi là tuyên truyền. UBDT đã, đang và sẽ luôn xác định công tác tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước của đồng bào vùng DTTS và miền núi.

Buôn Gram A2, xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ (Đăk Lăk) lập chốt kiểm soát người ra, vào để chống dịch
Buôn Gram A2, xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ (Đăk Lăk) lập chốt kiểm soát người ra, vào để chống dịch

Đồng bào DTTS vững niềm tin

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, chính những hành động, việc làm thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của các cấp, các ngành đến cộng đồng người DTTS đã là động lực, là niềm tin để người dân tại mỗi  phum, sóc, buôn, làng tự nguyện đứng lên góp sức, góp công, “kề vai sát cánh” để chống lại kẻ thù vô hình Covid-19.

Niềm tin với bà con DTTS đang ngày càng được củng cố vững chắc hơn, khi chúng tôi cảm nhận được trong những giọt nước mắt cảm động là sự biết ơn, trân trọng. Nhận được những gói hàng cứu trợ từ tay cán bộ xã, chị Neang Mao, dân tộc Khmer, công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam, ở trọ tại ấp 1, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) xúc động: Cứ ít ngày lại có cán bộ xã, ấp hoặc mạnh thường quân mang quà đến hỗ trợ, nên đồng bào không lo bị đói. Khó khăn sẽ vẫn còn, nhưng được quan tâm thường xuyên nên bà con cảm thấy rất ấm áp, an tâm.

Trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh, đồng bào các DTTS trên cả nước đã hiểu rõ hơn về tác hại, nguy hiểm của đại dịch Covid-19 từ những nỗ lực tuyên truyền, vận động; từ những hành động hỗ trợ, quan tâm, sẻ chia của các cấp, các ngành. Và rồi, điều chúng tôi thấy rõ nhất là bà con đã tự nguyện, tự giác, đồng thuận thực hiện theo các khuyến cáo và biện pháp chống dịch của Bộ Y tế; tích cực phối hợp cùng lực lượng chức năng trong việc truy vết, lấy mẫu, cách ly y tế…

Bà Vi Thị Thảo, người dân huyện Văn Quan (Lạng Sơn) trao đổi: Gia đình tôi có con đi làm công ty nơi vùng có dịch. Được mọi người trong Tổ Covid Cộng đồng thường đến nhắc nhở gia đình, động viên cháu yên tâm cách ly ở công ty, khi hết dịch mới về. Chúng tôi đã hiểu rõ những nguy hiểm của dịch bệnh nên ai cũng tự giác chấp hành để đẩy cái dịch.

Còn anh Lỳ Hà Xu, dân tộc Mông ở xã Ka Lăng, huyện Mường Tè (Lai Châu) cho biết: Nghe tuyên truyền bằng tiếng của dân tộc mình về phòng, chống dịch bệnh, nên dễ hiểu lắm. Mọi người đã tự giác hơn, ý thức phòng dịch tốt hơn đấy. Nhiều người đã không vượt biên mưu sinh nữa, mà ở nhà thôi, làm nương rẫy tại bản để chống cái dịch thôi.

Chưa bao giờ như lúc này, sự đồng thuận, đồng lòng chống dịch lại được nhân lên, lan tỏa trong vùng DTTS và miền núi. Khi người dân hiểu rõ về dịch bệnh, nhận rõ sự quan tâm của Chính phủ, tin tưởng vào sự điều hànhcủa Chính phủ, thì chắc chắn dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi, cuộc sống bình yên sẽ trở lại nhanh hơn với mỗi bản làng.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.