Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phòng chống dịch Covid-19 vùng DTTS - Nhìn từ đợt bùng phát dịch thứ 4: Linh hoạt, chủ động chống dịch (Bài 1)

Thanh Hải - 14:46, 22/10/2021

LTS: Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã kéo dài gần 6 tháng. Cũng chừng ấy thời gian, đồng bào DTTS đã chịu những tác động rất lớn do dịch bệnh gây ra, nguy cơ nghèo và tái nghèo đang hiện hữu. Nhưng, điều đáng mừng là người dân, chính quyền sở tại đã đồng lòng, chung sức cùng Nhân dân cả nước và Chính phủ đẩy lùi dịch bệnh, giành lại những vùng xanh trên bản đồ dịch tễ. Thành quả chống dịch ở vùng DTTS là một bài học quý giá để vùng DTTS ổn định phát triển trong giai đoạn mới.

Những ngày phong tỏa, lực lượng chức năng đã rất vất vả khi lấy mẫu, cách ly, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân bản Chăm Puông, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. (Ảnh TC)
Những ngày phong tỏa, lực lượng chức năng đã rất vất vả khi lấy mẫu xét nghiệm, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân bản Chăm Puông, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. (Ảnh TC)


Thách thức chống dịch vùng DTTS

Địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS trải dài khắp cả nước, phân bố trên 3/4 diện tích cả nước, chủ yếu là đồi núi. Thôn bản này đến thôn bản khác, cách nhau nhiều núi cao, suối sâu, thậm chí nhiều nơi để đến được phải đi bộ nhiều giờ liền. Mặt khác, do địa bàn trải dài, nhiều địa phương là vùng biên, nên nguy cơ xâm nhập dịch bệnh từ bên kia biên giới rất lớn.

Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) Lê Bá Hùng nói: Ở nhiều vị trí, địa phương chúng tôi cách nước bạn Lào chỉ một khúc sông nhỏ cạn nước. Mặc dù cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lao Bảo, chính quyền địa phương đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn… nhưng nguy cơ dịch xâm nhập từ những người nhập cảnh trái phép vẫn rất cao. Có những thời điểm, các lực lượng chức năng đã phát hiện hàng trăm người có ý định nhập cảnh trái phép.

Ngoài ra, nhiều người DTTS chưa đi ra khỏi bản làng, nên suy nghĩ, nhận thức về các vấn đề xã hội không đầy đủ, không kịp thời, dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Do đó, công tác tự phòng chống dịch, đối phó với dịch của bản thân, gia đình, cộng đồng cũng như phối hợp cùng thôn bản, địa phương gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Ông Phan Đức Sơn, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương (Nghệ An) nói: Nhìn từ ổ dịch ở bản Chăm Puông, xã Lượng Minh cách nay mấy tháng, chúng tôi nhận thấy quá nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng đến công tác chống dịch. Bà con nơi đây chủ yếu là dân tộc Khơ Mú, nói tiếng phổ thông không thạo, địa bàn ở biệt lập, xa trung tâm xã, nhận thức chưa đầy đủ… nên việc triển khai các biện pháp ứng phó với dịch bệnh rất vất vả.

Thực tế trên đã gây nhiều khó khăn lớn đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng người DTTS. Và, chính từ những khó khăn ấy, đã là một trong những nguyên nhân làm gia tăng số người DTTS bị nhiễm bệnh Covid-19. Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Ủy ban Dân tộc, từ ngày 27/4/2021 đến giữa tháng 10/2021, cả nước có 16.943 người DTTS mắc Covid-19. Trong đó, khu vực Tây Nam bộ có 1.955 ca, miền Trung và Tây Nguyên có 1.976 ca, Đông Nam bộ có 11.223 ca, các tỉnh phía Bắc có 1.789 ca và có 94 ca F0 là học sinh Trường Dự bị Đại học TP. Hồ Chí Minh.

Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước tặng quà cho hộ có hoàn cảnh khó khăn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 ở huyện Hớn Quản. (Ảnh LAR)
Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước tặng quà cho hộ có hoàn cảnh khó khăn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 ở huyện Hớn Quản. (Ảnh LAR)

Cả hệ thống chính trị quyết liệt vào cuộc

Từ khi bùng phát đợt dịch bệnh thứ 4 đến nay, đã có nhiều Chỉ thị, Công điện, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19; Đặc biệt là lời kêu gọi phòng chống dịch của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư; thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương đã vào cuộc khẩn trương, nghiêm túc với những giải pháp cụ thể.

Nhìn từ “ổ dịch” tại buôn Ea Bhốk, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk), có thể thấy rõ điều đó. Cuối tháng 7, buôn Ea Bhốk là điểm nóng nhất tỉnh này, với 51 ca bệnh Covid-19. Nhưng, từ sự đồng lòng, quyết tâm chống dịch của chính quyền địa phương và Nhân dân, chỉ sau gần 20 ngày, ổ dịch tại buôn Ea Bhốk đã được khống chế.

Hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân và khu cách ly huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh LH)
Hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân ở khu cách ly huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh LH)

Ông Ngô Văn Minh, Bí thư Chi bộ buôn Ea Bhốk chia sẻ: Ai cũng trách nhiệm, quyết liệt cao trong chống dịch. Nhờ vậy, nhịp sống thường ngày đã nhanh trở lại với bà con bằng những hoạt động thu hoạch lúa vụ hè thu, các nông sản khác và chăm sóc vật nuôi. Tất cả mọi người đều ý thức tốt việc thực hiện 5K, các quy định phòng, chống dịch của địa phương và rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Song song đó, Chính phủ, các bộ ngành đã chỉ đạo các địa phương, khẩn trương rà soát nắm tình hình dịch bệnh trên địa bàn người DTTS sinh sống; nhận diện, xác định những nguy cơ phát sinh trong quá trình chống dịch để có những chỉ đạo sát thực tế, đúng đối tượng, bảo đảm an sinh xã hội.

Anh Mô Ha Mách Du Sô ở ấp Phủm Soài, xã Châu Phong huyện An Phú (An Giang) kể: Trong những ngày gia đình thực hiện cách ly, được cán bộ đến nhà hỗ trợ gạo và thực phẩm, mua hộ những mặt hàng thiết yếu. Cán bộ y tế cũng thường xuyên thăm hỏi, cấp thuốc và khẩu trang cho hàng chục hộ ở ấp Phủm Soài này. Tôi còn được nhận tiền hỗ trợ của Ủy ban Dân tộc dành cho hộ khó khăn. Chúng tôi rất cảm động, mang ơn cán bộ tham gia phòng, chống dịch nhiều lắm.

Ngay tại Bình Phước, trước tình hình dịch bệnh, tỉnh đã tích cực triển khai các giải pháp, với mục tiêu: “Không để đồng bào bị thiếu đói do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19”; triển khai nhanh chóng các gói hỗ trợ đến đồng bào DTTS, tạo mọi điều kiện thuận lợi, giúp đỡ kịp thời đối với lao động là người DTTS từ vùng dịch trở về địa phương, nhất là các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch vùng đồng bào DTTS vẫn còn một số khó khăn. Đó là việc khó tiêu thụ nông sản do bị phong tỏa, cách ly; một bộ phận đồng bào là người DTTS trở về từ vùng dịch chưa có việc làm; nhiều gia đình có người bị nhiễm Covid -19 vốn đã khó khăn nay còn khó khăn hơn; việc tiếp cận với gói hỗ trợ của Chính phủ có nơi còn chưa thực hiện được do một số địa phương chưa thể tổng hợp, phân tích kịp thời... Thực tế ấy đòi hỏi phải có biện pháp tháo gỡ, quan tâm, chỉ đạo cụ thể từ trên xuống.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.