Các loại sâu hại thường gặp trên cây quế
Sâu hại quế rất đa dạng gồm 14 loài ở 13 họ thuộc 4 bộ khác nhau. Sâu ăn lá có 4 loài, sâu đục thân 3 loài, sâu chích hút 3 loài, sâu đục sùi vỏ 01 loài và sâu hại rễ có 2 loài. Trong các loài sâu hại có mức độ nguy hiểm là bọ trĩ, sâu róm xanh, sâu đục thân cành, sâu đo ăn lá và bọ xít nâu sẫm..:
Bọ trĩ: Gây hại trong suốt thời gian gieo ươm cây con ở vườn ươm và rừng trồng. Thời gian gây hại mạnh nhất vào tháng 7, tháng 8 khi thời tiết ấm nóng và khô. Thường rất khó phát hiện khi chúng mới tấn công, gây hại cây trồng. Biểu hiện khi cây trồng bị bọ trĩ chích lá là lá non bị biến dạng, xoăn lại.
Để phòng trị cần đặt các bẫy dính màu vàng, bẫy dính màu xanh để thu hút bọ trĩ đậu vào ở giai đoạn vườn ươm. Ngoài ra, luân phiên các loại thuốc thuốc trừ sâu sinh học có thành phần Azadirachtin 0,3% hoặc thuốc có hoạt chất như: Spinetoram, Imidacloprid, Carbosulfan phun vào lúc cây ra lộc non.
Bọ xít nâu sẫm: Thường chích trên cành non và chồi, sau từ 1 - 2 tuần các vết chích cùng chuyển sang màu đen, khô dần, nứt ra, có thể khô héo và chết.
Để phòng trị cần bắt giết bọ xít khi mới nở còn sống tập trung, ngắt các ổ trứng bọ xít. Đồng thời bà con hãy phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có hoạt chất Abamectin để phun trừ.
Sâu đục thân cành: Thường xuất hiện ở cây Quế từ 6 tuổi trở lên (cấp tuổi II). Sâu trưởng thành xuất hiện từ tháng 6 đến tháng 7. Sâu hại chủ yếu tập trung phá hại ở những khu vực chân đồi rừng Quế.
Để phòng trị cần dùng đèn để bẫy bướm. Đồng thời dùng thuốc BVTV có hoạt chất Fipronil, Cartap để diệt sâu non ở tuổi 1 và tuổi 2.
Sâu đo ăn lá: Sâu đo ăn trụi lá Quế trông như cây chết. Sâu hại làm giảm sinh trưởng của rừng Quế, làm cây suy yếu tạo điều kiện thuận lợi cho những loài sâu hại thứ cấp xâm nhập, phá hoại. Loài sâu Đo ăn lá Quế chỉ tập trung chủ yếu ở sườn đồi và chân đồi. Sâu đo ăn lá Quế có tính xu quang mạnh ở pha trưởng thành.
Để phòng trị cần dùng bẫy đèn có tia UV để bẫy bướm. Đồng thời bà con hãy dùng chế phẩm sinh học có hoạt chất Bacillus thuringiensis. Nếu diện tích nhiễm sâu với mật độ cao dùng thuốc BVTV có hoạt chất Alpha - Cypermethrin để phun trừ.
Sâu róm xanh: Gây hại cả giai đoạn vườn ươm và rừng trồng. Sâu non một năm xuất hiện 4 lứa từ tháng 2 đến tháng 10. Bướm có tính xu quang mạnh, thường bay vào đèn vào buổi tối.
Để phòng trị cần sử dụng bẫy đèn với ánh sáng màu tím để bẫy bướm ở pha trưởng thành. Đồng thời sử dụng các chế phẩm sinh học Delfin 32WG (vi khuẩn Bacillus thuringiensis) và Bitadin WP (vi khuẩn Bacillus thurigiensis và Granulosis virut)
Rệp phá hoại (Có rất nhiều loại rệp sáp, rệp nâu ...), rệp thường phát sinh vào mùa hè hại cả ở giai đoạn vườn ươm và rừng trồng, chúng phá hoại các cành lá non của cây. Lá có rệp thì sẽ biến thành màu vàng hoặc cuộn cong lại rồi héo úa.
Để phòng trị cần dùng các loại dung dịch thuốc lá + xà phòng + bột hoa cúc. Đồng thời, dùng thuốc có các hoạt chất như: Profenofos Cypermethrin + Profenofos hoặc Imidacloprid; Spirotetramat; Dinotefuran Abamectin.
Sâu cuốn lá: Xuất hiện và phá hoại ở hầu hết các vùng trồng quế ở nước ta cả ở vườn ươm và rừng trồng.
Để phòng trị cần dùng bẫy đèn bẫy bướm. Đồng thời bà con cần sử dụng chế phẩm tự nhiên để phun trừ các loại sâu hại từ gừng, tỏi, giềng, đường đỏ. hoặc thuốc hoạt chất Abamectin phun theo hướng dẫn sử dụng...
Các loại bệnh hại thường gặp
Bệnh tua mực quế
Tác nhân gây bệnh là nấm mốc mammaria cetasi và Lacelinopsis sp. Vi khuẩn Pseudomonas. Bọ trĩ và rầy lưng đỏ là môi giới trung gian truyền bệnh.
Cây bị nhiễm bệnh ban đầu trên thân cây xuất hiện một số khối u trên vỏ cây, khối u lớn dần; trên khối u hình thành các tua dài ngắn khác nhau với số lượng khác nhau. Những cây ra nhiều tua thường bị các sinh vật khác xâm nhiễm trên tua như nấm mốc, mọt; tua héo dần nên khi xác định thường có các vi khuẩn và nấm mốc.
Để phòng trừ bệnh tua mực quế, bà con cần chăm sóc, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ để tăng sức khỏe cho cây bị nấm, vi khuẩn hay địa y đến tấn công khi cây có sức sống kém. Chọn giống cây trồng khỏe mạnh để kháng bệnh. Chặt bỏ những cây, những cành bị bệnh. Chặt bỏ phần thân và cành có búi tua mực.
Khi xuất hiện các tua mực, cần kiên quyết xử lý kịp thời, thu gom đốt, cây quế sẽ sinh chồi, mọc tiếp.
Bệnh khô lá quế
Bệnh khô lá quế do nấm đĩa gai Pestalotiopsis funerae Penz. gây ra. Nấm bệnh phát triển trong điều kiện nhiệt độ 26 - 30 độ C, khi nhiệt độ thấp dưới 10 độ C thường không phát triển. Độ ẩm cao trên 80% rất có lợi cho đĩa bào tử nở ra bào tử bay ra ngoài thực hiện lây lan.
Bệnh thường gặp trên cây quế vào các tháng 4 - 11. Trên lá quế ban đầu xuất hiện đốm vàng nhỏ, lớn dần lên đến mép lá phần bị bệnh khô dần biến thành màu nâu xám. Bệnh lây lan đến lá khác và tạo ra đốm khác. Cây nhiễm bệnh nặng khiến lá rụng, cây chết khô. Bệnh còn xuất hiện trên cả cành non.
Để phòng trừ bệnh khô lá quế, bà con cần loại bỏ lá bị bệnh ngay từ khi mới xuất hiện đốm bệnh, nếu còn có đốm bệnh thì phải tiến hành cắt tiếp lá bệnh. Cắt bỏ cành bị bệnh nhặt hết lá rụng trên luống. Tăng cường che bóng, che gió cho cây. Bón phân tưới nước đầy đủ và kịp thời, nên bón phân P, K.
Vào khoảng đầu mùa Xuân, khi lá non mới nhú, bà con tiến hành phun thuốc Boócdô 1% hoặc zineb 0,2%, 7 - 10 ngày phun 1 lần, phun khoảng 2 - 3 lần.
Bệnh đốm lá và khô cành quế
Bệnh thường gặp trên lá, quả và cành. Dấu hiệu trên lá và quả là các đốm tròn màu nâu sẫm. Lá non bị bệnh thường xoăn lại. Sau đó trên đốm bệnh xuất hiện các chấm nhỏ màu đen, đó là các đĩa bào tử. Cành non mắc bệnh thường xuất hiện các đốm hình bầu dục và bị khô héo, đốm bệnh màu nâu tím dần dần thành màu đen; chỗ mắc bệnh bị lõm xuống, nối liền nhau và làm cho cành cây khô héo. Trong điều kiện ẩm ướt, các đốm bệnh cành non và lá xuất hiện khối bào tử nhầy màu hồng. Vào mùa xuân, trên đốm bệnh có thể hình thành vỏ túi thể hiện giai đoạn hữu tính.
Để phòng trừ bệnh, bà con cần loại bỏ các lá bị bệnh để giảm nguồn lây nhiễm. Trồng cây ở nơi thoát nước, nhiều mùn, mật độ trồng hợp lý. Có thể trồng hỗn giao theo đám, xúc tiến khép tán sớm để giảm bệnh. Khi lá mới nhú phát hiện bệnh thì bà con có thể phun thuốc Boócđô 1% hoặc Benlat 0,1% để hạn chế bệnh.