Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cách phòng trừ một số bệnh thường gặp ở tôm hùm

Như Ý - 10:58, 14/12/2020

Tôm hùm là một trong những loại hải sản quý, có giá trị kinh tế cao. Những năm gần đây, mô hình nuôi tôm hùm đang dần trở nên phổ biến. Nuôi tôm hùm không đơn giản, ngoài việc chú ý đến nơi nuôi, chế độ dinh dưỡng… người nuôi còn cần chú ý phòng trừ bệnh cho tôm. Dưới đây là một số bệnh thường gặp ở tôm hùm và cách phòng trị:

Cách phòng trừ một số bệnh thường gặp ở tôm hùm

Bệnh đỏ thân:

Hiện tượng: Mang tôm và thân tôm đều chuyển sang màu hồng. Bệnh xuất hiện ở tôm con và tôm trưởng thành.

Nguyên nhân: Nước và đáy khu vực lồng, bè nuôi bị ô nhiễm nặng, thức ăn thừa quá nhiều, công tác vệ sinh kém; nhiễm vi khuẩn Vibrio.

Hậu quả: Tôm bỏ ăn, kém hoạt động, giảm tăng trưởng và chết hàng loạt.

Cách phòng trị:

- Vệ sinh lồng, bè nuôi sạch sẽ, tạo môi trường nước thông thoáng, giảm lượng khí độc.

- Tắm cho tôm trong dung dịch Oxytetracyline với nồng độ từ 0,5 - 2gr/m3 nước. Thời gian tắm 15 phút. Thời gian chữa trị từ 5 - 7 ngày.

- Trộn thuốc kháng sinh Oxytetracyline cộng với dầu thực vật vào thức ăn với trọng lượng 50mgr/kg thức ăn. Cho tôm ăn liên tục 5 - 7 ngày.

- Có thể sử dụng kháng sinh mới có độ nhạy cao như Norfloxacin, Nalidixic acid, Ciprofloxacin với lượng 30 - 50mgr/kg thức ăn liên tục trong 5 - 7 ngày.

Bệnh trắng râu:

Hiện tượng: Râu 1 chuyển từ màu nâu sang màu vàng, hồng rồi sang trắng. Bệnh này xuất hiện phổ biến ở giai đoạn tôm con.

Nguyên nhân: Tôm con bị nhiễm nấm Lagenidium sp, Fusarium sp.

Hậu quả: Tôm con chết hàng loạt.

Cách phòng trị:

- Treo túi vôi giữa các lồng nuôi. Vôi có tác dụng diệt nấm tốt.

- Tắm cho tôm bằng dung dịch Formol với nồng độ từ 15 - 25ml/m3 nước, sục khí trong 15 phút. Thời gian điều trị từ 5 - 7 ngày.

Bệnh long đầu:

Hiện tượng: Phần giáp đầu ngực và phần thân long ra. Trong lớp biểu bì tiết dịch nhầy hôi thối. Bệnh xuất hiện ở tôm con và tôm trưởng thành.

Nguyên nhân: Tôm nhiễm vi khuẩn Vibro sp, Aeromonas.

Hậu quả: Tôm chết rải rác.

Cách phòng trị:

- Tắm cho tôm trong dung dịch Oxytetracylin với nồng độ 0,5 - 2gr/m3. Thời gian tắm 15 phút. Thời gian chữa trị từ 5 - 7 ngày.

- Trộn thuốc kháng sinh Oxytetracylin và dầu ăn với lượng từ 40 - 50mgr/kg thức ăn. Cho ăn liên tục 5 - 7 ngày.

Bệnh đen mang:

Hiện tượng: Mang tôm có những điểm đen, các tơ mang chuyển màu đen, mang thối rữa toàn bộ. Quan sát bằng mắt thường thấy những búi sán lá đơn chủ trắng nhỏ như sợi tóc. Sán lá sẽ đục thủng mang gây hoại tử tế bào. Thân tôm cũng xuất hiện những đốm đen, mắt tôm cũng có thể chuyển sang màu đen. Bệnh xuất hiện ở cả tôm con và tôm trưởng thành.

Nguyên nhân: Mang tôm bị đen là do sắc tố Melanin phát triển tại các mô của mang bị phá hủy do các tác nhân: Ký sinh trùng sán lá đơn chủ (xuất hiện nhiều sau các cơn mưa), nấm Fusarium, vi khuẩn dạng sợi Vibrio, nồng độ khí độc Amoniac và Sulfur hydro trong môi trường cao.

Hậu quả: Tôm bỏ ăn, hô hấp kém, nằm dưới đáy lồng và chết hàng loạt.

Cách phòng trị:

- Tắm cho tôm bằng Formol với nồng độ từ 15 - 25ml/m3 nước trong 10 - 15 phút, có sục khí. Thời gian chữa trị từ 5 - 7 ngày.

- Tắm cho tôm bằng Sulfat đồng, nồng độ 0,5gr/m3 nước trong 5 - 7 phút, có sục khí. Thời gian chữa trị từ 5 - 7 ngày. Lưu ý tôm bệnh sau khi xử lý thuốc cần được thả nuôi ở một lồng khác.

-Treo những túi vải có chứa vôi ở giữa lồng tôm hoặc đặt ở những vùng đáy lồng nuôi bị ô nhiễm. Vôi có tác dụng diệt ký sinh trùng, nấm, vi khuẩn tốt.

-Có thể sử dụng một số kháng sinh như Nalidixic acid để phòng trị bệnh bằng cách trộn vào thức ăn với lượng từ 30 - 50mgr/kg thức ăn. Thời gian điều trị từ 5 - 7 ngày.

Bệnh đốm trắng trên vỏ:

Hiện tượng: Trên vỏ tôm và dưới giáp đầu ngực xuất hiện những đốm trắng.

Nguyên nhân: Cần phân biệt rõ nguyên nhân.

- Nếu tôm có đốm trắng song vẫn khoẻ mạnh, hoạt động bình thường thì không phải do dịch bệnh. Nguyên nhân là do hàm lượng Canci, Manhê trong nước cao. Đây không phải là hiện tượng bệnh, tôm lột xác các đốm trắng sẽ mất đi.

- Trường hợp tôm nhiễm nấm, vi khuẩn đặc biệt nhiều ở vùng đáy bị ô nhiễm sẽ gây ra bệnh đốm trắng trên vỏ.

Hậu quả: Tôm giảm ăn, giảm tăng trưởng, không lột xác được hoặc chu kỳ lột xác kéo dài, tôm chết rải rác.

Cách phòng trị:

- Tắm cho tôm bằng Sulfat đồng với nồng độ 0,5gr/m3, sục khí trong vòng từ 5 - 7 phút. Thời gian chữa trị từ 5 - 7 ngày.

- Treo túi vải đựng vôi để phòng và trị bệnh./.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.