Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Các biện pháp phòng và trị bệnh cho cá bống tượng

Như Ý - 18:29, 10/05/2023

Cá bống tượng là một trong những loài thuỷ đặc sản được nuôi phổ biến và mang lại giá trị kinh tế cao. Cá bống tượng không khó nuôi, tuy nhiên khi nuôi cá bống tượng người nuôi cần lưu ý phòng và trị một số bệnh thường gặp ở cá bống tượng để đạt năng suất cao.

Cá bống tượng không khó nuôi, tuy nhiên khi nuôi cá bống tượng người nuôi cần lưu ý phòng và trị một số bệnh thường gặp ở cá bống tượng để đạt năng suất cao
Cá bống tượng không khó nuôi, tuy nhiên khi nuôi cá bống tượng người nuôi cần lưu ý phòng và trị một số bệnh thường gặp ở cá bống tượng để đạt năng suất cao

Bệnh do vi khuẩn

Các dạng bệnh do vi khuẩn thường gặp như: cá bệnh sẫm màu từng vùng ở bụng, xuất hiện nhiều mảng đỏ hay đốm đỏ trên cơ thể; hoại tử đuôi, vây, xuất hiện các vết thương trên lưng; các khối u trên bề mặt cơ thể; vẩy dễ rơi rụng; mắt lồi, mờ đục và lồi ra; xoang bụng chứa dịch nội tạng bị hoại tử, bề mặt cơ thể có thể chảy máu; tuột nhớt nhưng không xuất huyết vây và hậu môn…

Khi nhiễm bệnh, cá bơi lội lờ đờ gần mặt nước; giảm ăn hoặc bỏ ăn; màu sắc bị thay đổi; cá bị lở loét từng đốm màu đỏ trên thân; bụng trướng đầy hơi, nổi lờ đờ trên mặt nước; vây bơi bị rách đứt, cá bị tuột nhớt.

Để phòng bệnh, người nuôi giữ cho môi trường tốt (nhất là nền đáy), cho cá ăn đầy đủ lượng và chất, hạn chế tối đa nguồn lây bệnh bên ngoài vào (nguồn nước cấp cho ao), nuôi ở mật độ vừa phải.

Đối với một số bệnh do vi khuẩn gây ra nếu phát hiện sớm có thể chữa trị được bằng những biện pháp sau: Dùng thuốc tím (KMnO4) tắm cá liều lượng dùng 4g/m3 trong thời gian 30 phút, xử lý lặp lại sau 3 ngày; hoặc dùng định kỳ 2 – 3 tuần/lần tùy theo sức khỏe của cá. Cải thiện nền đáy ao nuôi (sử dụng chế phẩm sinh học): cho cá ăn đầy đủ kết hợp với một số men tiêu hóa và vitamin C, khoáng vi lượng.

(Tổng hợp) Các biện pháp phòng và trị bệnh cho cá bống tượng 1

Bệnh ngoại ký sinh trùng

Đây là căn bệnh do các sinh vật rất nhỏ bám vào mang, da của cá để hút máu hoặc chất dinh dưỡng gây nên những vết thương, xuất huyết. Khi bị bệnh màu sắc cá trở nên nhợt nhạt, cá thích tập trung ở nơi có đường nước chảy vào. Bệnh xuất hiện khi mật độ nuôi dầy, điều kiện vệ sinh kém, mưa kéo dài, thời tiết lạnh.

Để phòng trị bệnh bà con cần thả nuôi mật độ vừa phải, tránh để ao bị ô nhiễm. Đồng thời cho thuốc vào bao treo ở thành lồng.

Ưu điểm của phương pháp này là tiết kiệm thuốc, cách sử dụng đơn giản, cá ít bị ảnh hưởng xấu của thuốc. Tuy nhiên, nhược điểm là khả năng tiêu diệt sinh vật gây bệnh hạn chế, chỉ diệt được tác nhân ở xung quanh khu vực treo túi thuốc. Để tránh những ảnh hưởng xấu tới cá, cần tính toán lượng thuốc có thể tồn tại được 2- 5 giờ, tùy vào từng loại thuốc và treo liên tục trong vòng 3 ngày.

Trong phương pháp điều trị bà con cần dùng formol tạt xuống ao với nồng độ 20-25ml/m3 hoặc dùng lá xoan bó thành từng bó để dưới đáy hoặc đầu bè, liều lượng 0,6 kg lá/kg cá. Cá sẽ chúi vào bó lá, nước lá xoan đắng sẽ làm trùng mỏ neo rời ra khỏi thân cá.

Bệnh đốm đỏ

Nguyên nhân là do môi trường sống bị thay đổi, cá bị sây sát trong quá trình vận chuyển, đánh bắt, vi khuẩn xâm nhập và gây ra bệnh. Cá kém ăn, bơi chậm chạp, các phần dọc theo thân, đuôi, tia vi xuất hiện các đốm đỏ, vết loét. Bà con có thể dùng thuốc Sulphamit 10-16 g trộn vào thức ăn cho 100 kg cá, ăn 2-3 lần. Cũng có thể tắm cho cá bằng nước muối nồng độ 4%o trong 10 phút có sục khí.

(Tổng hợp) Các biện pháp phòng và trị bệnh cho cá bống tượng 2

Bệnh lở loét (hội chứng lở loét)

Bệnh do nhiều nguyên nhân kết hợp như virus, vi khuẩn, nấm thuỷ mi, nấm nội Aphanomyces, giáp xác ký sinh, môi trường nước quá dơ bẩn, hoặc nhiệt độ thay đổi.

Các triệu chứng thường gặp là cá ít ăn hoặc bỏ ăn, lờ đờ, ngoi đầu lên mặt nước, da nhợt nhạt và xuất hiện các vết loét dần dần lan rộng có thể ăn sâu đến xương. Cơ quan nội tạng hầu như không bị thương tổn.

Bà con cần dùng thuốc tím với liều lượng 3g/m3, kết hợp với muối ăn (0,3kg/m3) tạt xuống ao. Đồng thời trộn kháng sinh cho ăn liên tục từ 5 - 7 ngày với liều lượng: Oxytetracyline 2g/kg thức ăn, bổ sung vitamin C 3g/kg thức ăn.

Bệnh trùng mỏ neo

Đây là căn bệnh trùng bám trên thân cá ở các gốc vây ngực, vây hậu môn; nếu nặng toàn thân trùng mỏ vào hút máu làm cho cơ thể cá tấy sưng. Cần dùng lá xoan (sầu đông) bó thành từng bó để dưới đáy hoặc thùng bè, lều lồng với lượng 0,6 kg lá/kg cá. Cá sẽ chúi vào bó lá, nước lá xoan đắng sẽ làm cho trùng mỏ neo rời khỏi thân cá.

Bệnh tuột nhớt

Căn bệnh này dễ xuất hiện khi cá bị xây xát, sốc do đánh bắt vận chuyển hoặc môi trường thay đổi đột ngột. Khi bị bệnh, khắp da cá có một lớp nhớt dày bao phủ. Cá tách đàn, bơi lội yếu ớt. Cá kém ăn hoặc bỏ ăn. Trên thân từng vùng bị trắng. Bệnh năng xuất hiện các vết loét ăn sâu vào cơ và là điều kiện để nấm và ngoại ký sinh phát triển. Bệnh nặng cá chết chìm xuống đáy ao.

Bà con cần tránh các yếu tố gây sốc cho cá, định kỳ hoặc trước những cơn mưa to tạt vôi bột CaCO3 với liều 1 - 2kg/100m2 vào ao nuôi.

Dùng formol 25ml/m3 nước để diệt nấm và ngoại ký sinh, sau 24 giờ thay khoảng 50% lượng nước trong ao nuôi, sau đó dùng thuốc với liều như cũ một lần nữa.

(Tổng hợp) Các biện pháp phòng và trị bệnh cho cá bống tượng 3

Bệnh nấm thủy mi

Khi nấm mới ký sinh, mắt thường khó nhìn thấy, phần cuối của sợi nấm đâm sâu vào thịt cá, phần đầu thì lơ lửng trong nước. Khi bệnh nặng, trên thân cá xuất hiện những đám bông màu trắng. Cá có cảm giác ngứa ngáy, thân gầy, đen sẫm. Nấm ngày càng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập làm bệnh nặng thêm.

Khi cá bị nhiếm bệnh này bà con cần dùng thuốc tím (KMnO4) tạt xuống ao, liều lượng 3 - 5g/m3 nước, hoặc dùng dung dịch muối ăn 3% tắm cá trong 15 phút.

Ngoài ra, để hạn chế một cách thấp nhất những thiệt hại do bệnh dịch mang lại, bà con cần chú tâm trong cách chăm sóc và quản lý cá bống tượng như sau:

Sau mỗi ngày cho ăn, phải kiểm tra thức ăn thừa trong sàn và vệ sinh sàn sạch sẽ. Định kỳ thay đổi loại thức ăn để kích thích cá thèm ăn và nhanh lớn. Phải thay nước ao thường xuyên để duy trì chất lượng nước, loại bỏ nước dơ, chất bẩn. Mỗi ngày thay nước một lần, mỗi lần thay khoảng 20% lượng nước ao.

Thường xuyên theo dõi màu nước ao, duy trì nước ao có màu xanh lá chuối non là tốt nhất. Khi thấy nước có màu xanh quá đậm, màu xám hay có mùi hôi do tảo hoặc thức ăn phân hủy thì phải thay nước ngay. Khi rút nước phải dùng lưới chắn bọng để không cho cá lọt ra ngoài. Nước dẫn vào ao phải qua lưới chắn để ngăn cá tạp và địch hại. Khi thấy mực nước ao hạ xuống thấp thì phải thêm nước vào cho đúng mức nước ban đầu. Nước dẫn vào ao phải được khống chế cho chảy từ từ nhằm tránh làm cá hoảng loạn.

Tạo điều kiện để cá bắt mồi cả ban ngày lẫn ban đêm, bằng cách thả bèo lục bình và cây cỏ xung quanh mé bờ ao để làm nơi cho cá trú ẩn và bắt mồi.

Cá có tập tính hay chui rúc xuống bùn và hang hốc nên dễ bị nhiễm các loại ký sinh trùng. Để đề phòng bệnh này, định kỳ xử lý nước ao bằng hóa chất, hoặc bó lá xoan thành từng bó nhỏ và cho vào đáy ao.

Thường xuyên kiểm tra bờ ao, cống rãnh để khắc phục kịp thời khi bị sạt lở, rò rỉ. Thường xuyên theo dõi hoạt động của cá, nếu thấy có dấu hiệu bất thường thì phải kiểm tra ngay để xử lý kịp thời.

Định kỳ (khoảng 10 ngày 1 lần) dùng vôi bột hòa với nước và tạt đều khắp ao để diệt mầm bệnh, liều lượng: 5-6 kg vôi bột/100 m2.

Tin cùng chuyên mục
Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Nhờ sử dụng đạt hiệu quả cao nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), huyện An Lão (Bình Định) đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo.