Để hỗ trợ phát triển, tỉnh Cà Mau đã tăng cường thực hiện nhiều chính sách, trong đó chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Giai đoạn 2013 - 2021, tỉnh đã đào tạo được hơn 6.400 lượt người, với tổng kinh phí hơn 4.100 tỷ đồng. Nội dung đào tạo tập trung vào lĩnh vực hoạt động của HTX, các chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa,… góp phần giúp đội ngũ quản lý các HTX có thể học tập và vận dụng hiệu quả vào quá trình sản xuất, kinh doanh của HTX.
Cùng với đó, nhằm giúp HTX tháo gỡ khó khăn về vốn, duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tỉnh đã thành lập quỹ hỗ trợ phát triển HTX, vốn điều lệ từ ngân sách tỉnh cấp đến nay đạt khoảng 16.500 tỷ đồng, vốn từ thành viên đóng góp đạt hơn 340 triệu đồng. Qua đó, đã hỗ trợ cho trên 180 dự án với tổng dư nợ hơn 40.600 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Mưa, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất lúa- tôm Trí Lực trên địa bàn tỉnh, cho biết: Khi mới thành lập, đặc biệt là thời gian dịch bệnh căng thẳng, HTX gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nhờ có các chính sách hỗ trợ kịp thời về vốn, công nghệ, máy móc… chúng tôi từng bước hoạt động ổn định.
Hiện, tổng diện tích canh tác lúa tôm của HTX khoảng 900ha và được địa phương tạo điều kiện liên kết chuỗi đầu vào và đầu ra ổn định cho bà con. Tháng 4/2020 vừa qua, HTX đã thành công trong việc đưa hạt gạo ST24 làm nên thương hiệu gạo sạch Hoàng Yến, và được UBND tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. “Thời gian tới, chúng tôi rất mong Nhà nước tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ HTX vay vốn lãi suất thấp, hỗ trợ đào tạo nhân lực… để HTX phát triển”, ông Mưa chia sẻ thêm.
Không chỉ quan tâm hỗ trợ vốn, đào tạo nhân lực…, tỉnh Cà Mau cũng đã chủ động hỗ trợ các HTX trong việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm.
Cụ thể, tỉnh Cà Mau đã tăng cường tổ chức các Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ nội địa sản phẩm nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là các sản phẩm OCOP của tỉnh, lồng ghép các hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp gắn với phát triển các sản phẩm OCOP. Hiện nhiều sản phẩm đã được tiêu thụ trong hệ thống siêu thị: Tập đoàn Central Retail Việt Nam, Saigon Coop, trên các sàn thương mại điện tử như: Tiki, Lazada, Sendo, Chợ tốt…
Anh Huỳnh Minh Triều, Giám Đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Thủy sản Đoàn Phát (ngụ tại ấp 8, xã Trí Lực, huyện Thới Bình) cho biết: Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động của HTX gặp rất nhiều khó khăn, nhưng HTX vẫn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía các cấp, chính quyền trong việc hướng dẫn làm thủ tục hồ sơ, đánh giá phân hạng OCOP và kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm. Năm 2021, sản phẩm Gạo sinh thái Từ Tâm của HTX sản xuất đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh…
Nhờ sự hỗ trợ hiệu quả đó, giá trị sản phẩm OCOP của các chủ thể là HTX từng bước được nâng lên; theo kết quả khảo sát sơ bộ, có trên 30% sản phẩm OCOP có doanh thu tăng từ 5- 8%, hầu hết giá bán sản phẩm tăng từ 5 -10%, cá biệt có một số sản phẩm giá bán tăng từ 15 - 20%.
Với trên 266 HTX đang hoạt động, tính đến cuối tháng 12/2021, vốn điều lệ của các HTX đạt 177,5 tỷ đồng; doanh thu trong HTX đạt 800 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của thành viên HTX, lao động HTX đạt 40 triệu đồng/người/năm. Nhìn chung, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, các HTX đã từng bước thoát khỏi tình trạng yếu kém, phát huy vai trò, đem lại lợi ích và thu nhập cho thành viên. Một số HTX dần thích nghi được với cơ chế thị trường, ký kết hợp đồng với nhiều đối tác; hình thành được một số HTX kiểu mới theo hướng liên doanh - liên kết trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa cho thành viên, phát huy được vai trò, sức mạnh của đơn vị, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong năm 2022, tỉnh Cà Mau tiếp tục tập trung hỗ trợ củng cố, kiện toàn các HTX đủ mạnh để thực hiện tốt vai trò tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thay đổi quy trình canh tác theo hướng giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc, tạo điều kiện hình thành những tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao.
Tỉnh cũng phấn đấu phát triển mới 80 tổ hợp tác, 20 HTX và 1 liên hiệp hợp tác xã. Phấn đấu đưa thu nhập bình quân của người lao động và thành viên trong các HTX lên trên 50 triệu đồng; doanh thu bình quân của HTX đạt 1 tỷ đồng trở lên…