Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cà Mau: Biến cây mọc dại thành sản phẩm đặc trưng vùng cực Nam

H. Diễm - 17:05, 15/09/2022

Mong muốn làm giàu và khát khao vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống, là đức tính đáng quý của những nông dân chân lấm tay bùn trên vùng đất Cà Mau. Với sự cần cù siêng năng, nhiều hộ đồng bào DTTS đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa sang trồng bồn bồn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều nông dân thoát nghèo.

Bồn bồn là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân Cà Mau
Bồn bồn là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân Cà Mau

Đi dọc theo Quốc lộ 1A đường về Đất Mũi, chúng tôi bắt gặp những ruộng bồn bồn xanh tươi ngút ngàn trải dài. Kèm theo đó, những hàng quán bán các loại đặc sản của vùng cực Nam, trong đó dưa bồn bồn (ngâm muối), bồn bồn tươi, luôn được du khách chọn mua làm quà khi bước chân đến vùng đất này. Bồn bồn vốn hoang dại dễ trồng, cắm xuống đâu là đâm rễ, vươn mình phát triển mạnh mẽ đến đó.

Bà con ấp Trùm Thuật B, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, lúc đầu chỉ đi hái những đám bồn bồn mọc tự nhiên về bán, kiếm thêm tiền chợ. Rồi dần dần cây mọc tự nhiên không còn nữa, mà nhu cầu người sử dụng ngày càng nhiều, nên nhiều hộ dân đã chuyển từ ruộng trồng lúa sang trồng bồn bồn. 

Ông Cam Văn Toàn chia sẻ, gia đình không có nhiều đất sản xuất, nên trồng thử nghiệm 3 công (3.000m2) cây bồn bồn. Khi nhận thấy hiệu quả, ông chuyển hẳn 15 công đất ruộng sang trồng bồn bồn. Tính ra, năm nay đã là năm thứ 5, ông gắn bó với cây trồng “dễ tính” này. Ruộng bồn bồn của ông xanh tốt và cho thu nhập quanh năm. Những tháng mùa hạn, nắng chang chang, ruộng bồn bồn của ông vẫn “đi hàng” đều đều.

 Hiện mỗi ngày ông thu hoạch cả trăm ký bồn bồn. Chủ yếu là tiêu thụ cho mối lái, số còn lại thì tiêu thụ tại chỗ, bán lẻ cho bà con và khách du lịch. Ruộng bồn bồn của ông dùng phân hữu cơ tự chế bằng vỏ tôm để bón, nên cây bồn bồn “ăn sạch”, cho năng suất cao hơn, có vị ngọt tự nhiên, được người tiêu dùng ưa chuộng. 

Nhờ trồng theo cách hữu cơ, bồn bồn của gia đình ông được nhiều bạn hàng tin tưởng nên giá bán lúc nào cũng ổn định. Lúc mùa mưa rộ thì bán giá 24 nghìn -26 nghìn đồng/kg, mùa hạn có khi lên 30 nghìn đồng/kg. "Mỗi tháng, gia đình có thu nhập bình quân trên dưới 40 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn thả cá đồng thiên nhiên vào như cá lóc, cá thác lác. Một năm thu hoạch  2 lần, vào tháng 4 và tháng 11 âm lịch, cũng được hơn 20 triệu đồng”, ông Toàn nhẩm tính.

Từ lá bồn bồn chị Phạm Thị Hồng Nguyên sáng tạo ra những sản phẩm phẩm túi xách thời trang ấn tượng
Từ lá bồn bồn, chị Phạm Thị Hồng Nguyên sáng tạo ra những sản phẩm phẩm túi xách thời trang ấn tượng

Cũng thành công từ cây bồn bồn, nông dân Đào Văn Sinh, dân tộc Khmer, ấp Tân Bằng, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, cho biết: ban đầu anh chỉ trồng 4 công. Cả nhà cùng nhau làm, đàn ông thì nhổ, đàn bà lột. Mỗi ngày nhổ vài chục ký, thu nhập tầm 400 nghìn đồng.

 Được đà lấn tới, anh Sinh quyết định sẽ làm giàu từ loại cây dân dã này. Anh mạnh dạn đầu tư giếng nước để trồng bồn bồn quanh năm. Lợi nhuận 1 năm được bao nhiêu, anh gom góp để đầu tư vào đất trồng bồn bồn. Từ vài công đất ít ỏi ban đầu, sau 6 năm trồng bồn bồn, anh đã có được hơn 20 công đất. Cuộc sống gia đình khấm khá, mỗi năm gia đình anh Sinh thu nhập cầm chắc trên 100 triệu đồng.

“Trên diện tích trồng bồn bồn, tôi thả nuôi cá thác lác, cá bổi, cá lóc. Tôi bắt dần, bỏ mối cho vựa cá, ngày vài ký. Cá thác lác có giá 70-80 nghìn đồng/kg, cá bổi 50 nghìn đồng/kg, cá lóc dao động từ 100 nghìn đồng trở lên/kg. Nói chung, cũng có thu nhập lai rai, mình cũng tiết kiệm được chi tiêu trong gia đình”, anh Sinh phấn khởi thông tin.

Khi nói về cây bồn bồn trên quê hương mình, ông Trương Văn Giang, Trưởng ấp Tân Bằng cho hay, từ phát triển cây bồn bồn làm kinh tế, đời sống bà con vươn lên khấm khá hẳn lên, không ít hộ đã thoát nghèo nhờ cây bồn bồn. Vào mùa nước nổi, mùa chính vụ thu hoạch cây bồn bồn, nhiều bà con nông dân có thêm việc làm nhờ từ việc nhổ, lột bồn bồn mướn. Mô hình trồng bồn bồn đem lại thu nhập khá cao, trên 100 triệu đồng/năm. Ở ấp sơ sơ cũng có 20 hộ trồng bồn bồn làm kinh tế.

Là cây trồng mang lại lợi nhuận kinh tế, nhưng người dân mới chỉ dùng lõi non của bồn bồn để chế biến thành món ăn hoặc làm dưa muối, còn phần lá và thân già thì bỏ đi hoặc  làm thức ăn cho gia súc, vì thế chưa tận dụng triệt để lợi ích kinh tế của cây bồn bồn.

Các sản phẩm từ bồn bồn đem lại thu nhập cho nhiều phụ nữ nông thôn
Các sản phẩm từ bồn bồn đem lại thu nhập cho nhiều phụ nữ nông thôn ở Cà Mau.

Gần gây, tận dụng phế phẩm từ cây bồn bồn, chị Phạm Thị Hồng Nguyên (ngụ tại xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước), đã biến lá bồn bồn thành sản phẩm túi xách thời trang đẹp mắt, vừa thân thiện môi trường, lại có giá trị cao. Một chiếc túi xách làm từ cây bồn bồn cần trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, từ khâu chọn nguyên liệu, đan may và trang trí. 

"Công đoạn đan túi lần lượt qua các bước như: tạo khung, đan, phủ keo chống mốc, chống thấm, may da, gắn khóa kéo và trang trí họa tiết. "Bình quân mỗi tháng, cơ sở của tôi sản xuất từ 50 chiếc túi xách trở lên, giá bán dao động từ 200 nghìn đến gần 500 nghìn đồng/chiếc tùy kích cỡ", chị Nguyên nói thêm.

Ngoài ra, chị Nguyên còn tạo công ăn việc làm cho phụ nữ nhàn rỗi ở địa phương, chị giao bồn bồn để nhân công đan thô xong thu lại sản phẩm. Giá gia công từ 50 nghìn đến 70 nghìn đồng/chiếc túi xách. 

Nhờ tận dụng tốt nguồn tài nguyên bản địa và biết cách quảng bá sản phẩm, túi xách bồn bồn của chị Nguyên được nhiều người biết tới, được chị em chốn công sở ưa chuộng vì vừa bền đẹp và có tính ứng dụng cao.


Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.