Tham dự và chủ trì Hội nghị có: Ông Nguyễn Minh Luân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp giáo dục pháp luật (GDPL) tỉnh Cà Mau; ông Võ Thanh Tòng - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh; bà Phạm Thị Ngọc - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh. Ngoài ra còn có sự tham dự đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp và hơn 100 đại biểu là đại diện lãnh đạo UBND các huyện và một số xã có mô hình phổ biến, GDPL trên địa bàn hiệu quả.
Trình bày tại Hội nghị, Đại tá Võ Phi Hùng Trưởng phòng Đối ngoại - An ninh Công an tỉnh Cà Mau cho biết, từ năm 2013 đến nay, Công an tỉnh đã phối hợp với các Ban, ngành đoàn thể của tỉnh tổ chức tuyên truyền phổ biến GDPL cho Nhân dân dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: Tổ chức thành công cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013”; ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai các luật được Quốc hội thông qua; tổ chức hưởng ứng “Ngày pháp luật Việt Nam”...
Đặc biệt, Công an tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử và phối hợp với Công an các huyện, thành phố tổ chức hàng trăm buổi họp dân để tuyên truyền phổ biến GDPL về an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội; vận động Nhân dân tự giác, tích cực tham gia các mô hình tự quản về an ninh, trật tự tại địa phương; thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm đến cơ sở; gửi hơn 1.000 lượt tin, bài đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về tình hình, kết quả bảo đảm an ninh, trật tự, gương người tốt, việc tốt để tuyên truyền, cổ động Nhân dân tham gia đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội.
Cũng là đơn vị có nhiều cách làm hay, Trung tá Nguyễn Chí Nguyện - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau, chia sẻ: Cà Mau là địa bàn có 3 mặt giáp biển. Khu vực biên giới biển có 23 xã, thị trấn, thuộc 6 huyện ven biển. Bờ biển dài 254 km, vùng biển rộng khoảng 80.000 km2, tiếp giáp với vùng biển Thái Lan và Malaysia. Trên địa bàn có 3.816 phương tiện được cấp giấy phép khai thác thủy sản, trong đó có 1.545 phương tiện có chiều dài 15 m trở lên hoạt động xa bờ. Hằng năm, lượng tàu cá ngoài tỉnh đến khai thác thủy sản trên 2.000 phương tiện.
Tập trung xây dựng, triển khai kế hoạch, phối hợp tuyên truyền phổ biến GDPL, thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo cho cán bộ, Nhân dân trên khu vực biên giới biển, chú trọng đối tượng là thuyền trưởng, chủ phương tiện, ngư dân hoạt động trên biển. Phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh triển khai thực hiện Đề án của Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh về “Tăng cường phổ biến GDPL cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới, hải đảo” giai đoạn 2017 - 2021 và hàng năm.
Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến tại một số ngành, đơn vị cấp tỉnh, địa bàn các huyện ven biển với nhiều hình thức, biện pháp, như: Tuyên truyền tập trung, tuyên truyền nhỏ lẻ đến từng hộ gia đình, thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát tại các trạm kiểm soát biên phòng, khai thác tủ sách pháp luật, phòng đọc sách, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoạt động Ngày Pháp luật… Đặc biệt, là tuyên truyền về Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Cảnh sát biển, Luật Xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam, tuyên truyền chống khai thác IUU đối với ngư dân trên khu vực biên giới biển do đơn vị quản lý...
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Minh Luân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đánh giá cao những kết quả đã đạt được qua 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, GDPL. Để thực hiện tốt Luật Phổ biến, GDPL trong thời gian tới, Phó Chủ tịch đề nghị các ngành và địa phương cần chú trọng đến công tác phối hợp phổ biến, GDPL cho người dân ở vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân và nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội.
Nội dung tuyên truyền cần tập trung vào các quy định pháp luật có liên quan mật thiết đến đời sống, sinh hoạt thường nhật của người dân; quan tâm, củng cố, kiện toàn đội Hội đồng phối hợp phổ biến, GDPL và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, bảo đảm phẩm chất, tiêu chuẩn và trình độ. Bởi đây là lực lượng rất quan trọng trong việc đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thẩm thấu vào cuộc sống.
Đa dạng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, phù hợp với nhu cầu, lứa tuổi, trình độ của đối tượng được phổ biến, GDPL và truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc; tiếp tục duy trì và nhân rộng cách làm hay, mô hình mới về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở....
Tại Hội nghị, đã có 12 tập thể (trong đó, có Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau) và 18 cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong tổ chức thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2012 - 2022.